| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp chây ỳ, người dân thiếu đất sản xuất

Thứ Tư 21/12/2022 , 09:34 (GMT+7)

Do thi công dự án, đất đá từ nhà máy chế biến khoáng sản tràn xuống, hơn 2ha ruộng bị vùi lấp, nhưng hơn 2 năm trôi qua, doanh nghiệp chưa khắc phục.

Người dân mỏi mòn chờ đợi

Tháng 6/2020, do mưa lớn, cửa xả hồ điều hòa thuộc dự án chế biến khoáng sản của Công ty TNHH Ngọc Linh ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) bị sạt lở khiến hàng vạn m3 đất đá, bùn theo dòng suối tràn xuống cánh đồng phía dưới.

Cùng thời điểm này, tuyến tỉnh lộ 254 ở gần đó cũng đang thi công, nên một khối lượng lớn đất đá cũng tràn xuống ruộng của các hộ dân thôn Bản Diếu, xã Ngọc Phái. Do khối lượng lớn đất đá từ 2 vị trí nói trên tràn về, toàn bộ dòng suối dài khoảng 2km ở thôn Bản Diếu bị vùi lấp. Đất đá cũng tràn vào lấp hơn 2ha ruộng và ao cá của người dân.

Hồ điều hòa thuộc dự án chế biến khoáng sản của Công ty TNHH Ngọc Linh nơi xảy ra vụ sạt lở lấp ruộng của người dân thôn Bản Diếu. Ảnh Ngọc Tú.

Hồ điều hòa thuộc dự án chế biến khoáng sản của Công ty TNHH Ngọc Linh nơi xảy ra vụ sạt lở lấp ruộng của người dân thôn Bản Diếu. Ảnh Ngọc Tú.

Thôn Bản Diếu, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn) có 23 hộ có ruộng bị đất, đá vùi lấp, trong đó hơn chục hộ bị vùi lấp hoàn toàn, không có đất canh tác.

Chúng tôi đến thôn Bản Diếu vào giữa tháng 12/2022, tình cờ gặp chị Trương Thị Yến vừa đi chợ mua gạo về. Chị Yến cho biết, gia đình có hơn 2.000m2 ruộng, sau trận mưa lớn năm 2020 toàn bộ ruộng bị vùi lấp không thể canh tác. Gia đình có 6 nhân khẩu nên tháng nào cũng phải đi chợ đong gạo về ăn.

“Không có ruộng nên phải đi làm thuê được đồng nào thì mua gạo về ăn. Đi làm thuê cũng bấp bênh, lúc thuận lợi thì không sao, lúc đau ốm không kiếm ra tiền thì đời sống rất khó khăn”, chị Yến tâm sự.

anh 3

Ruộng lúa của người dân thôn Bản Diếu bị vùi lấp đến nay vẫn chưa được khắc phục. Ảnh Ngọc Tú.

Cũng trong tình cảnh tương tự, gia đình bà Lục Thị Hướng có hơn 5.000m2 ruộng, so với trong thôn, gia đình thuộc diện có nhiều ruộng, đời sống khấm khá. Nhưng cuộc sống đang yên lành, đất đá từ nhà máy và do thi công đường đã lấp đi hơn 3.800m2 ruộng, chỉ còn 1.200m2. Gia đình có 6 nhân khẩu nên với diện tích ruộng ít ỏi còn lại gia đình thường xuyên phải mua gạo ở chợ mỗi khi giáp hạt.

Bà Hướng cho biết, các đơn vị hứa hẹn nhiều lần sẽ khắc phục, khơi thông dòng suối, cải tạo lại ruộng cho người dân, nhưng đã hơn 2 năm trôi qua, người dân trong thôn cũng đã phản ánh nhiều lần doanh nghiệp vẫn không thực hiện.

Từ khi vụ việc xảy ra,  23 hộ có ruộng, ao cá bị vùi lấp sống trong cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa. 

Doanh nghiệp phớt lờ chỉ đạo 

Sau vụ sạt lở đất đá lấp ruộng của người dân thôn Bản Diếu, tỉnh Bắc Kạn đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan nạo vét lòng suối, cải tạo lại ruộng, ao cá cho người dân, xong trước 30/8/2020.

Trả lời báo chí vào tháng 7/2020, Ông Trần Thiên Ân (thời điểm đó là Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Linh) hứa sau khi hỗ trợ người dân sẽ xử lý lại bờ đập hồ điều hòa để đảm bảo an toàn, sau đó sẽ phối hợp với chủ đầu tư dự án cải tạo tỉnh lộ 254 để có phương án nạo vét lòng suối, cải tạo lại ruộng cho người dân. 

Vị trí sạt lở vào năm 2020 khiến người dân thôn Bản Diếu lao đao. (Ảnh Tư liệu chụp năm 2020 - Ngọc Tú).

Vị trí sạt lở vào năm 2020 khiến người dân thôn Bản Diếu lao đao. (Ảnh Tư liệu chụp năm 2020 - Ngọc Tú).

Nhưng đến nay, phóng viên Báo NNVN có mặt tại hiện trường vẫn thấy, toàn bộ ruộng lúa, ao cá của người dân  ngổn ngang đất đá. Lòng suối trước đây sâu khoảng 2m giờ đã bị vùi lấp cao hơn mặt ruộng, chỉ cần một trận mưa lớn, đất, đá sẽ tiếp tục tràn vào ruộng của người dân.

Ông Chu Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái (huyện Chợ Đồn) cho biết: Người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, thậm chí đã có đơn vượt cấp. Chính quyền xã cũng thường xuyên thăm nắm, thống kê những diện tích tiếp tục bị ảnh hưởng do đất đá tràn vào ruộng, vườn nhưng doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục.

Hiện nay lòng suối bị vùi lấp cao hơn mặt ruộng, nếu có mưa lớn, đất đá sẽ tiếp tục tràn vào đất sản xuất của người dân. Ảnh Ngọc Tú.

Hiện nay lòng suối bị vùi lấp cao hơn mặt ruộng, nếu có mưa lớn, đất đá sẽ tiếp tục tràn vào đất sản xuất của người dân. Ảnh Ngọc Tú.

Bà Triệu Thị Thuyên, Trưởng thôn Bản Diếu, xã Ngọc Phái bức xúc: Người dân trong thôn mong muốn chính quyền, doanh nghiệp sớm vào cuộc khắc phục để người dân có ruộng canh tác. Nếu tình trạng này còn tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.