| Hotline: 0983.970.780

1.300ha nuôi tôm bị thiệt hại, Trà Vinh tăng cường cán bộ thú y về địa phương

Thứ Năm 24/08/2023 , 09:13 (GMT+7)

TRÀ VINH Trà Vinh hiện có hơn 1.300ha nuôi tôm bị thiệt hại, tương đương 625 triệu con, cán bộ thú y tỉnh đang được tăng cường về địa phương hướng dẫn hộ nuôi ngăn ngừa bệnh.

Một ao nuôi tôm công nghệ đang đợi thời cơ thả vụ mới. Ảnh: Hồ Thảo.

Một ao nuôi tôm công nghệ đang đợi thời cơ thả vụ mới. Ảnh: Hồ Thảo.

Với diện tích mặt nước rộng lớn và vị trí giáp biển, lâu nay tỉnh Trà Vinh đã biết cách khai thác thế mạnh của mình trong lĩnh vực nuôi tôm. Tuy nhiên, gần đây, người nuôi tôm tỉnh này đang đối mặt với thách thức không nhỏ.

Ghi nhận tại huyện Cầu Ngang, nơi trước đây từng là điểm sáng nuôi tôm của tỉnh. Những hình ảnh trước kia về những ao nuôi tôm với cánh quạt nước vận hành suốt đêm ngày đã dần thay đổi. Hiện tại, những ao này trống trải, chỉ còn tiếng gió rì rào.

Nguyên nhân chính được người nuôi tôm đề cập, do thị trường tôm đang chững lại, dẫn đến giá tôm lao dốc, khiến nhiều chủ ao lót bạt phải treo ao chờ thời cơ tốt hơn. Trong khi đó, một số chủ ao đất đã thay đổi hướng bằng cách chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác.

Ông Lâm Ngọc Ánh, một nông dân tại ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang chia sẻ, thời gian gần đây ngành nuôi tôm đang đối mặt với nhiều khó khăn. Bởi giá tôm giảm đột ngột gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Cụ thể, loại tôm 100 con/kg trước đây có giá bán từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, nhưng hiện đã giảm xuống gần một nửa.

Đáng chú ý, dịch bệnh như đốm trắng gan tụy ngày càng tăng gây thiệt hại không nhỏ cho hộ nuôi. Ông Ánh cho rằng, nguyên nhân chính là do các ao nuôi lâu năm và kênh thoát nước không thông thoáng, gây tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến tôm dễ mắc bệnh. Hơn nữa, chất lượng tôm giống hiện tại cũng chưa được đảm bảo.

Theo khảo sát từ Chi cục Thủy sản Trà Vinh cho thấy, môi trường nước không thuận lợi kết hợp với thời tiết bất ổn đã tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh như đốm trắng, đỏ thân và bệnh đường ruột xuất hiện trên tôm nuôi trong khoảng từ 25 - 55 ngày tuổi. Từ đầu tháng 8 đến nay, hơn 1,3 triệu con tôm đã bị thiệt hại. Diện tích nuôi tôm bị ảnh hưởng đến hiện tại đã lên tới gần 1.396ha, tổng số khoảng 625 triệu con tôm sú và tôm thẻ chân trắng. 

Ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Ngang xác nhận, khoảng 30% diện tích ao nuôi tại huyện đang phải đối mặt với tình trạng treo ao. Ông khuyến nghị, người nuôi ao đất nên chuyển sang việc nuôi lươn, tôm càng xanh, cua biển, cá kèo và các loại thủy sản khác phù hợp để cải thiện kinh tế gia đình.

Ông Phi cũng nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa bệnh cho tôm một cách chủ động, đồng thời đảm bảo công tác thú y cho người nuôi tôm sử dụng công nghệ ao bạt.

Theo đó, ngành nông nghiệp Trà Vinh tăng cường sự hiện diện của cán bộ kỹ thuật và phối hợp với các Phòng NN-PTNT tại các huyện ven biển như Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, cung cấp thông tin tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong việc chăm sóc tôm nuôi trong điều kiện thời tiết không thuận lợi gần đây.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cũng khuyến cáo nông dân cần thường xuyên quan sát, giám sát môi trường nước nguồn cấp và ao nuôi. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi.

Cán bộ thú y Trà Vinh tăng cường sự hiện diện để hướng dẫn người nuôi tôm về các biện pháp phòng tránh bệnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Cán bộ thú y Trà Vinh tăng cường sự hiện diện để hướng dẫn người nuôi tôm về các biện pháp phòng tránh bệnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Hệ thống quạt oxy cần được duy trì, vận hành hiệu quả để giảm thiểu biến đổi xấu trong môi trường nước, ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh trong ao nuôi. Thêm vào đó, việc lựa chọn giống tôm đã được kiểm dịch đầy đủ, định kỳ kiểm tra nước và mẫu tôm để xử lý phù hợp, hạn chế sử dụng kháng sinh là điều ông Quốc đề cập.

Ông Quốc cũng khuyến cáo người nuôi tôm cần liên hệ với các cơ quan chuyên môn địa phương để được hướng dẫn về việc đăng ký, cấp mã số khu vực nuôi, nhằm đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc và tăng giá trị nguồn tôm nguyên liệu.

Trà Vinh đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể với lĩnh vực nuôi tôm, từ giá cả đột ngột giảm sút đến dịch bệnh gia tăng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và chỉ đạo từ điạ phương, sự chuyển đổi hướng nuôi và tăng cường quản lý môi trường, ngành nuôi tôm có thể tìm thấy lối đi để vượt qua những khó khăn và đảm bảo sự bền vững trong tương lai.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất