Ngày 23/7 vừa qua, Vụ Quản lý Ngành Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines (DA-BPI) đã ban hành quyết định phê duyệt cho sự kiện cà tím biến đổi gen ‘EE-1’ để sử dụng làm thực phẩm trực tiếp, thức ăn chăn nuôi và trong chế biến. Quyết định này được cấp cho Đại học Los Baños, Philippines.
Theo quyết định phê duyệt, cà tím biến đổi gen Bt (tên thường dùng tại địa phương là Bt talong) được chứng nhận là an toàn tương đương với các giống cà tím truyền thống.
Cà tím biến đổi gen chứa gen Bt có vai trò giúp tăng tính chống chịu khỏi các loại sâu hại chính, như sâu đục thân và sâu đục quả, một trong các dịch hại phổ biến và nguy hại nhất trên cà tím.
Tiến sỹ Lourdes D.Taylo, trưởng nhóm nghiên cứu Dự án Cà tím biến đổi gen tại Đại học Los Baños cho biết “Gen Bt chỉ tạo ra các tác động tới các loài sâu hại mục tiêu, an toàn với sức khoẻ của con người, động vật và các loài không phải là mục tiêu”.
Theo một nghiên cứu gần đây, ước tính nếu được chấp thuận canh tác, cà tím biến đổi gen có thể giúp tăng năng suất lên tới 192% và giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng khoảng 48% trên 1 ha.
Việc phê duyệt cà tím biến đổi gen Bt để sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chế biến là bước tiến quan trọng trong ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học tại Philippines.
Để hoàn tất quy trình pháp lý về an toàn sinh học, cà tím biến đổi gen sẽ được tiếp tục đánh giá và cấp phép an toàn đối với môi trường để được phê duyệt canh tác thương mại ở Philippines.
Với sự phê duyệt này, Philippines là quốc gia thứ 2 sau Bangladesh chứng nhận tính an toàn của cà tím biến đổi gen. Bangladesh đã cấp phép canh tác cà tím biến đổi gen Bt từ năm 2014. Theo một số báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2014 tới 2019, có khoảng 91.270 hộ nông dân tại Bangladesh đã trồng giống cây này.