Đến hết năm 2024, tổng đàn gia súc của tỉnh Lào Cai đạt 600.000 con, tổng đàn gia cầm 5.050 nghìn con. Toàn tỉnh hiện có 292 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại, trong đó có 69 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí kinh tế trang trại có giá trị sản xuất đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên; 10 cơ sở chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao đang phát triển tốt cùng 2 chuỗi liên kết sản phẩm chăn nuôi.
Năm 2025, Lào Cai phấn đấu tổng đàn gia súc đạt 756.200 con, đàn gia cầm 5,07 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi đạt 80.640 tấn. Tập trung ưu tiên đầu tư, phát triển hai ngành hàng chính có nhiều tiềm năng phát triển là chăn nuôi lợn và bò.

Trang trại chăn nuôi bò của HTX Thanh Phong (huyện Bảo Yên). Ảnh: Lưu Hòa.
Cụ thể, phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hết năm 2025, tổng đàn lợn phấn đấu đạt 600.00 con, sản lượng thịt hơi đạt 55.000 tấn. Vùng thấp chuyển đổi mạnh hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ.
Cơ cấu giống chủ yếu sử dụng các giống lợn ngoại, lợn lai. Vùng cao đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen bản địa, thí điểm và nhân rộng mô hình quản lý chăn nuôi lợn an toàn trong cộng đồng thôn, bản có hiệu quả.
Chăn nuôi bò phát triển nuôi thâm canh bò thịt, tổng đàn năm 2025 phấn đấu đạt trên 24.500 con, sản lượng thịt hơi 850 tấn. Vùng thấp chăn nuôi các giống bò ngoại, bò lai cao sản hướng thịt. Vùng cao phát triển bò địa phương (giống bò H'Mông của các huyện Mường Khương, Si Ma Cai và của tỉnh Hà Giang...). Xây dựng vùng giống bò tại huyện Mường Khương và Si Ma Cai. Phương thức chăn nuôi, nuôi nhốt thâm canh, bán chăn thả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật (giống, thức ăn, phòng trị bệnh). Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa ở những vùng có điều kiện thuận lợi (Văn Bàn, Bảo Yên, Bát Xát...).

Các trang trại chăn nuôi lợn trên địa Lào Cai làm tốt công tác định kỳ phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại. Ảnh: Lưu Hòa.
* Vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh năm 2025. Theo đó tiêm vacxin cho đàn gia súc, gia cầm là tiêm phòng bắt buộc theo quy định của Bộ NN-PTNT phải được triển khai đồng bộ, thực hiện tiêm phòng tập trung vào 2 đợt chính, đồng thời tổ chức tiêm phòng bổ sung thường xuyên hàng tháng và tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch phát sinh.
Thực hiện tiêm phòng bắt buộc cho 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm tại thời điểm tiêm phòng, đảm bảo đúng tiến độ, quy trình kỹ thuật, chủng loại, đối tượng tiêm phòng; đảm bảo an toàn cho người trực tiếp tham gia tiêm phòng và vật nuôi. Cụ thể:
Đàn trâu, bò: Tổ chức tiêm phòng vào 2 đợt chính (đợt 1 từ ngày 01/3/2025 đến30/4/2025, đợt 2 từ 03/9/2025 đến 30/10/2025) và tiêm bổ sung cho gia súc mới đến tuổi tiêm phòng, mới nhập về.
Đối với lợn, gia cầm và chó: Thực hiện tiêm phòng thường xuyên, liên tục theo các lứa nuôi tất cả các tháng trong năm (khi đến tuổi tiêm phòng; mới nhập về; gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ...).