| Hotline: 0983.970.780

Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực kiều hối

Thứ Ba 23/05/2023 , 13:32 (GMT+7)

TP.HCM Trong quý I/2023 lượng kiều hối về TP.HCM tiếp tục tăng trưởng tích cực với gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022.

Chiều 22/5, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý xây dựng “Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM”, nhằm tìm ra giải pháp huy động tối đa nguồn lực kiều hối trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi về qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, trong giai đoạn 10 năm (từ 2012-2021), nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM tăng trưởng đều (từ con số 4,1 tỷ USD năm 2012 lên con số 6,6 tỷ USD). Trong khi đó, tổng số kiều hối của Việt Nam tăng tương ứng là 10 tỷ USD năm 2012 và 18,1 tỷ USD vào năm 2021.

Riêng năm 2022, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối với 6,6 tỷ USD và trong quý I/2023 lượng kiều hối về TP.HCM tiếp tục tăng trưởng tích cực với gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022.

GS Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ dự báo rằng, thời gian tới kiều hối gửi về giúp người thân sẽ có xu hướng giảm. Thay vào đó, kiều bào muốn đầu tư kiều hối về Việt Nam để làm ăn, đầu tư bất động sản. “Kiều bào mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để có thể sở hữu nhà tại Việt Nam với quyền lợi như người Việt. Cần có chính sách tạo thuận lợi, hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư”, ông Phú nói.

Còn TS Lê Thị Thanh Nhàn, Giảng viên cao cấp, chuyên gia về tài chính, Đại học Quốc gia Australia cho rằng, việc thu hút kiều hối như việc đầu tư một nông trại, trồng càng nhiều cây thì thu hoạch càng lớn. Do đó, TP.HCM cần có các giải pháp cụ thể để tăng nguồn lực kiều bào. Trong đó, cần tăng số lượng, chất lượng xuất khẩu lao động; các ngân hàng đầu tư nhiều tiện ích để kiều bào chuyển tiền thuận lợi hơn, giảm chi phí chuyển tiền.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM luôn chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Ngoài yếu tố cơ chế, chính sách thu hút kiều hối của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thì vai trò, vị trí TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước có tác động quan trọng, thu hút nguồn kiều hối chuyển về.

Theo ông Lệnh, để tiếp tục mở rộng và thu hút nguồn kiều hối, cần tiếp tục củng cố và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM. Trong đó, phải cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư, nguồn kiều hối chuyển về để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lĩnh vực công nghệ; phát triển kinh tế xanh...

Tại hội thảo, các chuyên gia tài chính kinh tế, ngân hàng, các quỹ tài chính trong nước và quốc tế đã có những góp ý nhằm tạo được sự phối hợp hiệu quả trong các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại về việc thu hút, phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối...

Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm phụ trách Uỷ ban về Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, những đóng góp của các đại biểu là cơ sở để hoàn thành Đề án về Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM.

Theo bà Tạ Thị Thanh Thúy, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có hơn 225.000 người Việt sinh sống tại Hàn Quốc, trong đó lao động đi xuất khẩu gần 50.000 người. Với lương tối thiểu 1.500 USD mỗi tháng, thu nhập của riêng lao động này hơn 700 triệu USD mỗi năm. Hầu hết nguồn tiền của họ sẽ được gửi về gia đình.

Bà Thúy phân tích, trước đây xuất khẩu lao động được xem là xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân, nhưng giờ cần được nhìn nhận là nguồn gia tăng kiều hối về nước. Thực tế, năm 2022, trong tổng nguồn kiều hối về Việt Nam là 19 tỷ USD, xuất khẩu lao động chiếm 3-3,5 tỷ USD, chiếm gần 20%.

Việt Nam hiện có 500 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2019 đưa đi 150.000 người, năm 2021 trên dưới 100.000 lao động, chủ yếu đi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Cùng với đó, nguồn kiều hối từ các nơi này cũng tăng lên và chiếm tỷ trọng lớn. 

Nguồn kiều hối qua kênh xuất khẩu lao động vẫn tiếp tục được duy trì nhưng cần nâng cao chất lượng để có được mức lương tốt hơn. Vì vậy theo bà Thúy, cơ quan chức năng cần chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề, ngoại ngữ để lao động có công việc, thu nhập tốt hơn.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất