Anh Lý Vũ Trường ở ấp Cái Nai, xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đã khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi chồn hương tại nhà, thu nhập ổn định và tạo động lực cho nhiều hộ dân tại địa phương.
Trước đây, gia đình anh Trường có truyền thống làm vuông (nuôi tôm, cua quảnh canh) nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên anh đã tìm hiểu mô hình nuôi chồn qua internet và người quen. Theo tìm hiểu của anh, chồn hương đang được thị trường ưa chuộng lại ít bệnh, dễ nuôi, dễ chăm nên đã mạnh dạn đầu tư.
Khi bắt tay thực hiện anh rất trăn trở vì chi phí đầu tư một mô hình bài bản lên đến hàng trăm triệu đồng. Do đó, anh đã dùng số vốn dành dụm ít ỏi của gia đình là 40 triệu đồng để mua 2 cặp chồn giống nuôi thử nghiệm.
Sau thời gian nuôi, anh cho biết mô hình này cho thu nhập khá ổn định. Tùy theo chất lượng, chồn giống có giá bán dao động từ 5 - 11 triệu đồng/con. Chu kỳ sinh sản của chồn hương khoảng 60 - 65 ngày. Mỗi lứa chồn mẹ đẻ từ 3 đến 6 con. Mỗi năm anh xuất bán từ 2 - 3 lứa, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 30 - 40 triệu đồng từ việc bán con giống.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ thịt chồn hương hiện rất khả quan. Thịt chồn có mùi hương đặc trưng cùng với vị thơm ngon nên rất được ưa chuộng. Chồn hơi được thu mua với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg.
Nuôi chồn không tốn quá nhiều chi phí đầu tư chuồng trại. Anh tận dụng mảnh đất sau nhà để đặt dãy chuồng hộp bằng lưới thép, thanh sắt chắc chắn, mỗi con một chuồng riêng.
Thức ăn chính của chồn hương là chuối chín và cám của lợn nái (vì trong cám của lợn nái có chứa đầy đủ các chất phù hợp để chồn sinh sản).
Kỹ thuật chăn nuôi cũng rất được anh quan tâm, chiều cao thích hợp của chuồng là 0,7 - 0,9m, đáy chuồng cách mặt đất từ 1 - 1,5 gang tay để đảm bảo chuồng được thoáng mát.
Chồn mẹ sau khi đẻ xong sẽ được tiến hành phân loại, con non đạt chuẩn sẽ để lại nuôi làm giống và không đạt sẽ nuôi bán thịt.
Nuôi chồn hương mang lại cho gia đình anh Trường thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Vì vậy, anh cho hay sẽ mở rộng diện tích nuôi trong thời gian tới.