Thanh Hóa có tổng đàn chó 385.000 con, đứng thứ 3 cả nước. Trong vòng 10 năm qua, tại Thanh Hóa, bệnh dại đã làm chết 31 người và 85.145 người phải điều trị dự phòng bệnh dại.
Nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh dại gia tăng trên địa bàn là do nhiều địa phương chưa quản lý hiệu quả được đàn chó, mèo; tình trạng chó thả rông còn phổ biến. Công tác rà soát, thống kê số lượng chó, mèo tại các địa phương chưa chính xác dẫn đến tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vacxin phòng bệnh dại thấp. Virus dại còn lưu hành trên động vật, chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông cộng lực lượng thú y cơ sở còn thiếu, hạn chế…
Để ngăn ngừa, kiểm soát hiệu quả bệnh dại trên địa bàn, giảm thiểu nguy cơ tử vong và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các Sở, trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực để phòng chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng nhiều cách làm sáng tạo để ngăn ngừa, tiến tới đẩy lùi bệnh dại. Đơn cử như Xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) 30 năm nay không xuất hiện bệnh dại nhờ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Theo UBND xã Vĩnh Yên, toàn xã có 865 con chó, mèo với hơn 600 hộ nuôi. Với số lượng đàn khá lớn, đồng nghĩa với áp lực phòng, chống bệnh dại cũng tăng lên. Do đó, để phòng chống và kiểm soát tốt bệnh dại, xã Vĩnh Yên đã lập nhiều tổ công tác, trực tiếp xuống hộ gia đình thống kê danh sách đàn chó, mèo và đề nghị các hộ dân ký cam kết chấp hành việc tiêm phòng dại cho vật nuôi theo quy định.
Đều đặn hằng năm, xã Vĩnh Yên đều bố trí các điểm tiêm phòng bệnh dại tại các nhà văn hóa thôn để người dân thuận tiện đem vật nuôi đến tiêm phòng. Nhiều năm qua, tỷ lệ tiêm phòng vacxin dại tại địa phương luôn đạt 100%.
Ông Nguyễn Văn Mạc (thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên) cho biết: “Người dân đã hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh dại nên ai nấy đều tự giác đem chó mèo đến nhà văn hóa thôn tiêm phòng dại. Bên cạnh đó, mỗi gia đình đều có chuồng nuôi nhốt nên nhiều năm nay, trong thôn không còn tình trạng chó, mèo thả rông ngoài đường”.
Khác với nhiều địa phương khác, nhiều thôn trong xã Vĩnh Yên đã đưa việc tiêm phòng dại cho chó, mèo vào quy ước xây dựng nếp sống văn hóa của thôn.
Quy ước nêu rõ: Các hộ dân nuôi có, mèo phải thực hiện tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi; thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh cho đàn chó, mèo và không để phát sinh, lây lan dịch bệnh; không buôn bán động vật (chó, mèo) bị bệnh; khi phát hiện dịch bệnh phải báo cáo kịp thời với cấp chính quyền để có phương án xử lý kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Tươi, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên cho biết: “Do làm tốt công tác tuyên truyền, nên ý thức của người dân đối về việc phòng chống bệnh dại tăng lên. Hiện nay, 100% hộ dân đều ký cam kết chấp hành việc tiêm phòng dại chó, mèo. Tỷ lệ tiêm phòng dại chó, mèo tại địa phương trong những năm qua luôn đạt 100%".
Để triển khai hiệu quả “Năm cao điểm thực hiện công tác tiêm vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo” và công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 2/2024, Sở NN-PTNT Thanh Hóa yêu cầu các địa phương thực hiện kế hoạch tiêm phòng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, phân công lãnh đạo, thành viên ban chỉ đạo của huyện phụ trách, bám sát địa bàn chỉ đạo công tác tiêm phòng, kịp thời phát hiện yếu kém để khắc phục.
Thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo công tác tiêm phòng và có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về tiêm phòng và lợi ích của tiêm phòng để người dân hiểu rõ, hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả của đợt triển khai.
Cùng với đó, các địa phương cần rà soát, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y các cấp đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm phòng vacxin trên địa bàn; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình công tác phòng, chống dịch định kỳ, đột xuất theo quy định, đảm bảo triển khai hiệu quả.