| Hotline: 0983.970.780

Các nhà sáng chế "Hai Lúa" đang bị bỏ rơi

Thứ Tư 22/09/2010 , 10:56 (GMT+7)

“Kẻ ăn không hết, người lần không ra”, thói thường vẫn vậy, các đơn vị nhà nước thì được hưởng quá nhiều đầu tư, ưu đãi, trong lúc những Hai Lúa – chủ nhân thực sự của máy gặt đập liên hợp Việt Nam lại đang bị bỏ quên.

Hội thi máy GĐLH - khó tìm thấy chiếc máy nào của viện nghiên cứu

NNVN số ra thứ 6 ngày 17/9 có đăng bài: "Máy gặt đập liên hợp – Hồn Trung Hoa, da nội địa" phản ánh việc công ty hàng đầu VN về nông cơ - Vinappro và Viện Nghiên cứu nông cơ hàng đầu VN – Viện Cơ điện Nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã nhập máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc rồi gắn nhãn mác của mình bán ra thị trường. “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”, thói thường vẫn vậy, các đơn vị trên thì được hưởng quá nhiều đầu tư, ưu đãi của nhà nước, trong lúc những Hai Lúa – chủ nhân thực sự của MGĐLH Việt Nam lại đang bị bỏ quên.

>> Nông dân lên tiếng chuyện máy GĐLH ''hồn Trung Hoa, da nội địa!''
>> Phản hồi vụ ''Máy gặt đập liên hợp: Hồn Trung Hoa, da nội địa!''
>> Máy gặt đập liên hợp: ''Hồn Trung Hoa, da nội địa''!

CƠ SỞ CƠ KHÍ NHỰT THÀNH – LONG AN

Tôi bắt đầu chế tạo máy gặt đập liên hợp từ năm 2000 theo sự gợi ý và chỉ dẫn của TS Hiền, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Kiểu máy của thầy Hiền lúc đấy là máy nhỏ, bánh hơi, dùng máy động lực 16 ngựa. Thầy Hiền cũng chia sẻ bản vẽ chế tạo cho Cty Kỹ nghệ nông cơ Vikyno (hiện nay đã sát nhập thành Cty Vinappro). Đến năm 2006, với kiểu máy này tôi đã bán ra thị trường khoảng 100 chiếc nhưng khi có máy bánh xích, công suất lớn của Trung Quốc thì máy kiểu đó không bán được nữa.

Với lợi thế là một xưởng sữa chữa cơ khí có uy tín nên tất cả những máy móc, trong đó có cả máy GĐLH, khi hỏng hóc người ta đều mang đến tôi sửa chữa. Từ thực tế đồng ruộng và chế tạo, tôi đã học được những cái hay của người, loại bỏ những cái chưa hợp lý và tôi đã chế tạo nên máy GĐLH mang nhãn hiệu Nhựt Thành. Từ 2007 đến nay, tôi đã cải tiến liên tục, mẫu sau ưu việt hơn mẫu trước, chẳng hạn như kiểu máy năm nay của tôi có bộ phận tự động nhả lúa khi thùng suốt và băng tải bị nghẹn, điều mà chưa có ở một máy nào, kể cả máy Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm tới tôi sẽ ra đời kiểu máy có thùng suốt dọc ưu việt hơn, năng suất và độ tin cậy cao hơn.

Điều đáng buồn là chính sách của nhà nước nghe trên đài báo thì rất hay nhưng trên thực tế những cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ như chúng tôi chưa được hưởng gì cả. Duy nhất, năm suy thoái kinh tế tôi có được vay 500 triệu lãi suất ưu đãi. Hiện nay các anh bên Sở KH-CN, bên khuyến công cũng nói sẽ vận dụng chính sách để hỗ trợ tôi nhưng chờ lâu quá, vẫn chưa thấy gì.

CƠ SỞ TƯ SANG –TIỀN GIANG

Chưa có một cơ sở cơ khí nào dám đầu tư như chúng tôi, một loạt máy công cụ như máy tiện tự động, máy dập tự động, máy chấn tạo hình tự động, cắt, khoan, dập, giá ráp đến sơn tĩnh điện đều được nhập khẩu để sản xuất. Nhờ có đầu tư và nhân lực nên chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi đã sản xuất được trên 400 chiếc và mặc dù đã huy động hết công suất nhưng máy vẫn làm ra không kịp.

Đúng như nông dân nói trên báo các anh hôm qua – máy GĐLH thực ra chẳng phải là loại máy tinh vi và nhiều người có thể làm được. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ nó không thích hợp với những người chỉ biết thiết kế trên bàn giấy mà phải "ba cùng" với nông dân mới may ra có những kiểu máy, những cải tiến được chấp nhận rộng rãi.

Hiện nay cơ sở chúng tôi đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, tổng đầu tư cũng chỉ mới trên 5 tỷ đồng mà chưa hưởng được một ưu đãi nào của nhà nước. Thế nhưng như thế chúng tôi cũng chưa hẳn buồn, vì nếu được hưởng ưu đãi có nghĩa là tiêu xài tiền thuế của nhân dân. Tiêu tiền của nhân dân mà không phát triển được thì mắc cỡ lắm. 

CƠ SỞ ÚT MÁY CÀY- ĐỒNG THÁP

Tôi là người chỉ được học đến lớp 7, kiến thức chẳng bằng ai, việc giành được Huy chương Vàng trong hội thi máy GĐLH năm 2007 tại Kiên Giang là kết quả của đam mê và lòng tự trọng. Tôi cứ nhớ mãi, trước đây khi còn trong bộ đội đóng quân ở Củ Chi, tôi được phân công coi cái máy phát điện, khi máy hỏng tháo ra coi rồi lắp lại không được. Sợ trách nhiệm, tôi phải xuống Sài Gòn nhờ mấy đứa chợ Dân Sinh, bọn chúng làm một loáng là xong nhưng nó mắng te tát: "Đ. má. Có thế này mà cũng gọi bọn tao. Bộ mày là lính cậu hả?". Tôi thấy mình bị sỉ nhục và quyết tâm học.

Sau ngày đoạt giải nhất hội thi, máy GĐLH Út Máy Cày có tiếng nên bán chạy lắm, đã có trên 200 chiếc được cung ứng cho thị trường. Cái thiếu của tôi bây giờ thì nhiều thứ- thiếu tiền, thiếu đường, thiếu điện, ngay cả điện 3 pha cũng chưa có, nhưng tôi nghĩ những cái thiếu đó rồi cũng khắc phục được, duy cái thiếu lớn nhất là nhân lực nếu không ai giúp thì tôi đuối lắm. Cơ sở tôi cũng đón tiếp nhiều đoàn tham quan, rất nhiều kỹ sư chế tạo bách khoa, tiến sỹ cơ khí tận Sài Gòn, Hà Nội nhưng họ cũng chỉ đến thoáng chốc rồi đi. Tất cả họ đều cười cười, khen tôi hay cái này, hay cái nọ. Riết rồi tôi cũng sợ chẳng biết họ có khen thật bụng không. 

CƠ SỞ HOÀNG THẮNG – CẦN THƠ

Các anh báo Nông nghiệp VN thì biết tôi quá rồi còn gì. Cũng nhờ báo đăng bài mà máy gieo sạ lúa bằng nhựa của tôi đắt hàng mấy năm liền. Tôi chuyển từ TPHCM về Cần Thơ không chỉ là về quê hương, mà còn là nghĩ đến bước phát triển của ngày hôm nay. Nếu chỉ sản xuất đồ nhựa thì không cần, nhưng để sản xuất máy nông cơ thì phải đi cắt, đi gặt, làm cỏ, bỏ phân …với nông dân, có lai rai với nông dân thì mới biết máy mình hay dở thế nào, họ còn góp ý cái nào nên cải tiến, cái nào nên thay đổi. Kỹ sư cơ khí nông nghiệp mà đi giày Tây như mấy ổng, giọng điệu làm thầy người ta, so đo từng ly đế thì không bao giờ được đâu.

Nói vui thế thôi chứ tôi vẫn rất cám ơn những người vừa là thầy vừa là bạn của tôi như anh Bồng, anh Khắc ở Trường ĐH Cần Thơ, anh Chín ở Viện Lúa ĐBSCL. Không có các anh ấy thì mình chưa thể phát triển được.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.