| Hotline: 0983.970.780

Bà con vùng cao bảo vệ 'tài sản di động' trước mùa rét

Thứ Năm 07/11/2024 , 20:15 (GMT+7)

LÀO CAI Bà con vùng cao chủ động tích trữ lương thực, giữ ấm cho đàn trâu, bò để bảo vệ 'tài sản di động' của mình trước các đợt rét đậm, rét hại.

Bà con vùng cao Lào Cai chủ động chăm sóc đàn vật nuôi trước mùa đông giá rét. Ảnh: H.Đ.

Bà con vùng cao Lào Cai chủ động chăm sóc đàn vật nuôi trước mùa đông giá rét. Ảnh: H.Đ.

Ở các xã vùng cao Lào Cai, vào mùa đông nhiệt độ giảm rất sâu. Ngay cả những con trâu, con bò to lực lưỡng cũng không thể chịu đựng được trước cái lạnh thấu xương ở ngoài trời. Trong khi, với bà con vùng cao, con trâu, bò được coi là "tài sản di động" trong nhà vì có giá trị hàng chục triệu đồng.

A Lù, một trong những xã vùng cao của huyện Bát Xát, có nhiều thôn bản nằm cheo leo trên những đỉnh núi. Nhiệt độ ở đây đã xuống rất thấp, có nơi chỉ 12 độ C. Loa phát thanh của xã, của thôn liên tục thông tin tình hình thời tiết và khuyến cáo bà con các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Cán bộ xã cũng đến từng thôn bản phổ biến, hướng dẫn người dân phối trộn, bảo quản, dự trữ thức ăn trong mùa đông cho đàn trâu bò.

Ông Sùng Seo Súa ở thôn Séo Phìn Chư của xã A Lù nuôi 2 con trâu. Sau mùa gặt, ông mang rơm rạ phơi khô để làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc của mình. 

"Ô, trước bà con trời lạnh vẫn thả trâu bò cho nó tự do đi kiếm cỏ ngoài đồi. Có con rét quá không chịu được ngã lăn ra chết, phải bán với giá rẻ. Từ khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, bà con đã biết cách dự trữ thức ăn, rồi quây quạt che chắn chuồng trại, nên trâu bò không chết nữa", ông Sùng Seo Súa chia sẻ.

Xã A Lù hiện có trên 1.500 con trâu, bò, trong đó Séo Phìn Chư là thôn nuôi nhiều nhất, khoảng 400 con. Để đảm bảo đàn gia súc cả nghìn con sinh trưởng và phát triển tốt, chính quyền địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con tu sửa chuồng trại, chuẩn bị thức ăn thô xanh, thức ăn tinh cho đàn trâu, bò.

Địa phương cũng vận động người chăn nuôi trồng thêm cỏ voi, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô ủ chua hoặc phối trộn cám, bột ngô làm thức ăn cho gia súc.

Theo ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã A Lù, qua rà soát, hầu hết các hộ chăn nuôi đã dự trữ thức ăn đảm bảo đủ cho đàn trâu, bò ăn trong mùa đông. Một số hộ trên địa bàn xã có điều kiện hơn đã xây chuồng trại kiên cố. Các hộ chưa thực hiện được thì quây bạt che chắn gió để giữ ấm cho vật nuôi trong chuồng...

Trước mùa đông, người dân Lào Cai tích trữ rơm rạ để làm thức ăn cho trâu bò. Ảnh: H.Đ.

Trước mùa đông, người dân Lào Cai tích trữ rơm rạ để làm thức ăn cho trâu bò. Ảnh: H.Đ.

Không chỉ bà con ở các xã vùng cao tích trữ thức ăn cho gia súc, vật nuôi mà người dân các xã vùng thấp Quang Kim, Trịnh Tường, Bản Qua cũng đã chuẩn bị sẵn thức ăn cho trâu bò nhà mình. 

Với sự chủ động cùng nhiều giải pháp trong dự trữ, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi đã góp phần duy trì và phát triển tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện Bát Xát. Qua đó, người dân có thu nhập ổn định từ chăn nuôi trâu, bò, giảm tỷ lệ gia súc chết do đói, rét trong mùa đông này.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 620.000 con gia súc, trên 5,3 triệu con gia cầm. Theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại. Khi nhiệt độ xuống thấp, bà con ngoài chăm sóc sức khỏe cho đàn vật nuôi thì cũng cần bảo vệ chúng trước dịch bệnh.

Theo ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai, nhiệt độ môi trường xuống thấp sẽ tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh phát triển, nhất là cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò... Chính vì vậy, cùng với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm và tiêm phòng kỳ 2/2024 cho đàn vật nuôi.

Ngoài ra, chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, trong phạm vi nhỏ lẻ, xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi; thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi, thu gom xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường...

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.