Các số liệu được cung cấp cho tờ Newsweek bởi B4Ukraine, một nhóm các tổ chức phi chính phủ do Kiev tài trợ, đã dành 3 năm qua để săn lùng các công ty phương Tây chưa cắt đứt quan hệ với Moscow.
Theo nhóm này, 5 công ty đóng thuế nhiều nhất cho Nga vào năm 2023 là công ty thuốc lá Philip Morris International (220 triệu USD), tập đoàn đồ uống PepsiCo (135 triệu USD), công ty bánh kẹo Mars (99 triệu USD), công ty hàng tiêu dùng y tế và vệ sinh Procter & Gamble (67 triệu USD) và công ty bánh kẹo Mondelez.
Các công ty Mỹ đã đóng tổng cộng 1,2 tỷ USD tiền thuế cho chính phủ Nga trong năm 2023, tăng từ 712 triệu USD hồi năm 2022, theo một báo cáo trước đó do B4Ukraine biên soạn. Những đóng góp của các công ty này khiến Mỹ trở thành nước đóng thuế nhiều nhất ở Nga.
Mặc dù hàng loạt các công ty phương Tây đã ngừng hoạt động ở Nga sau khi xung đột Ukraine leo thang vào năm 2022, nhưng khoảng 123 công ty lớn của Mỹ vẫn còn hoạt động tại nước này, theo nghiên cứu từ Trường Quản lý Yale. Khi tính đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Yale ước tính rằng có khoảng 328 công ty Mỹ vẫn đang hoạt động ở Nga.
Bên cạnh các chiến dịch gây áp lực do B4Ukraine tổ chức, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đóng một vai trò quan trọng trong việc buộc một số công ty phải rút khỏi thị trường Nga. Gã khổng lồ hàng tiêu dùng của Anh Unilever đã rút khỏi Nga vào tháng 10/2024, với Giám đốc điều hành Hein Schumacher phàn nàn rằng công ty gặp khó khăn trong việc chuyển tiền ra khỏi Nga.
Theo các quy tắc thoái vốn do chính phủ Nga đưa ra vào năm ngoái, các công ty rời khỏi Nga cần phải có sự cho phép của chính phủ để bán và được yêu cầu bán tài sản của họ với mức chiết khấu 50% và phải trả thuế xuất cảnh từ 10% - 15%.
Từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2023, các công ty ngừng hoạt động ở Nga đã thiệt hại tổng cộng 103 tỷ USD, tờ New York Times đưa tin, trích dẫn các báo cáo tài chính. Các công ty này cũng đã đóng ít nhất 1,25 tỷ USD thuế xuất cảnh cho chính phủ Nga, tờ báo cho biết thêm.