| Hotline: 0983.970.780

Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

Thứ Hai 04/11/2024 , 14:49 (GMT+7)

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Sau nhiều năm biết đến cầy vòi hương, ông Hồ Duy Trung (trú thôn Phú Lâm, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đã cho giống vật nuôi này sinh sản thành công. Ảnh: L.K.

Sau nhiều năm biết đến cầy vòi hương, ông Hồ Duy Trung (trú thôn Phú Lâm, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đã cho giống vật nuôi này sinh sản thành công. Ảnh: L.K.

Ông Hồ Duy Trung (thôn Phú Lâm Tây) là người đầu tiên nuôi cầy vòi hương ở xã Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Con vật này được ông Trung biết đến lần đầu tiên vào năm 2007 sau khi mua lại từ một người dân ở vùng núi với ý định ban đầu chỉ nuôi làm cảnh. Trong quá trình nuôi, nhận thấy cầy vòi hương tương đối dễ nuôi, ông Trung liền thử nghiệm cho cặp giống sinh sản.

Tuy nhiên, do cầy vòi hương là loài vật quen sống ngoài tự nhiên, nên việc cho sinh sản trong môi trường nuôi nhốt rất khó khăn, khiến ông Trung nhiều lần thất bại. Phải mất vài năm đúc rút kinh nghiệm cùng với tìm hiểu thêm kiến thức từ mạng xã hội, sự kiên trì của ông Trung mới mang lại thành công. Cặp cầy vòi hương bố mẹ sinh sản tốt, con non phát triển khỏe mạnh.

Từng bước nhân đàn và mở rộng quy mô nuôi, từ 2 con giống ban đầu, đến nay, gia đình ông Trung đã có hàng chục chuồng nuôi với số lượng hàng trăm con.

Theo ông Trung, khi đã nắm rõ tập tính của cầy vòi hương việc chăm sóc rất dễ. Ngoại trừ tiền giống tương đối cao thì chi phí nuôi, công chăm sóc con vật này rất thấp. Trung bình mỗi ngày, chỉ cần cho cầy ăn một lần vào chiều tối, nguồn thức ăn cũng dễ kiếm trong tự nhiên.

Cầy vòi hương là giống dễ nuôi, chi phí thức ăn ít và không tốn nhiều công chăm sóc. Ảnh: L.K.

Cầy vòi hương là giống dễ nuôi, chi phí thức ăn ít và không tốn nhiều công chăm sóc. Ảnh: L.K.

“Cầy vòi hương ăn chủ yếu là trái cây hoặc cháo cá nấu loãng. Tính ra mỗi con chỉ ăn hết từ 2.000 - 3.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, nuôi con này cũng rất nhẹ nhàng, mỗi ngày chỉ bỏ thời gian ra dọn dẹp chuồng trại 1 lần. Trong khi đó, hiệu quả mang lại gấp nhiều lần so với các con vật nuôi truyền thống ở địa phương bởi giá bán giống cũng như giá thương phẩm cao. Hiện tại, mỗi cặp giống có giá khoảng 10 triệu đồng, giá bán thương phẩm lên đến 1,4 triệu đồng/kg”, ông Trung cho biết.

Cũng theo ông Trung, cầy vòi hương được nuôi trong ô chuồng và bắt đầu sinh sản sau khi nuôi từ 12 -15 tháng. Nếu ổn định, mỗi năm, 1 con cầy vòi hương cái có thể mang lại thu nhập 20 triệu đồng từ việc bán con giống và xuất thương phẩm sau khi đã trừ tất cả các chi phí.

Thấy giá trị kinh tế mang lại, cộng thêm việc ông Trung sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, các hộ dân ở xã bắt đầu học theo, xây dựng chuồng trại, mua cầy vòi hương con về nuôi. Đến nay, toàn xã Hành Thiện đã có hơn 100 hộ nuôi loài vật này với số lượng khoảng trên dưới 1.000 con.

Vừa qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát đã đầu tư khu chăn nuôi cầy vòi hương với kinh phí 1 tỷ đồng. Ảnh: L.K.

Vừa qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát đã đầu tư khu chăn nuôi cầy vòi hương với kinh phí 1 tỷ đồng. Ảnh: L.K.

“Nuôi cầy vòi hương có tỷ lệ rủi ro rất thấp vì rất ít khi bị dịch bệnh. Loại bệnh thường gặp chủ yếu trên giống này là bệnh tiêu chảy. Do đó, cần phải cân đối lượng thức ăn vừa đủ, không nên cho ăn quá nhiều dẫn đến thức ăn để lâu bị ôi chua. Đồng thời, phải luôn giữ chuồng nuôi sạch sẽ, khô ráo, ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Khi đó, cầy vòi hương mới sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Trung chia sẻ.

Để xây dựng chuỗi thương phẩm an toàn, bền vững, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và phát triển kinh tế của địa phương, vào tháng 5/2022, xã Hành Thiện thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát. HTX hiện có 40 thành viên và ông Hồ Duy Trung với vai trò là Giám đốc.

Đây là đơn vị chăn nuôi cầy vòi hương đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, nhằm sản xuất và cung ứng cầy vòi hương giống, cầy vòi hương thương phẩm. Vừa qua, các thành viên trong HTX Nông nghiệp Chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát đã góp vốn để xây dựng khu vực chăn nuôi tập trung với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Ông Trung cho biết, từ khu chăn nuôi này, HTX sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển thành địa điểm du lịch. Ngoài sản phẩm cầy vòi hương giống và thương phẩm, hiện ông Trung đã trồng thêm 1ha cà phê với ấp ủ hướng tới sản xuất cà phê chồn - một loại cà phê có giá trị kinh tế rất cao và được thị trường ưa chuộng.

Hợp tác xã Nông nghiệp Chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát dự kiến sẽ phát triển du lịch từ các sản phẩm của cầy vòi hương. Ảnh: L.K.

Hợp tác xã Nông nghiệp Chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát dự kiến sẽ phát triển du lịch từ các sản phẩm của cầy vòi hương. Ảnh: L.K.

“Xa hơn nữa, tôi còn muốn từ mô hình này tiến tới khai thác xạ hương làm nước hoa. Đây là cách nâng cao thêm giá trị của con cầy vòi hương so với bán thương phẩm, con giống như hiện tại. Với định hướng này, tôi cũng đã đề xuất với chính quyền địa phương để hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo trong xã, cùng dìu nhau phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững”, ông Trung tâm sự.

Bà Phạm Thị Bích Hoa, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện cho biết, nhằm hỗ trợ cho HTX Nông nghiệp Chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát, UBND xã sẽ phối hợp với các ngân hàng, tạo mọi điều kiện để các xã viên có điều kiện vay vốn xây dựng chuồng trại, đầu tư chăn nuôi.

Đồng thời, đề xuất Hạt kiểm lâm huyện cùng các ban, phòng ở huyện quan tâm, hỗ trợ về thủ tục theo quy định để người dân xuất bán cầy vòi hương giống cũng như sản phẩm từ HTX ra thị trường toàn quốc.

“Mô hình nuôi cầy vòi hương là mô hình mới, phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa phương, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Mô hình đã đóng góp rất lớn trong việc xây dựng nông thôn mới của địa phương về tiêu chí thu nhập và tiêu chí hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để mô hình này ngày càng phát triển”, bà Hoa nói.

Xem thêm
Xã tại Thanh Hóa hơn 30 năm chưa xuất hiện bệnh dại

THANH HÓA Nhờ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh dại hiệu quả, hơn 30 năm nay, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc không xuất hiện bệnh dại.

Cần Thơ phấn đấu có 48.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp

 TP Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2025 xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 38.000ha và đến năm 2030 đạt 48.000ha.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).