| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn đánh bắt vi phạm IUU

Các tỉnh phối hợp, ngư dân vẫn lách

Thứ Năm 22/09/2022 , 06:45 (GMT+7)

Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang là 2 nơi tàu cá Bình Định chọn để 'tá túc' hoạt động. Nhưng các tỉnh đã vào cuộc để ngăn chặn từ xa các vi phạm.

Siết chặt quản lý tàu cá “lưu vong” ở các tỉnh miền Nam

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, có đến hơn 1.000 tàu cá của ngư dân tỉnh này vào “tá túc” tại Vũng Tàu để đánh bắt trên vùng biển Đông Nam bộ, chủ yếu là ngư dân các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn. Ngoài những ngư dân làm ăn chân chính, cũng có không ít ngư dân “mượn” Vũng Tàu làm nơi tạm trú để đi đánh bắt bất hợp pháp, hầu hết tàu vi phạm đều hành nghề câu mực. Tiền Giang cũng là nơi tàu cá Bình Định “neo” lại để hoạt động, nhưng số lượng tàu ít hơn, chỉ 70 - 80 chiếc, chủ yếu là ngư dân thị xã Hoài Nhơn.

Để ngăn chặn tàu cá "lưu vong" đánh bắt vi phạm IUU, Bình Định đã ký kết quy chế phối hợp với ngành chức năng 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang trong công tác chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tàu của ngư dân Bình Định neo đậu trên sông Tiền thuộc phường Tân Long (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: V.Đ.T.

Tàu của ngư dân Bình Định neo đậu trên sông Tiền thuộc phường Tân Long (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: V.Đ.T.

Theo quy chế, ngành chức năng 3 tỉnh sẽ trao đổi thông tin về số lượng tàu cá của mỗi tỉnh đang hoạt động; siết chặc công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm tàu cá; thông tin với nhau về tình hình, diễn biến, kết quả xử lý các vụ việc có liên quan đến tàu cá đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; tình hình, kết quả xác minh, xử lý về số đối tượng, tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Tình hình an ninh trật tự có liên quan đến tàu cá và ngư dân tại các cảng cá, khu neo đậu, các vùng biển thuộc quyền quản lý. Danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác hải sản  bất hợp pháp. Các vụ việc liên quan đến thiên tai, tai nạn trên biển; phối hợp điều tra, xác minh hỗ trợ ngư dân; công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định làm việc với Sở NN-PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu về quy chế phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định làm việc với Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu về quy chế phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Điều đáng quan ngại nhất ở Bà Rịa - Vũng Tàu là trên địa bàn tỉnh có hiện tượng móc nối, đưa tàu cá đi đánh bắt bất hợp pháp. Theo Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện Công an tỉnh đang phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tra, xác minh một số đối tượng có nghi vấn hoạt động móc nối, môi giới, tổ chức.

Nhóm đối tượng này còn liên hệ với các chủ tàu bị nước ngoài bắt giữ để hướng dẫn, móc nối, đưa về bằng đường biển và đường hàng không; làm giấy tờ, hợp đồng đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; làm giấy tờ, biển số giả để thể hiện tàu có hợp đồng đi khai thác, loại giấy tờ “ma” này sẽ được các thuyền trưởng xuất trình khi ngành chức năng kiểm tra để tránh bị “lộ” là đang hoạt động phi pháp. Trong quy chế phối hợp đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu làm việc với Sở NN-PTNT Bình Định về quy chế phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với Sở NN-PTNT Bình Định về quy chế phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

“Các tỉnh cần hình thành đường dây nóng, kênh liên lạc này do Chi cục Thủy sản thiết lập để khi có vụ việc xảy ra, thông tin được các Chi cục Thủy sản cập nhật tức thời, không phải thông qua văn bản mất nhiều thời gian. Qua đường dây nóng, các Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản có thể trao đổi thông tin, bàn bạc biện pháp và kịp thời xử lý theo thẩm quyền” ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị.

Chia sẻ những vấn đề nan giải

Cũng theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu, tàu cá của ngư dân Bình Định vào Vũng Tàu hoạt động nhiều nhất là của ngư dân huyện Phù Cát, thứ đến là tàu cá của ngư dân huyện Phù Mỹ, TP Quy Nhơn. Những tàu cá mang số hiệu Bình Định hoạt động tại Vũng Tàu có nhiều phương tiện đã bán cho ngư dân tỉnh này, đã sang tên đổi chủ nhưng không chuyển đổi đăng ký, đặc biệt trong đó có nhiều phương tiện nhỏ.

Tình trạng này khiến ngành chức năng Bà Rịa - Vũng Tàu đau đầu không ít. Có thời gian tỉnh khống chế không cho phát triển thêm số lượng tàu cá trên địa bàn, nhưng có nhiều ngư dân đã lỡ mua nên xảy ra tình trạng hộ khẩu của chủ tàu là ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng tàu cá lại mang biển số của Bình Định.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Sở NN-PTNT Bình Định và Sở NN-PTNT Tiền Giang về quy chế phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Sở NN-PTNT Bình Định và Sở NN-PTNT Tiền Giang về quy chế phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Trên sông Tiền, đoạn chảy qua phường Tân Long (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), vào mùa trăng tháng 7 âm lịch, chúng tôi thấy nhiều tàu cá mang số hiệu “BĐ” đậu thành từng nhóm nằm rải rác.

Theo ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, bây giờ tàu cá Bình Định vào Tiền Giang “tá túc” đã giảm đi nhiều, chỉ còn khoảng 70 - 80 chiếc, trước đây có đến 400 - 500 tàu, hầu hết làm nghề câu mực, một ít tàu hành nghề lưới vây, mỗi mùa trăng tàu cá Bình Định về neo đậu kín sông Tiền. Có người nói vui, đêm về, khi hàng trăm tàu cá của ngư dân Bình Định trên sông Tiền lên đèn là sáng cả thành phố Mỹ Tho.

Tàu cá Bình Định “tá túc” tại Tiền Giang chiếm phần lớn là của ngư dân thị xã Hoài Nhơn, địa phương mấy năm nay làm rất tốt công tác chống khai thác hải sản vi phạm IUU, nhờ đó, ngành chức năng Tiền Giang cũng đỡ vất vả với lực lượng tàu cá “lưu vong” này.

Thêm vào đó, trong công tác chống khai thác đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài Tiền Giang làm rất tốt, nhất là công tác tuyên truyền. Thế nên từ năm 2022 đến nay, Tiền Giang chưa phát hiện tàu cá của ngư dân trong tỉnh đánh bắt vi phạm IUU, kể cả tàu cá của Bình Định vào đây tá túc.

Ông Trần VănVinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trình bày quy chế phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trình bày quy chế phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Tuy nhiên, công tác kiểm soát tàu cá Bình Định hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn nhiều bất cập. Theo chia sẻ của ông Tô Hồng Phong, Trợ lý tác chiến Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang, tàu cá Bình Định ra vào phạm vi biên giới biển thường đi qua Trạm biên phòng Cửa Đại (Tiền Giang) hoặc xuất bến tại Trạm biên phòng Bình Thắng (Bến Tre). Tình trạng nhập nhằng này khiến công tác quản lý càng thêm khó khăn.

Thêm nữa, sau khi vào Tiền Giang, tàu cá của ngư dân Bình Định lại neo đậu chủ yếu trên sông Tiền thuộc phường Tân Long (TP Mỹ Tho), đó là chưa kể còn hơn 10 tàu cá khác cũng của ngư dân Bình Định thường xuyên neo đậu tại phường 2 (TP Mỹ Tho). Trong khi phạm vi phường Tân Long và phường 2 không nằm trong trách nhiệm quản lý của Bộ đội Biên phòng.

Ông Trần Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, làm việc với đoàn công tác liên ngành tỉnh Bình Định về công tác phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, làm việc với đoàn công tác liên ngành tỉnh Bình Định về công tác phối hợp chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Do đó, đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang, ông Tô Hồng Phong, đề xuất: “Trong quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh Bình Định và Tiền Giang, nếu giao cho Bộ đội Biên phòng Tiền Giang kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá xuất nhập cảng cá, bến cá thì đối với 2 điểm neo đậu tàu cá của ngư dân Bình Định tại phường Tân Long và phường 2 (TP Mỹ Tho) là không phù hợp, cần phải điều chỉnh chỗ này để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao”.

“Do chưa có quy định về xử lý vi phạm đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài đối với thuyền trưởng, nên Tiền Giang chưa khắc phục triệt để những ai cố ý. Đó là chưa kể nhiều chủ tàu cá mua bán phương tiện không thực hiện thủ tục chuyển nhượng nên gây khó cho ngành chức năng trong công tác quản lý chống khai thác vi phạm IUU”, ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTN Tiền Giang.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.