| Hotline: 0983.970.780

'Vua dê' Bắc Giang

Thứ Tư 12/02/2025 , 06:47 (GMT+7)

Nhiều bà con tại xã Toàn Thắng, huyện Hiệp Hòa vẫn nói vui ông Ngô Văn Biên là 'vua dê Bắc Giang' bởi quy mô cũng như sự thành công của ông.

Từ buôn lợn chuyển sang buôn dê

Trong tiết trời giá rét những ngày đầu tháng 2, ông Ngô Văn Biên ở xã Toàn Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng một số nhân công tại trang trại đang tất bật căng bạt để che chắn gió cho đàn dê. Thức ăn từ thân cây chuối để dùng cho đàn vật nuôi cũng đã được ông Biên phối trộn, chuẩn bị sẵn cho những ngày tiếp theo.

Ông Ngô Văn Biên được bà con tại xã Toàn Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) và nhiều địa phương khác gọi vui là 'Vua dê Bắc Giang'. Ảnh: Quang Dũng.

Ông Ngô Văn Biên được bà con tại xã Toàn Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) và nhiều địa phương khác gọi vui là “Vua dê Bắc Giang”. Ảnh: Quang Dũng.

Người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần có mái tóc đã pha sương nhưng tay chân vẫn nhanh thoăn thoắt không khác gì trai trẻ. “Căng bạt nốt chuồng này là xong rồi, cả đàn hơn 2.000 con nên trang trại cũng chuẩn bị từ sớm, chứ đợi rét buốt mới bắt đầu làm thì không ổn chút nào”, vừa căng bạt, ông Biên vừa cười nói.

Dê đang được nuôi tại đây là giống dê Boer có đặc điểm nổi bật là lớn rất nhanh, thể trạng cao lớn, dễ nuôi, phàm ăn và cho tỉ lệ thịt nhiều. Theo ông Biên, mô hình nuôi dê nhốt chuồng được nhiều nơi áp dụng vì chi phí đầu tư không quá cao nhưng hiệu quả kinh tế rất tốt. Vậy nhưng để có ngày hôm nay, người đàn ông này đã trải qua hơn 20 năm "nằm gai, nếm mật" từ khi bén duyên với giống vật nuôi này.

“Trước năm 2000, tôi khởi nghiệp từ việc chở lợn con lên các tỉnh miền núi để bán rong. Mỗi tuần phải chạy vài ba chuyến lên mạn Bắc Kạn, Cao Bằng. Ngày đó, có một người mua lợn về nuôi nhưng không có tiền trả nên họ gán nợ cho tôi bằng một con dê. Lúc bấy giờ dê khá hiếm, thịt dê đắt đỏ so với các loại thịt khác nên rất khó tìm khách mua. Sau đó có người giới thiệu ở Thái Nguyên có nhà hàng thu mua dê, vậy là tôi chở tới đó bán với giá khá cao”, ông Biên kể.

Nhận thấy việc bán dê thịt từ miền núi có lãi, ông Biên vừa đổi lợn lấy dê vừa thu mua thêm dê để đưa về xuôi. Ban đầu là Bắc Kạn, Cao Bằng rồi ông mở rộng dần sang các tỉnh như Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, dần dần sang khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng ra khắp miền Bắc, tiếp đó là trên toàn quốc.

Lãi tiền tỷ từ chăn nuôi dê

“Để chủ động nguồn cung, đến năm 2002, tôi bắt đầu chăn nuôi dê, vừa nuôi sinh sản vừa nuôi vỗ béo. Ngay từ đầu tôi đã áp dụng phương pháp nuôi nhốt, thức ăn không chỉ có lá cây, cỏ mà còn dùng cả cám chăn nuôi. Lúc đó ở Bắc Giang chỉ có một mình tôi nuôi dê thương phẩm bằng cách đó”, ông Biên chia sẻ.

Giống dê Boer có đặc điểm nổi bật là lớn rất nhanh, thể trạng cao lớn, dễ nuôi, phàm ăn và cho tỷ lệ thịt cao. Ảnh: Quang Dũng.

Giống dê Boer có đặc điểm nổi bật là lớn rất nhanh, thể trạng cao lớn, dễ nuôi, phàm ăn và cho tỷ lệ thịt cao. Ảnh: Quang Dũng.

Đến nay, sau 25 năm làm nghề nuôi và buôn bán dê, ông Ngô Văn Biên đã sở hữu 2 trang trại rộng 2.000m2 và 1,6ha trồng cỏ, chuối làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Dê có đặc tính đẻ rất nhanh, cứ 2 năm đẻ 3 lứa, nếu giữ lại nuôi hết thì không mất tiền vốn mua con giống, nhưng phải 10 - 12 tháng mới xuất chuồng. Còn nuôi gột, tức là mua dê choai hoặc dê gầy từ 20 - 22kg về vỗ béo thì khoảng 4 tháng sẽ đạt 40kg, nhanh xuất chuồng và thu lãi cao.

Theo ông Biên, dịp Tết Nguyên Đán vừa qua ông đã xuất bán hơn 1.000 con dê thịt với tổng khối lượng trên 50 tấn để phục vụ thị trường, giá bán ổn định ở mức 140.000 đồng/kg. Còn sau Tết, mỗi ngày trang trại của ông Biên bán ra khoảng 5 tạ dê hơi, phân phối đi khắp các nhà hàng tại miền Bắc. Các thời điểm khác trong năm trung bình mỗi tháng trang trại xuất bán ra thị trường khoảng 60 tấn dê hơi, cho thu lãi trên 2 tỷ đồng/năm.

Để phát triển mô hình nuôi dê trên địa bàn huyện, năm 2022, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập và ra mắt HTX Chăn nuôi dê Cầu Hương với 8 thành viên do ông Ngô Văn Biên làm Giám đốc. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, HTX đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên. Đây cũng là mô hình được nhiều địa phương trong cũng như ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Đến nay, ông Biên không chỉ biết đến là nông dân thành công, một giám đốc HTX mà người đàn ông này còn được bà con tại xã Toàn Thắng và nhiều địa phương khác gọi vui là “Vua dê Bắc Giang”.

Xem thêm
Quảng Trị triển khai kế hoạch tiêm phòng vacxin gia súc, gia cầm năm 2025

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2025.

Vượt giá rét, hoàn thành gieo cấy lúa vụ đông xuân

Các địa phương khu vực phía Bắc đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại để hoàn thành việc gieo cấy lúa vụ đông xuân.

Viện KHKT nông nghiệp miền Nam ký hợp tác với ngành nông nghiệp Đồng Nai

ĐỒNG NAI Trong không khí đầu năm mới, Viện KHKT nông nghiệp miền Nam và Sở NN-PTNT Đồng Nai tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm giúp tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất