| Hotline: 0983.970.780

Cách những đại điền ở Thái Bình làm giàu từ cây lúa

Thứ Hai 31/10/2022 , 14:45 (GMT+7)

Thái Bình Cấy lúa tưởng chỉ có đủ ăn, nhưng không, nhiều người đã vươn lên khá hay giàu từ loại cây trồng rất truyền thống và canh tác rất giản đơn đó với một điều kiện

Đó là phải tích tụ được đủ ruộng để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Theo ông Đinh Vĩnh Thụy-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình hiện tỉnh có 1.700 hộ đại điền đang cấy từ 2 ha lúa trở lên, trong đó từ 5 ha có 140 hộ, từ 7 ha có 120 hộ. Những hộ này đã tập trung, tích tụ đất đai nhờ sự chán đất, bỏ hoang đất của rất nhiều hộ nông dân khác.

Thời gian vừa qua cơ cấu kinh tế nông thôn của Thái Bình cũng như nhiều tỉnh thành của miền Bắc đã thay đổi mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp. Lao động nông nghiệp thiếu hụt nghiêm trọng do người trẻ bỏ đi làm công nhân, đi làm thợ tự do hay kinh doanh dịch vụ.

Đại điền Nguyễn Duy Phiên đang kiểm tra ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đại điền Nguyễn Duy Phiên đang kiểm tra ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy nhiên, may mắn là vẫn còn những người tha thiết với ruộng đồng mà mượn ruộng, thuê ruộng của hàng chục, hàng trăm người khác, thậm chí ở nhiều xã, huyện khác nhau. Tốc độ tích tụ đất đai hiện tăng lên khá nhanh, cuối năm 2021 Thái Bình mới có 968 hộ đại điền cấy từ 2 ha nhưng nay đã có 1.700 hộ đại điền. Phần lớn đều làm ăn có lãi hàng trăm triệu/năm, thậm chí có cặp vợ chồng như chị Trần Thị Lanh ở xã Bình Minh huyện Kiến Xương lãi tới 1,3-1,4 tỉ/năm.

Rõ ràng là nông dân nếu có quy mô đất đủ lớn thì có thể làm giàu. Muốn nông dân thiết với nông nghiệp phải làm giàu từ nông nghiệp. Vậy thì con đường duy nhất là phải mở rộng quy mô sản xuất cho nông dân, từ đó họ mới có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa tất cả các khâu, làm ra được sản phẩm đủ điều kiện bán trên thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản. Đầu vào thấp đầu ra thì tăng lên, tự nhiên có lãi, với diện tích lớn thì lãi nhiều.

Anh Nguyễn Duy Phiên đánh máy gặt ra đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Duy Phiên đánh máy gặt ra đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi tìm gặp một trong những đại điền đó là cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Duy Phiên và Nguyễn Thị Hồng Huế của xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương người đã dũng cảm rũ bỏ ánh sáng quyến rũ của đô thị để về quê làm nông. Dù họ bảo sản xuất nông nghiệp như đánh bạc với ông trời có những vụ mưa, thiệt hại cả trăm triệu, có những vụ rét thiệt hại hơn 200 triệu. Nhưng sau mỗi cú ngã, họ vẫn động viên nhau để gượng mà đứng dậy, nuôi giấc mộng làm giàu với gần 50 ha lúa được tích tụ, tập trung sau mỗi vụ.

Hiện họ đã có 1 máy cày trị giá 420 triệu, 1 máy gặt Kubota 93 trị giá 800 triệu, 1 máy sấy và kho trị giá 700 triệu, trên 2 vạn khay mạ trị giá 400 triệu, 1 máy cuốn rơm sau thu hoạch trị giá 180 triệu để tận dụng rơm bán lại cho những người nuôi bò. Số máy móc đó đủ cho anh chị cấy ở 5 vùng của 2 xã Thanh Tân và Bình Nguyên với tổng diện tích khoảng 48 ha trong đó 10 ha là sản xuất lúa giống, 38 ha còn lại sản xuất lúa thương phẩm và còn cấy gặt thuê cho cả bà con.

Mùa vàng ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mùa vàng ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi tò mò muốn biết những đại điền cấy nhiều họ mua vật tư, phân bón và chăm sóc cây trồng khác nông dân bình thường như thế nào, thì anh Phiên chia sẻ: Trước đây tôi dùng phân bón của một công ty nhưng 2 vụ nay dùng phân bón Lâm Thao loại NPK 16-8-8+9S. Theo kinh nghiệm của tôi lượng phân bón xuống ruộng vụ trước thì vụ sau vẫn còn, cây lúa không ăn hết được, nên phải tính toán sao cho bón thật cân đối.

Tôi thường bón 3 đợt. Giai đoạn đầu tôi bón lót 10 kg NPK Lâm Thao 16-8-8+9S/sào, phân được chứa trong “bom” 300 kg đặt trên máy cày để nó văng ra; Giai đoạn đẻ nhánh bón thúc với số lượng ít hơn, phân được chứa trên máy cấy rồi cho lội ruộng. Người lái phía trước phải căn máy đi vào đúng rãnh cấy theo hàng xông 30cm x30 cm để không đè phải lúa, người đằng sau thì phun phân; Giai đoạn lúa đón đòng, bắt đầu có “tim đèn” thì tôi bón lần cuối, ruộng nào xấu bón nhiều, ruộng nào tốt bón ít. Với những chân ruộng cao thì vẫn dùng máy cấy để đi bón, còn chân ruộng trũng thì phải người đeo bình sau lưng để phun.

Tổng lượng bón khoảng 14-15 kg NPK /sào/vụ nên mỗi vụ với gần 50 ha lúa, tôi sử dụng tới 17-18 tấn. Tôi mua của nhà phân phối ở huyện, với số lượng nhiều như thế bao giờ giá cũng rẻ hơn so với dân mua lẻ, trung bình tiết kiệm được 20-25 triệu/vụ…

Chăm chỉ làm ăn, tích tiểu thành đại, năm 2019 họ lãi được 100 triệu, năm 2020 họ lãi được hơn 100 triệu, năm 2021 họ lãi được hơn 300 triệu. Thế nhưng vụ xuân năm 2022 lúa được mùa lại mất giá, còn vụ mùa năm 2022 mưa gió triền miên đúng đợt lúa phơi đòng khiến cho năng suất có phần hạn chế. Nhưng họ vẫn không nản chí, vẫn ấp ủ kế hoạch đầu tư mua thêm máy móc mới để mở rộng sản xuất và còn làm dịch vụ cho bà con khác nữa.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm