Mong ước được tiếp cận với giống vật nuôi bản địa
Anh Dương Văn Chính, trú tại xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) là nông dân chất phát, chăm chỉ lao động nhưng thiếu vốn và kiến thức. Anh nông dân trước kia chỉ biết làm nương rẫy tự phát, thu nhập không đủ ăn chứ chưa nói tới nuôi 3 đứa con nhỏ, cuộc sống gia đình vì thế chưa lúc nào hết khó khăn.
Là người dân tộc Mông, mong muốn của anh Chính là được hỗ trợ con giống bản địa để gia đình phát triển kinh tế, hướng tới thoát nghèo. Nắm bắt tâm tư của anh Chính cùng nhiều hộ nghèo có ý chí vươn lên, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đồng Hỷ phối hợp với UBND xã Quang Sơn triển khai mô hình chăn nuôi gà đen bản địa an toàn sinh học tại xóm Trung Sơn.
Xóm Trung Sơn là khu vực vùng cao của huyện Đồng Hỷ, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, hoạt động chăn nuôi còn nhỏ lẻ, tự phát nên hiệu quả chưa cao, đời sống người còn nhiều khó khăn.
Giống gà đen bản địa có khả năng thích nghi tốt, chống chịu bệnh tật cao, trong quá trình nuôi tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Mô hình đặt mục tiêu góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp bà con dân tộc Mông gìn giữ và nhân rộng giống gà đen quý. Qua đó, hình thành vùng chăn nuôi tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.
Từ tháng 7/2024 đến nay, mô hình có 21 hộ tham gia, nuôi 2.600 con gà đen bản địa. Trong quá trình triển khai mô hình, các hộ được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà. Hỗ trợ 70% kinh phí mua gà giống và 10,9 tấn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, chế phẩm sinh học, hóa chất sát trùng, phun khử khuẩn chuồng trại...
Phù hợp với điều kiện vùng núi
Đánh giá sơ bộ sau 3,5 tháng chăn nuôi, giống gà đen bản địa có đặc điểm thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc, thơm ngon. Tỷ lệ gà nuôi sống đến khi được xuất bán đạt 97%, gà trống từ 1,8-2,5kg/con, gà mái có thể đạt trọng lượng từ 1,5-2kg/con.
Cùng với nuôi để lấy thịt, giống gà này còn được nuôi để làm cảnh hoặc sinh sản. Gà nuôi hơn 5 tháng bắt đầu đẻ trứng, mỗi đợt đẻ từ 10-12 quả. Trung bình mỗi hộ dân thu lãi 7,9 triệu đồng/100 con gà.
Anh Dương Văn Chính cho hay: “Nuôi gà đen bản địa cho hiệu quả kinh tế cao vì tận dụng được nguồn thức ăn hoàn toàn sẵn có ở địa phương, như ngô, sắn, cám gạo, cây chuối. Đặc biệt, thịt gà đen rất giàu dinh dưỡng, thơm ngon, mềm ngọt, ít mỡ nên ăn không bị ngấy, được khách hàng rất ưa chuộng”.
Theo chia sẻ của anh Chính, thời điểm cuối năm đã có nhiều đầu mối thực phẩm phục vụ tại các nhà hàng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên liên hệ thu mua gà với giá cao, từ 160 - 200 nghìn đồng/kg.
Thời gian tới, anh Chính mong muốn được chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ con giống, đào tạo phát triển chăn nuôi an toàn sinh học để tạo ra các sản phẩm chăn nuôi giá trị cao, sớm vươn lên thoát nghèo.
Ông Khúc Kim Quảng, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn đánh giá, mô hình nuôi gà đen hỗ trợ người dân thoát nghèo có triển vọng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân ở địa phương. Với địa hình đồi nùi đặc trưng của xã Quang Sơn, gà đen rất phù hợp với khí hậu, địa bàn rộng, thuận lợi cho việc chăn thả.
Để tạo điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi, xã Quang Sơn tiếp tục phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cho bà con. Địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp trong việc quảng bá, giới thiệu, liên kết, đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm để bà con yên tâm phát triển kinh tế.
Thời gian tới, huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền nội dung, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, dân tộc thiểu số đến người dân trên địa bàn, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gắn với phát huy thế mạnh đặc sản địa phương, hướng dẫn bà con phát triển chăn nuôi theo hướng tăng quy mô đàn.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ kiến thức chăm sóc, phòng dịch, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi… giúp người dân nâng cao thu nhập, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.