| Hotline: 0983.970.780

Các mô hình nông nghiệp trọng điểm đã đi đúng định hướng thị trường

Thứ Năm 16/02/2023 , 16:00 (GMT+7)

Ngoài phát triển thủy sản, năm 2023, tỉnh Sóc Trăng chú trọng đầu tư cho các mô hình nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm sản xuất theo chuẩn hữu cơ.

Chú trọng các mô hình có tiềm năng xuất khẩu

Bước sang năm 2023, dự báo tình hình kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Ngày 15/2, Đoàn công tác của UBND tỉnh Sóc Trăng do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu dẫn đầu đã có chuyến khảo sát thực tế một số mô hình nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn, qua đó ghi nhận khó khăn và tìm phương án hỗ trợ bà con nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Ảnh 1

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (thứ 3 từ trái sang) tìm hiểu mô hình trồng đậu nành ở huyện Thạnh Trị. Ảnh: Kim Anh.

HTX Nông nghiệp Thạnh Trị ở huyện Thạnh Trị lần đầu tiên liên kết với doanh nghiệp trồng thử nghiệm cây đậu nành trên quy mô hơn 10ha. HTX phụ trách tổ chức sản xuất, về phía doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra với mức giá 18.000 đồng/kg tại ruộng.

Ưu điểm của mô hình trồng đậu nành là xen canh giữa 2 vụ lúa (đông xuân, hè thu) và 1 vụ màu, trong đó đậu nành là cây trồng cho năng suất cao, nhẹ công chăm sóc khi trồng với quy mô diện tích lớn, được bà con xã viên ưu tiên lựa chọn. Hơn nữa, đây là loại cây trồng có khả năng cải tạo đất tốt, từ đó những vụ lúa sau bà con nông dân trồng sẽ cho hiệu quả cao hơn.

Ông Võ Thanh Liêm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Trị cho biết, đậu nành trồng khoảng 90 ngày sẽ cho thu hoạch, thay vì bỏ đất trống, bà con có thể cải tạo lại để trồng đậu nành. Năng suất cao nhất của cây đậu nành khoảng 2,5 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân mỗi vụ trồng đậu nành đạt từ 15 - 20 triệu đồng/ha, so với canh tác lúa đông xuân lợi nhuận tương đương và cao hơn vụ lúa hè thu khoảng 30%.

Ảnh 2

Lợi nhuận bình quân mỗi vụ trồng đậu nành đạt từ 15 - 20 triệu đồng/ha, so với canh tác lúa đông xuân lợi nhuận tương đương và cao hơn vụ lúa hè thu khoảng 30%. Ảnh: Kim Anh.

Ghé thăm HTX Thạnh Tân, đây là HTX đi đầu của tỉnh khi xây dựng được thương hiệu Gạo sạch Thanh Cường đạt chuẩn OCOP 3 sao. Chuyển đổi trồng lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng quy trình VietGAP, sản phẩm của HTX đã góp phần thay đổi từ nhận thức đến tập quán canh tác lúa của bà con xã viên để nâng cao giá trị hạt gạo.

Từ 2 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện Thạnh Trị, ông Trần Văn Lâu đánh giá, các mô hình đã đi đúng với định hướng tiêu dùng của thị trường, bởi đây là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao. Với lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, các HTX cần chú trọng tuyên truyền, vận động bà con nông dân cùng tham gia, tranh thủ thời gian nhàn rỗi để phát triển sản xuất quay vòng thời gian trong năm.

Bên cạnh đó, các HTX cần xây dựng kế hoạch kết nối vùng nguyên liệu với các cơ sở tiêu thụ sản phẩm, tổ chức lại quy mô sản xuất, đảm bảo giá cả ổn định. Đặc biệt, ông Lâu chỉ đạo ngành nông nghiệp địa phương cần quan tâm hỗ trợ bà con nông dân, HTX chú trọng vấn đề quản lý nguồn nước, nghiên cứu nạo vét các kênh hội đồng, trạm bơm đảm bảo hoạt động ổn định, lên phương án tiêu thoát nước hợp lý.

Ghi nhận thực tế tình hình hoạt động tại HTX Nhãn xuồng Vĩnh Châu ở thị xã Vĩnh Châu, mục tiêu đề ra của HTX trong năm 2023 là giúp xã viên ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân. Hiện nay, dưới sự hỗ trợ của Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, HTX Nhãn xuồng Vĩnh Châu đã quy hoạch 5ha vùng trồng nhãn xuồng theo hướng hữu cơ, hướng tới xây dựng mã số vùng trồng và chứng nhận hữu cơ để nâng cao giá trị trái nhãn.

Ông Đinh Hoàng Vũ, Giám đốc HTX Nhãn xuồng Vĩnh Châu cho biết, HTX hiện có 40ha diện tích trồng nhãn xuồng cho năng suất bình quân từ 8 - 10 tấn/ha. Hiện HTX đang hướng dẫn bà con xã viên thực hiện rải vụ để cho trái quanh năm, phục vụ thị trường.

Từ thực tế hiệu quả hoạt động, ông Trần Văn Lâu đề nghị HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm từ trái nhãn, với sự hỗ trợ từ Sở NN-PTNT và Sở KH-CN tỉnh. Ngoài ra, HTX cần quy hoạch thêm vùng trồng, đặc biệt đây là mô hình hay khi đưa vào phát triển du lịch địa phương. Vì thế, HTX cần định hướng phát triển, tập huấn cho bà con xã viên chăm sóc, cải tạo vườn nhãn gắn với làm du lịch.

“Ăn chắc” từ sản xuất hữu cơ

Hành tím Vĩnh Châu - một đặc sản của tỉnh Sóc Trăng đã được người tiêu dùng tin tưởng và ưa chuộng trong nhiều năm qua. Thế nhưng, mặt hàng này cũng từng trải qua nhiều đợt thăng trầm về giá cả. Thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi sự tham gia đồng hành của Tập đoàn Quế Lâm để cùng phát triển hành tím hữu cơ Vĩnh Châu, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng cho hành tím.

Ảnh 3

Hành tím hữu cơ cho năng suất khả quan, đạt 1,8 - 2,2 tấn/công, vượt so với cách làm truyền thống khoảng 200kg. Ảnh: Kim Anh.

Ông Hồ Đăng Khoa, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, mô hình trồng hành tím hữu cơ ở thị xã Vĩnh Châu đã bước sang năm thứ 4. Với sự nghiêm túc, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của bà con nông dân, hành tím cho năng suất ngoài mong đợi, đạt 1,8 - 2,2 tấn/công, vượt so với cách làm truyền thống khoảng 200kg.

“Chúng tôi đưa ra quy trình trồng hành tím hữu cơ phù hợp với điều kiện vùng đất ở Vĩnh Châu. Trong quá trình canh tác chủ yếu sử dụng phân hữu cơ sinh học, thời gian bón nặng đầu nhẹ đuôi. Đặc biệt trong giai đoạn bón lót, cứ 10 - 15 ngày tiếp theo bón một lần. Bà con nông dân tuân thủ quy trình rất tốt”, ông Khoa bày tỏ.

Đánh giá về hương vị, ông Khoa chỉ ra, hành tím trồng theo phương pháp hữu cơ có vị ngon, thơm, nồng. Đặc biệt có độ ngọt, thơm, cay vừa phải. Hiện nay, bà con nông dân đang phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm để hướng tới mở rộng diện tích. Từ đó tạo cơ sở để nông nghiệp hữu cơ phát triển tốt hơn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Bên cạnh đó, hiện nay Tập đoàn Quế Lâm đang phối hợp với một số nông dân ở huyện Trần Đề xây dựng mô hình trồng thử nghiệm dưa hấu hữu cơ tại ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình. Trên diện tích gần 10.000m2, dưa hấu hữu cơ có thể canh tác 1 năm 3 vụ, với năng suất chính vụ đạt từ 5 - 7 tấn/công (1.300m2). Mức giá tiêu thụ cao, khoảng 10.000 đồng/kg, cao hơn thị trường khoảng 15%. Sản phẩm dưa hấu hữu cơ này đã được Chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam nông nghiệp hữu cơ vào 1/6/2021.

Ảnh 4

Mô hình dưa hấu hữu cơ do Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với một số nông dân ở huyện Trần Đề trồng thử nghiệm, năng suất chính vụ đạt từ 5 - 7 tấn/công (1.300m2). Ảnh: Kim Anh.

Một nông dân đang tham gia mô hình trồng dưa hấu hữu cơ ở ấp Mỏ Ó chia sẻ, lợi nhuận nông dân thu được rất lớn, đồng thời tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Hiện sản phẩm dưa hấu hữu cơ của tỉnh Sóc Trăng đã có mặt ở hầu hết thị trường như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng…

Đối với các HTX hiện đang phát triển trồng hành tím truyền thống ở TX Vĩnh Châu, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành chuyên môn cần có giải pháp hỗ trợ cho các HTX về máy móc, thiết bị; kết nối thị trường; hệ thống thủy lợi để HTX có điều kiện mở rộng thêm các loại cây màu khác. Với mục tiêu vì cộng đồng, hài hòa và chia sẻ với bà con nông dân, chính quyền địa phương sẽ là đầu mối hỗ trợ về chính sách và một phần nguồn vốn.

Hiện nay tài nguyên đất ở thị xã Vĩnh Châu còn hoang hóa nhiều, thế nhưng bà con nông dân lại không thể phát triển trên chính mảnh đất của mình, một số rời địa phương đi lao động tại các khu công nghiệp, đời sống bấp bênh. Ông Lâu trăn trở, các HTX cần có chính sách khuyến khích xã viên gắn kết chặt với HTX.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.