| Hotline: 0983.970.780

Cảm phục một thầy giáo đổi mạng cứu người

Thứ Hai 10/04/2017 , 14:30 (GMT+7)

Một dải biên cương mây mờ bao phủ. Một tấm lòng vì cột mốc sắt son. Một thầy giáo đổi mạng cứu người. Một tộc người nói tiếng không ai hiểu. Một thú chơi “bò tót” độc đáo lưng chừng trời… NNVN xin giới thiệu loạt phóng sự về con người, sự vật... vùng đất này.

Người bắc thang chữ lên trời

Khi tôi ngồi bên máy tính để gõ những dòng chữ này đã tròn một tháng, thầy Mông Văn Nguyễn về với cỏ cây, mây trắng. Cứ nhắm mắt là tôi lại hình dung ra cái buồng cá nhân thưng bằng ván, nhỏ như cái chuồng trâu tựa vào đỉnh Lũng Mần. Ở nơi đó tối tối thầy ngồi với cái bóng của mình bên ngọn đèn dầu leo lét khói soạn từng trang giáo án.

14-08-18_dsc_3468
Thầy Nguyễn (ngoài cùng bên phải) đang hỏi thăm cuộc sống của người dân Lũng Mần

Cứ nhắm mắt là tôi lại hình dung ra tiếng mõ mỗi sớm thầy khua thay tiếng trống trường giục học sinh đến lớp. Cứ nhắm mắt là tôi lại hình dung ra cảnh thầy đến từng nhà hết hỏi chuyện học hành cho con trẻ là hỏi đến chuyện cây ngô trên nương giờ đã ra mấy lá, con lợn trong chuồng có bệnh tật gì không, chuyện uống thuốc hay dùng bao đều đặn để sinh đẻ có kế hoạch.

Cứ nhắm mắt lại là tôi lại hình dung về cái xe máy phủ đầy bụi. Chiếc xe của một thầy giáo trẻ bỏ lại Lũng Mần sau khi thử lên đây dạy học còn chủ nhân của nó thì nghe nói đang ở một bãi đào vàng nào đó mong tìm kiếm một vận may…

Xóm Lũng Mần (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm) là điểm trường tột cùng gian khó của Cao Bằng. Từ đồn biên phòng Cốc Pàng lên được đây thực sự là một cuộc đọa đày thân xác, là một cuộc thử thách về lòng dũng cảm. Ngồi sau xe máy của thầy, luồn lách giữa một bên là vách núi, một bên là con sông Nho Quế mảnh như một sợi chỉ có lúc tôi cũng cảm thấy yếu lòng, chợt nghĩ đến sự sống cái chết.

Rốt cuộc sau chặng đường ngót 20km chúng tôi cũng đến được điểm trường, nơi có mấy gian phòng thấp tè vây bằng ván gỗ. Thứ đáng giá nhất là mấy thùng nhựa cũ mèm, bên trong nước cạn gần tới đáy, đầy loăng quăng. Trong căn bếp đen ám bồ hóng là cái kiềng ba chân đã gãy một nhưng thầy vẫn tự hào đề trước cửa: “Phòng ăn” hay đề trước cửa buồng mình “Phòng nghỉ bình dân”.

Trường chỉ có hai giáo viên, một trẻ tuổi, chưa vợ là thầy Cao một trung tuổi có gia đình và mẹ già nặng gánh là thầy Nguyễn. Mỗi tháng thầy Nguyễn về thăm quê một lần trên hành trình ngót 100km, đi mất một buổi, về mất một buổi, chỉ để ngủ ở nhà một ngày. Tiễn thầy là những giọt nước mắt lặng thầm của người vợ trẻ, là tiếng khúng khoắng ho của mẹ già đau yếu, là ánh mắt rượi buồn của lũ con thơ…

Tuy không phải là người Mông nhưng thầy Nguyễn rất giỏi tiếng Mông. Bởi thế, năm 1997, thầy được điều lên dạy học ở Chè Lì - một bản Mông bám lưng chừng núi đá. Cũng cùng một xã mà nhiều người ở Đức Hạnh chưa bao giờ đặt chân lên nổi Lũng Mần - nơi cao chạm mây trời. Đó là một thế giới khép kín mà người ở trên muốn xuống hay ở dưới muốn lên phải vạch cây rừng, đu dây leo như khỉ, như vượn.

Về sau dân bản nghĩ ra cách bắc bốn cái thang để vượt chỗ vách đá trước vẫn phải đu dây leo. Những cái thang gặp mưa trơn còn hơn cả đổ mỡ. Một giáo viên ở Chè Lì được phân công lên đây lập trường nhưng lại không biết tiếng Mông nên thầy Nguyễn đã tình nguyện xung phong.

Lúc đó, 74 hộ dân Lũng Mần còn sống trong những căn nhà mái lợp tranh, vách quây bằng thân ngô khô, ngủ trên những cái ổ trải bằng lá ngô khô. Một năm đói ăn trung bình 6 tháng, phải vào rừng chặt cây móc giã ra lọc lấy bột mà hấp lên thay mèn mén. Một năm khát 5-6 tháng đến mức mỗi ngày phải cử một lao động đeo can nước 20 lít bò xuống dòng Nho Quế cách đó cả chục cây số để lấy. Nước rửa mặt rồi dùng để rửa rau, rửa rau rồi dùng để cho bò uống.

14-08-18_dsc_3472
Khi tôi ngồi bên máy tính để gõ những dòng chữ này đã tròn một tháng, thầy Mông Văn Nguyễn về với cỏ cây, mây trắng

Thương dân bản phải leo thang, thầy xin bộ đội mìn về phá đá, mở đường. Thương dân bản đói nghèo, thầy dạy họ cách trồng ngô lai lại còn dạy cách lấy xi măng xây lên thành vách quanh những hốc đá cho những giọt nước mưa biết ở lại. Thương lũ trẻ phải góp nước nuôi mình, mỗi lần xuống dưới xã giao ban thầy thủ gùi quần áo bẩn theo để giặt, họp hành xong thì quần áo cũng vừa ráo.

Những nhà nghèo nhất, thầy trích tiền lương mua lợn về cho. Khi lợn đẻ mỗi đàn dân trả lại cho thầy một nái để lại đem cho nhà khác nuôi quay vòng. Lúc nhiều nhất, “ngân hàng lợn” của thầy có 12 con, đủ sức xoay vòng cung ứng giống cho cả bản.

Mở đường qua núi đá tai mèo đã khó, mở đường cho con chữ bò lên bản còn khó hơn. Thủa ban đầu, hễ thấy bóng thầy đến nhà vận động học là trẻ con vội bỏ trốn. Nhiều đứa chậm chân, không chạy được bị thầy “túm” được cứ giãy nảy lên mà khóc. Thầy dỗ dành, hỏi tại sao không thích học. Chúng hồn nhiên hỏi học để làm gì?

Thầy bảo học để làm cán bộ thì chúng lại hỏi đi học sau này có làm được trưởng xóm, công an xóm không? Thầy gật đầu, vậy là chúng mừng vui ra mặt. Lứa đầu tiên đi học khi đã nhâng nhâng 12, 13 tuổi, học đến lớp 2, lớp 3 là đòi ở nhà lấy vợ, lấy chồng. Lúc này không thể lấy địa vị trưởng xóm hay công an xóm ra dỗ nữa mà thầy phải phân tích học để biết cách trồng trọt sao cho bắp ngô thêm to, con lợn, con bò nuôi thêm lớn.
 

Cái chết của một người hùng

Học sinh vận không đủ còn phải phụ huynh vận. Thầy dạy họ cách uống thuốc tránh thai từ ngày nào của chu kỳ, cách dùng bao cao su ra sao chứ không phải để cho trẻ con thổi bóng. Mỗi lần xuống xã họp, cái cặp của thầy lại căng phồng, ngoài tài liệu là bao cao su, là thuốc tránh thai của cả bản.

Có đợt dịch tả chết mất mấy người, dân tưởng ma làm, mỗi nhà đều cắm lá trước cửa cấm người lạ. Cán bộ y tế huyện, xã lên vận động dân bỏ thói quen uống nước lã, ăn đồ sống họ không nghe, phát cho thuốc họ vứt đi không chịu uống. Chỉ đến khi nhờ thầy Nguyễn vận động thì mọi việc mới xuôi.

Năm 2009, Sần Thị Dí bị lừa sang Trung Quốc, bán đến lần thứ ba thì được công an giải thoát, đẩy về phía Việt Nam. Dí không biết bên nào là đất lạ, bên nào là đất quen cứ định chạy ngược về Trung Quốc. Có người báo cho thầy liền tất tả bắt xe xuống Lạng Sơn đón Dí về trả cho gia đình.

Năm 2010, Sình Mí Nủ lừa mấy phụ nữ đem đi bán. Một buổi, thầy Nguyễn nhận được tin dân báo Nủ ở Dĩnh Phù (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), sang đến nơi nó đã lẩn ra Lũng Chu. Không để cho Nủ có thêm cơ hội gây tội ác, một mặt thầy mời Nủ đi uống rượu để cầm chân một mặt cho người mật báo với biên phòng. Dù bị chính người mời rượu lập kế vây bắt nhưng Nủ chỉ một mực xin ngồi sau xe máy của thầy Nguyễn để về đồn.

14-08-18_dsc_7751
Đi cày vùng biên viễn

Hễ có việc gì khó là dân bản lại nhờ thầy Nguyễn giúp, từ xô xát, đánh nhau, trộm cắp đến cả việc… đỡ đẻ anh cũng không nề hà. Ngày 6/3/2017, một cặp vợ chồng người Mông từ Mèo Vạc sang Đức Hạnh kiếm củi, bất ngờ gặp thủy điện Nho Quế xả nước chặn lối về. Con nước réo to như cả đàn trâu mộng đã giữ họ lại từ sáng sớm đến chiều tối. Phần vì đói rét, phần vì sợ hãi họ liền cầu cứu thầy Nguyễn.

Thầy cùng họ lấy dây thừng buộc vào hai bên bờ sông rồi treo một cái can nhựa làm phao để kéo. Không ngờ đến giữa dòng, dây thừng đứt, nước cuốn đi cả cặp. Dù bị va đập mạnh nhưng người chồng vẫn cố bơi nên thoát nạn. Chỉ có người vợ là chới với giữa dòng. Không chần chừ, thầy Nguyễn băng đến. Sóng gió vô tình đã cướp đi sinh mạng của thầy lẫn chị phụ nữ.

Để giờ đây, đồng nghiệp cùng bà con bản Mông tiễn thầy về an táng ở quê hương. Đối với họ, thầy mãi mãi không chết. Thầy chỉ hóa thân thành mây trắng, thành cỏ xanh để ở lại mãi với đại ngàn.

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Lai Châu giảm diện tích trồng hoa hồng vì lo ngại ô nhiễm nguồn nước

Diện tích trồng hoa hồng gần địa bàn thành phố Lai Châu đã giảm mạnh sau khi chính quyền địa phương siết chặt quản lý.