Sự kiện do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Trong năm 2019, tổng sản lượng thủy sản các tỉnh phía Bắc đạt 4,38 triệu tấn (tăng 5,5% so với năm 2018).
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Thực hiện kết nối, tiêu thụ sản phẩm, đến nay toàn vùng có 760 giấy chứng nhận VietGAP thủy sản đã được cấp cho khoảng 1.200 cơ sở nuôi, với diện tích trên 5.690 ha. Bên cạnh đó, có 1.900 ha được được áp dụng và chứng nhận GAP khác như, GlobalGAP, ASC, BAP.
Trong năm, các tỉnh phía Bắc đã duy trì, đồng thời hình thành mới một số chuỗi sản xuất tiêu thụ thủy sản VietGAP. Nổi bật như hệ thống siêu thị MM Mega Viet Nam, duy trì việc tiêu thụ sản phẩm VietGAP từ năm 2013 đến nay, mỗi năm tiêu thụ khoảng 729.000 tấn thủy sản; chuỗi của HTX sản xuất – thương mại Nhất Tâm, tại Cần Thơ; chuyên trang “Chợ nhà mình” do Sở NN-PTNT Hà Nội là đơn vị chủ quản…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. |
Tại Tuyên Quang, hiện nay có 5 tổ chức được cấp chứng nhận nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, với tổng dung tích lồng nuôi là 14.400 m3; sản lượng khai thác đạt 300 tấn/năm. Tuyên Quang cũng có 2 cơ sở nuôi trồng thủy sản được Bộ NN-PTNT đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn song nông nghiệp Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng. Tổng sản lượng đạt 8,2 triệu tấn, tăng so với năm 2018 là 430 nghìn tấn. Xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD. Việc tiêu thụ thủy sản trong nước rất tốt. Năm 2019, hậu quả của Dịch tả lợn Châu phi đã ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của cả nước. Vì vậy việc phát triển ngành thủy sản an toàn, chất lượng và tăng cường kết nối sản xuất tiêu thụ sẽ giảm áp lực cho ngành chăn nuôi lợn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng tại huyện Yên Sơn. |
Trên thực tế, các tỉnh phía Bắc còn tiềm năng lớn về phát triển nghề thủy sản. Toàn vùng có khoảng 328.000 ha diện tích mặt nước để nuôi trồng. Bên cạnh đó, các tỉnh này còn có hàng nghìn ha diện tích mặt nước hồ chứa, hồ thủy điện, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá lồng, bè. Một số loài thủy sản đặc sản nuôi phổ biến, có sản lượng lớn tại các tỉnh phía Bắc như cá lăng đen, cá rô phi, cá điêu hồng…
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã đi tham quan thực tế tại HTX nuôi cá đặc sản sông Gâm, tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn. HTX hiện có 10 hộ nuôi với 30 lồng cá chiên, bỗng. Với giá thu mua tại lồng đạt 470.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi lồng cho người dân thu lãi khoảng 60 triệu/lồng.