Giờ đây, Thống đốc Choi Moon-Soon thường tự nhận mình là "thống đốc bán khoai tây" và điều này đã được ông công khai trên Twitter cá nhân.
Số là kể từ khi các trang trại khoai tây ở vùng miền núi gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nông sản không bán được nên vị thống đốc này đã tự đưa ra quyết định đi bán khoai tây.
"Khoai tây Gangwon rất sạch và đang bị chất đống trong kho do ảnh hưởng của coronavirus. Xin mọi người hãy quan tâm đến nông dân”, đây là một trong những tweet rao bán hàng online của vị thống đốc Gangwon hôm 11 tháng 3, và tweet tiếp sau đó ông thông báo giá bán mỗi bịch khoai tây 10 kí với giá chỉ 5.000 won, tương đương 4 USD.
Nguyên nhân khoai tây của nông dân ế ẩm và đang bị chất đống trong các nhà kho là do người dân sợ dịch giã không dám ăn ở ngoài, kéo theo nhu cầu của các bếp ăn tập thể cũng gần như biến mất do bị đóng cửa bất đắc dĩ.
Chính nhờ các tweet bán hàng của quan chức, giống như cách quảng bá sản phẩm của hãng đồ ăn nhanh Starbucks nên mặt hàng khoai tây đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng.
Người dân đổ xô đi mua giải cứu, mỗi ngày bán hàng bắt đầu từ 10 giờ sáng đã bán hết veo 10.000 bịch trong vòng chưa đầy vài phút.
Sự nổi tiếng của phong cách bán khoai tây này thậm chí sau đó đã hình thành “meme”- một trào lưu văn hóa trên Internet và nó thường được lan truyền chóng mặt từ người này sang người khác.
Hiện ở Hàn Quốc trào lưu quan chức tiếp thị, bán các mặt hàng nông sản như rau củ, hoa ... giúp nông dân đang tiếp tục nở rộ. Ví dụ, Thống đốc tỉnh Gyeonggi Lee Jae-myung cũng đã sử dụng tài khoản Instagram của mình để quảng cáo rau hữu cơ với giá 20.000 won cho mỗi hộp 4 kg, bao gồm 11 loại rau khác nhau.
Ngay trong lần đầu tiên “khởi nghiệp”, ông Lee đã bán hết veo 7.000 hộp trong vòng hai giờ.
Hôm thứ Năm, chính phủ Hàn Quốc đã công bố một gói hỗ trợ tài chính khổng lồ trị giá 50 nghìn tỷ won, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những khu vực khó khăn để vượt qua dịch bệnh Covid-19.