Trong đó, bánh mì thanh long, một trong những sản phẩm ra đời với mục đích giải cứu cho bà con nông dân đã nhanh chóng được lan tỏa mạnh mẽ không chỉ xuất hiện ở những thành phố lớn mà tại thành phố Sa Đéc- tỉnh Đồng Tháp, những ổ bánh mì thanh long đầu tiên đã được ra đời cũng có ý nghĩa tương tự.
Bánh mì thanh long được sản xuất tại lò bánh mì Lê Thái, số 75 đường Phan Bội Châu- khóm 4- phường 1- thành phố Sa Đéc. Lò bánh mì này do anh Lê Huỳnh Long làm chủ.
Với hơn 40 năm trong nghề làm bánh mì, sau khi thấy phong trào giải cứu thanh long bằng những ổ bánh mì xuất hiện ở một số nơi, anh Long đã tìm tòi, nghiên cứu công thức chế tạo. Sau nhiều đêm thức trắng và nhiều lần thất bại, cuối cùng anh Long cũng đã tìm ra bí quyết chế tạo ra những ổ bánh mì thanh long cho riêng mình và được người tiêu dùng đón nhận.
Anh Long tâm sự: “Tôi coi trên mạng thấy anh "siêu bánh mì" ở thành phố Hồ Chí Minh làm bánh mì giải cứu thanh long, nên tò mò tìm hiểu nghiên cứu làm theo, 5 lần 7 lượt làm hỏng giờ mới làm được. Mình giải cứu thanh long được được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cùng hưởng ứng phong trào, ai cũng làm thì tiêu thụ thanh long sẽ nhiều lên”.
Tuy mới khai trương chưa đầy 1 tuần nhưng lò bánh mì của anh Long đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.
Hiện tại, mỗi ngày lò bánh của anh sản xuất gần 1.500 ổ, trong đó, có gần 1.000 ổ bánh mì thanh long cung ứng cho khách hàng, với giá bán 3 ngàn đồng/ổ.
Để sản xuất ra số lượng bánh mì thanh long tương ứng, mỗi ngày, lò bánh mì của anh phải sử dụng khoảng 100 kg thanh long.
Như vậy, mỗi tháng, lò bánh mì tiêu thụ gần 3 tấn thanh long. Những ổ bánh mì có màu đỏ đậm được điểm tô bằng những hạt màu đen của thanh long đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người.
Nhiều người đến mua bánh mì thanh long không chỉ để thưởng thức hương vị mới lạ của nó mà còn thể hiện một hành động đẹp là sẻ chia với người nông dân trong thời buổi khó khăn như hiện nay.
Sau một lần dùng thử bánh mì thanh long, ông Phạm Minh Khiết- phường 1- TP. Sa Đéc tỏ ra thích thú.
“Đúng ra tôi mua bánh mì bình thường nhưng thấy bánh mì thanh long rất lạ nên dùng thử. Quả thật thấy ngon hơn bánh mì thường. Ý tưởng làm bánh mì thanh long vừa làm mới sản phẩm vừa đóng góp tích cực cho cộng đồng”, ông Khiết tấm tắc khen.
Tương tự ông Khiết, từ ngày lò bánh mì của anh Long khai trương, mỗi ngày bà Nguyễn Thị Ngọc Hương ở khóm 1- phường 1- TP. Sa Đéc đều đến mua để ủng hộ.
“Trong thời buổi dịch bệnh trái cây khó xuất khẩu được. Mình mua để ủng hộ cơ sở, họ có bán được thì cũng góp phần giải cứu nhà vườn”, bà Hương giải thích.
Anh Long cho biết, thời gian tới anh sẽ duy trì sản xuất bánh mì thanh long để người tiêu dùng có thêm lựa chọn vừa góp phần hỗ trợ nông dân.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sử dụng thêm những nông sản khác trong chế biến bánh mì để chung tay với cộng đồng nâng cao chất lượng nông sản Việt cũng như tạo ra thêm nhiều sản phẩm mới tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng bởi khi các cơ sở chế biến thực phẩm cùng đồng hành với người nông dân thì trong tương lai nông sản Việt sẽ có thêm một kênh phân phối hữu hiệu, giúp nâng cao hơn nữa giá trị nông sản và người nông dân sẽ có thêm thu nhập không phải chịu cảnh dội hàng rớt giá như hiện nay.