| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng: Dự án chăn nuôi bò giúp các hộ dân giảm nghèo bền vững

Thứ Tư 02/11/2022 , 15:15 (GMT+7)

Sóc Trăng Hiệu quả từ dự án phát triển chăn nuôi bò đã góp phần giúp cho bà con tăng trưởng kinh tế hộ, phục vụ chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng tiếp tục triển khai Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, sau thành công của dự án trước đó. Ảnh: Trọng Linh.

Sóc Trăng tiếp tục triển khai Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, sau thành công của dự án trước đó. Ảnh: Trọng Linh.

Tiếp nối thành công của Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 và dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh,giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong 10 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý Dự án đã triển khai nhiều hoạt động, tiếp tục thực hiện các mô hình chuyển tiếp như: Hỗ trợ về con giống và nguồn vốn để hộ nuôi có điều kiện duy trì và phát triển mô hình, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm đầu tiên triển khai giai đoạn mới của dự án.

Theo đánh giá, tỉnh Sóc Trăng là địa phương ở ĐBSCL có khí hậu nóng ẩm, lại ít bị ngập lũ, thực vật phát triển quanh năm nên rất thuận lợi phát triển chăn nuôi bò. Nghề chăn nuôi bò từ nhiều năm qua cũng được xem là thế mạnh của địa phương, nhất là giúp các hộ vùng đồng bào dân tộc Khmer nâng cao thu nhập.

Dự án chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng đã tạo được sinh kế cho người dân và giữ lại được nguồn lao động tại địa phương. Ảnh: Trọng Linh.

Dự án chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng đã tạo được sinh kế cho người dân và giữ lại được nguồn lao động tại địa phương. Ảnh: Trọng Linh.

Điển hình như mô hình nuôi bò của hộ chị Võ Huỳnh Mai Linh ở ấp Cống Đôi, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Nhận thấy nguồn thức ăn thô xanh khá dồi dào tại quê chị quyết định từ bỏ việc làm tại TP HCM để cùng chồng về quê lập nghiệp từ nghề chăn nuôi bò thịt. Với bản tính cần cù, ham học hỏi, chị Linh đã chăm sóc, phát triển đàn bò khỏe mạnh, trọng lượng thịt luôn đạt hơn so với các hộ lân cận. 

Đầu năm năm 2022, chị Mai Linh là một trong số những hộ nuôi đủ điều kiện được Ban quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ bò cái sinh sản để phát triển mô hình. Đây là giống bò đã qua chọn lọc nên khả năng tăng trưởng tốt. Với hình thức chuyển giao này, khi bò cái đẻ ra bê con 6 tháng tuổi sẽ được gia đình bàn giao lại cho dự án để hỗ trợ những hộ nuôi khác có nhu cầu nhân rộng mô hình.

Chị Mai Linh chia sẻ: "Kinh tế của mình không phải lúc nào cũng dư giả để mua số lượng bò nhiều. Được dự án hỗ trợ cho 2 con bò đỡ được kinh phí mua, tăng số lượng đàn bò trong chuồng. Khi mua bò giống được dự án hỗ trợ nên rất yên tâm". Ngoài chuyển giao bò cái sinh sản, Dự án Phát triển chăn nuôi bò còn hỗ trợ nguồn vốn không lãi suất từ 30 - 50 triệu đồng (tùy theo quy mô chăn nuôi) cho các hộ thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó tạo điều kiện để họ đầu tư thêm chuồng trại, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu phát triển nghề nuôi bò.

Bà con chăn nuôi tận dụng được phân bò làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Ảnh: Trọng Linh.

Bà con chăn nuôi tận dụng được phân bò làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Ảnh: Trọng Linh.

Giống như chị Mai Linh nhờ được hỗ trợ mượn vốn 50 triệu đồng từ dự án, chuồng nuôi bò sữa của ông Thạch Thành ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã được mở rộng. Số tiền còn lại ông mua thêm bò phát triển thêm. Nhờ không gian rộng rãi, thông thoáng giúp đàn bò phát triển tốt và môi trường chăn nuôi cũng được đảm bảo hơn.

Theo ông Thạch Thành, chính sách hỗ trợ từ dự án là rất kịp thời và hiệu quả, tạo điều kiện để gia đình mở rộng quy mô chuồng trại. Từ 4 con bò sữa ban đầu đến nay đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên 9 con, thu nhập từ sản lượng sữa thu về gần 200 triệu đồng/năm. Kinh tế được cải thiện và có tiền nên gia đình đã hoàn trả số vốn vay cho dự án. Ông Thành vui mừng cho biết: “Lúc trước nuôi lẻ tẻ có 3-4 con, chuồng trại cũng không được sạch sẽ. Nhờ dự án giúp cho vốn đầu tư mới làm lại chuồng rộng rãi nuôi được nhiều bò hơn”.

Ông Võ Hoàng Kha, cán bộ Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, đánh giá: Đến nay có thể khẳng định việc tiếp tục triển khai Dự án Phát triển chăn nuôi bò là thật sự cần thiết nhằm cải thiện về số lượng và chất lượng đàn bò của tỉnh. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người chăn nuôi theo hướng trang trại. Chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị.

Bênh cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò còn hỗ trợ được 2.954 liều tinh bò sữa cao sản và bò sữa giới tính, 14.873 liều tinh bò thịt cao sản các loại. Đồng thời, phối hợp cùng các địa phương thực hiện nguồn lực chuyển tiếp của Dự án giai đoạn trước, như: chuyển giao 29 con bò cái sữa hậu bị cho 29 hộ và 20 con bò cái lai Sind, lai Branhman đạt tiêu chuẩn giống sinh sản cho 10 hộ. Bên cạnh đó, tổ chức được 35 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, sữa và 10 lớp nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi.

Hiệu quả từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò đã góp phần giúp cho bà con tăng trưởng kinh tế hộ, phục vụ chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Linh.

Hiệu quả từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò đã góp phần giúp cho bà con tăng trưởng kinh tế hộ, phục vụ chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Võ Hoàng Kha, cán bộ Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Dự án Chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng vừa qua đã giúp nông dân cải tạo được con giống. Đồng thời tạo ra được con bò cái lai Sind có giá trị cao. Bên cạnh đó tạo được sinh kế cho người dân và giữ lại được nguồn lao động tại địa phương.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án đã góp phần giúp cho bà con giảm nghèo hiệu quả. Tận dụng đất kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây thức ăn phục vụ việc chăn nuôi bò thành công. Tận dụng được nguồn phế phụ phẩm của nông nghiệp góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dự án cũng đã hướng dẫn bà con tận dụng phân bò để làm phân bón hữu cơ bón cho cây trồng.

Từ những hiệu quả của dự án chăn nuôi bò đã góp phần giúp cho bà con tăng trưởng kinh tế nông hộ, phục vụ chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Trần Văn Đốm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: Trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, Ban Quản lý Dự án sẽ tham mưu thực hiện một số nội dung như: Tiếp tục hỗ trợ 400 con bò cái lai sind, lai Branhman và 40 con bò cái hậu bị F1, F2. Đồng thời, tham mưu xây dựng 10 chuỗi sản xuất giá trị chăn nuôi bò thịt, xây dựng thêm 5 mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng VietGAP. Hỗ trợ thêm 40 máy băm thái cỏ và 200 ký hạt cỏ giống cho các hộ chăn nuôi để phát triển thức ăn thô xanh.

Nhờ xây dựng kế hoạch triển khai bài bản và lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng, các hoạt động do dự án phát triển chăn nuôi bò triển khai, hỗ trợ đã tạo thêm động lực để hộ nuôi duy trì và phát triển nghề. Từng bước chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ thành chăn nuôi tập trung, quy mô lớn để cải thiện kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Cây na sống khỏe trên núi đá nhờ tưới tự động

Thái Nguyên Địa hình núi đá ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cây trồng. Phương án khắc phục trở ngại đó chính là hệ thống tưới tự động.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.