| Hotline: 0983.970.780

Cam sành Hàm Yên khó tiêu thụ

Thứ Tư 25/11/2020 , 07:45 (GMT+7)

Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) đang phải đối diện với việc tiêu thụ gặp khó khăn. Giá thu mua thấp khiến nhiều nhà vườn trồng cam ở Hàm Yên gần không có lãi.

Giá cam xuống thấp khiến nhiều nhà vườn trồng cam ở Hàm Yên gần như không có lãi. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Giá cam xuống thấp khiến nhiều nhà vườn trồng cam ở Hàm Yên gần như không có lãi. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đến nay, toàn huyện Hàm Yên có hơn 7.200 ha cam. Hai năm trở lại đây, cam sành Hàm Yên liên tục phải đối diện với thực trạng cam không được giá. Theo những người trồng cam ở Hàm Yên, riêng vụ năm nay với những vườn quả cam mã đẹp, mọng nước sẽ được giá 6.000 đến 7.000 đồng/kg. Nếu với giá này, tuy lợi nhuận/ha không cao như trước nhưng vẫn có lãi.

Thế nhưng nhiều vườn cam có chất lượng thấp hơn thì giá chỉ từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Cá biệt có những hộ phải bán giá 2.000 đồng/kg. Nếu như vậy trừ chi phí đầu tư chăm sóc, thuê người thu mua, người trồng gần như không có lãi, thậm chí còn lỗ vốn.

Ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, hiện xã có hơn 500 ha cam, trong đó diện tích cam sành là 399 ha, diện tích cho thu hoạch hơn 200 ha. Đến nay cam sành trên địa bàn xã chuẩn bị vào vụ thu hoạch rộ. Nhưng cam chanh, cam Vinh đầu vụ giá khá thấp, chỉ được 5.000 đến 6.000 đồng/kg, thời điểm này là 7.000 đồng/kg. Theo dự báo thị trường năm nay thì giá cam sành có thể thấp hơn vụ trước từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg.

Gia đình ông Nguyễn Văn Minh, thôn 6 Thống Nhất, xã Yên Phú trồng 0,8 ha cam Vinh, cam chanh và cam sành. Năm nay không được giá, cam chanh, cam Vinh giá chỉ đạt 5.000 đồng/kg trong khi cùng thời điểm này năm ngoái giá 8.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình để cả trăm tấn trên vườn chưa tiêu thụ được. Với cam sành mã đẹp được 7.000 đồng/kg, mã xấu hơn chỉ đạt giá 5.000 đồng/kg. Ông Minh cho biết, cùng diện tích này 5 năm về trước ông thu về hơn 100 triệu đồng nhưng năm nay chỉ được 25 triệu cả gốc lẫn lãi.

Không muốn bán cam đầu vụ bởi giá xuống thấp, những vụ trước, nhiều nhà vườn đã không bán vội mà để lại trên cây hi vọng đến cuối năm cam được giá mới bán. Tuy nhiên giải pháp này cũng nhiều rủi ro. Nhớ lại vụ cam năm 2019, toàn huyện Hàm Yên đã có hàng chục tấn cam cuối vụ đồng loạt bị rụng do thời tiết cực đoan.

Gỡ khó khăn cho thực trạng của cam sành Hàm Yên, những năm gần đây ngành NN-PTNT Tuyên Quang đã khuyến khích người nông dân trồng thêm các giống cây có múi khác như quýt đường canh, cam Cao Phong, cam V2; trồng cây ăn quả như táo đại, thanh long… Việc đa dạng hóa giống cây trồng nhằm giảm áp lực về tiêu thụ cho sản phẩm cam sành, nhất là vào giai đoạn thu hoạch rộ. Đây cũng là cách để tỉnh giúp người nông dân thử nghiệm các giống cây ăn quả khác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế/ha cây trồng.

Cùng với diện tích gia tăng thì ảnh hưởng của Covid-19 và lũ lụt ở miền Trung cũng khiến cam sành Hàm Yên càng khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cùng với diện tích gia tăng thì ảnh hưởng của Covid-19 và lũ lụt ở miền Trung cũng khiến cam sành Hàm Yên càng khó khăn trong khâu tiêu thụ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Sở NN-PTNT Tuyên Quang cũng đã phối hợp với UBND huyện Hàm Yên, Sở Công thương đưa sản phẩm cam Hàm Yên tham gia trưng bày, giới thiệu ở 4 hội chợ thương mại, hàng nông nghiệp, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Một vấn đề nữa mà ngành nông nghiệp Tuyên Quang đưa ra nhằm giải bài toán về áp lực tiêu thụ cho sản phẩm cam sành Hàm Yên đó là xây dựng mô hình cam VietGAP, cam hữu cơ chuyển đổi. Đến nay toàn tỉnh có 772 ha cam đạt chuẩn VietGAP, 30 ha đạt chuẩn hữu cơ chuyển đổi. Tháng 10 vừa qua, vùng cam sành Hàm Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ ký quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên, đến nay diện tích cam của huyện cho thu hoạch là hơn 5.000 ha/7.200 ha. Dự kiến đến năm 2022 sẽ đạt ngưỡng 100% diện tích sẽ cho thu hoạch, nếu không có chính sách hoạch định tốt, thì câu chuyện mất giá có thể sẽ lặp lại trong những năm tiếp theo.

Một thách thức nữa mà mà cây cam sành Hàm Yên đang phải đối diện đó là đã có một số địa phương xảy ra tình trạng cam bị chết, với diện tích lên đến 200 ha. Nguyên nhân do cam già cỗi và một phần do bị bệnh vàng lá, thối rễ.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên cho biết, bên cạnh nguyên nhân cam mở rộng diện tích thì năm nay người trồng cam gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiếp đến là tình hình mưa lũ tại miền Trung kéo dài khiến việc vận chuyển, tiêu thụ vào thị trường miền Trung và miền Nam cũng gặp khó khăn. Vụ năm nay, toàn huyện ước đạt sản lượng khoảng 85.000 tấn cam, từ đầu vụ đến nay huyện ước tiêu thụ đạt 10% tổng sản lượng.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.