| Hotline: 0983.970.780

Cam đỏ Cara Cara trồng thành công ở Việt Nam

Thứ Hai 13/04/2009 , 16:45 (GMT+7)

Cam Cara Cara vỏ màu vàng sáng rất bắt mắt, nó có đỉnh lõm nên nhìn bề ngoài không thể lẫn với giống cam khác. Đặc biệt ruột màu đỏ thẫm đặc trưng giàu chất lycopene rất quý cho cơ thể, được xem là một trong những chất chống ung thư và phù hợp cho những người ăn kiêng.

Giống cam Cara Cara ruột đỏ nổi bật bên cạnh các giống cam không hạt khác.

Cuối giờ làm việc ngày cuối tuần, Tổng Biên tập gọi tôi lên phòng ông giới thiệu một vị khách: Đây là anh Mai Viết Phẩm, mới trong Lâm Đồng ra. Chỗ anh Phẩm đây đang trồng một loại cam ruột đỏ rất quý, cậu tìm hiểu viết bài giới thiệu giống mới này nhé.

Tôi ngước nhìn vị khách, một thanh niên trạc khoảng ba lăm tuổi, nụ cười tươi rất hiền. Anh nhã nhặn cầm một quả cam vàng óng và giới thiệu:

- Đây là giống cam ruột đỏ không hạt Cara Cara mà ba tôi dày công đưa từ Úc về Việt Nam gây trồng từ 8 năm trước, nay hơn 10 ha cam đó đã trưởng thành cho quả đồng loạt, lần ra Hà Nội này tiện thể mang một ít biếu bạn bè thưởng thức.

Anh Phẩm bổ cam. Thật kỳ diệu, ruột cam màu đỏ thẫm rất bắt mắt, nó từa tựa màu gấc chín pha màu cà rốt, lại không hề có hạt. Anh Phẩm tiếp tục giới thiệu:

“Cam Cara Cara trưởng thành phải mất từ 8 - 10 năm mới cho năng suất trọn vẹn: 50 tấn/ha. Năng suất bình quân ở Đức Trọng theo thứ tự 32, 35, 37, 40 tấn/ha cho từng độ tuổi cây 3, 4, 5, 6. Khác với tính ít chịu được ẩm độ cao khi trồng ở Sydney, thử nghiệm trồng ở Đức Trọng cam Cara Cara vẫn chịu đựng tốt với môi trường ẩm độ cao. Hiện chỉ thấy sâu bệnh của cây là sâu vẽ bùa nhưng tỷ lệ nhiễm rất thấp”.

- Giống cam này có thể nói duy nhất trên thế giới có được phẩm màu lycopene đặc trưng. Đây là thành quả 30 năm của ba tôi - vốn là một kỹ sư thực nghiệm của Đại học Nông nghiệp Tây Sydney, Úc và bác sỹ Graeme Richards (một nhà nuôi trồng thực vật học của Đại học Hawkesbury, miền tây Sydney) lai tích lũy mà có được. Xuất xứ là cam không hạt Navel của vùng Valencia, nước Venezuela (còn gọi cam Valencia). Giống du nhập vào Mỹ khoảng năm 1987, gọi là cam đỉnh lõm Washington, sau đó tiếp tục du nhập sang Úc, được lai tạo, chọn và duy trì cá thể biến dị với ruột đỏ thẫm có một không hai, đặt tên Cara Cara. Sau này, ba tôi - kỹ sư Mai Viết Phương đã cất công đem về gây trồng tại Đức Trọng, Lâm Đồng, Việt Nam.

Mới nhìn qua đã biết ngay giống cam quý. Cam Cara Cara vỏ màu vàng sáng rất bắt mắt, nó có đỉnh lõm nên nhìn bề ngoài không thể lẫn với giống cam khác. Đặc biệt ruột màu đỏ thẫm đặc trưng giàu chất lycopene rất quý cho cơ thể, được xem là một trong những chất chống ung thư và phù hợp cho những người ăn kiêng. Trong lai tạo giống các nhà khoa học ngày càng đưa ra những điều kỳ thú đến không ngờ. Ở Đài Loan người ta tạo ra gạo 7 màu, không những ngon về chất mà còn bổ về… mắt; Trung Quốc cũng đang tiến hành nhân rộng trong sản xuất loại bắp cải nhiều màu sắc giàu carotene (tiền vitaminA) và khoáng chất… Nay chúng ta có được giống cam đỏ giàu lycopene, đáng quý nhường nào.

Cây cam Cara Cara 5 năm tuổi sai trĩu quả.

Kỹ sư Mai Viết Phương quê ở Long Xuyên, An Giang. Năm 1960 ông lên học đại học tại Sài Gòn, sau đó sang Úc du học và định cư ở đó. Như đã nói ông là kỹ sư thực nghiệm của Đại học Nông nghiệp Tây Sydney. Đến tuổi nghỉ hưu ông đã dành rất nhiều công sức, tiền của để đưa những giống cây trồng tốt về sản xuất tại Việt Nam, và trang trại tại Đức Trọng chính là “vườn thực nghiệm” đúng như tâm nguyện của ông khi ở xứ người.

Anh Phẩm nói:

- Đến bây giờ để có hơn hai mươi héc ta cây ăn quả ở trại Đức Trọng, ba tôi đã phải đầu tư vài triệu USD vào đấy, từ nhập giống, san ủi xây dựng trang trại, xây dựng hệ thống tưới tiêu, vườn ươm, nhà kín, thuê nhân công… Sản phẩm chưa thu được nhiều, coi như chỉ mới bắt đầu thôi. Nhưng bây giờ có chút ít thành công rồi, cây cam đỏ Cara Cara phát triển khá tốt, ba tôi vui lắm; ngoài ra còn chanh không hạt, quýt không hạt, các giống cam, xoài ông đưa từ Úc sang đều rất có triển vọng. Cây cam Cara Cara phải 8 năm sau trồng mới trưởng thành, tuổi thọ kéo dài tới 40 - 50 năm, là giống năng suất cao 40 - 50 tấn/ha, trái chín đều quanh năm rất dễ bán, nhất là cung cấp cho các siêu thị vì vậy chuyện thu hồi vốn không khó lắm. Điều ba tôi vui và hạnh phúc hơn là góp thêm giống mới cho đất nước, cho bà con nông dân cùng tham gia trồng loại cam này dưới sự hướng dẫn của ông.

Hiện tại, ngoài cam Cara Cara, Cty TNHH Phương Mai còn đang trồng thử nghiệm nhiều giống mới cho kết quả tốt đó là giống cam Navel, cam Navel chín sớm, cam Tangelo, chanh Tahiti (không hạt), quýt không hạt, xoài Bowen, xoài R2E2, vải Úc, na Úc, thông Pinus, bạch đàn Úc, chè, mía và gốc ghép các loại…
Tôi đem chuyện giống cam ruột đỏ giàu lycopene nói với GS Vũ Duy Giảng, nguyên Hiệu phó Đại học Nông nghiệp Hà Nội, người thời gian gần đây dành rất nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thực phẩm chức năng như gấc và các loại quả giàu màu sắc. Ông nói: Chúng ta có một thực phẩm rất quý là quả gấc giàu lycopene và carotene là những chất khử các gốc tự do trong cơ thể, được xem chống gây ung thư. Nhưng quả gấc con người dùng nó còn phải qua một số công đoạn chế biến chứ nếu là cam giàu lycopene thì vô cùng quý, vì dùng rất tiện, vừa bổ vừa ngon, có thể xem đây là thực phẩm chức năng hiếm có.

Hiện tại cam Cara Cara của Cty THHH Phương Mai (do kỹ sư Mai Viết Phương làm giám đốc) cung cấp cho các siêu thị tại TP.HCM và Đà Lạt chỉ khoảng 20.000 đ/kg, một mức giá vừa phải. Nhưng với giá bán đó, đầu tư trồng cam Cara Cara đã có hiệu quả khá cao. Tính toán chỉ cần năng suất quả bình quân 30 tấn/ha thì trồng giống cam đỏ này đã có doanh thu hàng năm 600 triệu đồng/ha. Cái hay là giống cam tuổi thọ rất cao, đến 50 năm, nên chắc chắn về sau thu nhập ròng càng lớn vì năng suất cam đạt đỉnh khi cây giai đoạn 15 - 30 năm tuổi.

Theo đề nghị của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, mới đây, KS Mai Viết Phương - GĐ Cty TNHH Phương Mai sẽ tiến hành du nhập giống cây Mắc ca chất lượng cao tại nguyên sản đất nước Australia về khảo nghiệm tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để chúng ta thu thập nhiều dòng Mắc ca hơn nữa cho sản xuất.

Anh Phẩm nói:

- Khi về nước, ba tôi tìm hiểu và rất buồn khi biết tuổi thọ nhiều loại cây có múi của Việt Nam mình rất thấp, nhiều vườn cam vùng ĐBSCL chỉ mới 6 - 7 năm tuổi đã bị sâu bệnh, nhất là bệnh vàng lá gân xanh tàn phá phải chặt bỏ làm dân chán nản không dám đầu tư. Trong trồng trọt, sự chống chịu của giống là điều tối quan trọng. Chúng tôi đảm bảo các mắt ghép cam Cara Cara nhập từ Úc có tính kháng sâu bệnh rất cao, đảm bảo tuổi thọ cây 40 - 50 năm.

Qua câu chuyện anh Phẩm làm chúng tôi hết sức suy nghĩ. Thực trạng là những vùng cây ăn quả có múi không riêng gì ĐBSCL mà khắp cả nước nhiều nơi bị sâu bệnh tàn phá không gượng dậy nổi. Chắc chắn chúng ta sẽ không lấy đâu ra những vườn cam quýt có tuổi thọ 50 năm hoặc hơn thế, nếu vẫn cách chọn giống ăn xổi. Vì không ít người sẵn sàng lấy giống du nhập nước ngoài, nhân đến thế hệ F2 rồi thay tên, làm thủ tục công nhận giống mới. Những giống như thế rất khó nói có thể làm lợi cho sản xuất.

Bạn đọc quan tâm đến giống cam Cara Cara và các giống ăn quả khác có thể liên lạc đến công ty theo địa chỉ:

Cty THHH Phương Mai: 220/17 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP.HCM; ĐT: 0838445396.

Vườn thực nghiệm cam Cara Cara: Xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; liên hệ kỹ sư Mai Viết Phương, ĐT: 0916507777.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm