Cá chép giòn tại Lào Cai hiện có giá 130.000-160.000 đồng/kg, trong khi loại cá chép thông thường chỉ 45.000 đồng/kg. Theo tính toán sơ bộ, nuôi cá chép giòn lợi nhuận tăng 1,5-2 lần so với nuôi cá rô, cá trắm, cá chép... trên cùng một diện tích nước mặt.
Theo ông Phùng Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai), trước khi thí điểm, thị trấn đã tổ chức cho bà con nông dân đi học tập kinh nghiệm, tham quan mô hình nuôi cá chép giòn ở Hưng Yên, Hải Dương. Tuy nhiên, hai tỉnh này, người dân nuôi cá bằng lồng bè nên không phù hợp điều kiện tự nhiên của thị trấn.
Trong khi tại Thường Tín (Hà Nội), nhiều hộ đã nuôi thành công cá chép giòn trong ao đất. So với Thường Tín, ở Phong Hải thuận lợi hơn khi nguồn nước các ao được lấy từ khe, nước chảy tự nhiên rất sạch, không phải sử dụng bơm đẩy.
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình này, thị trấn Nông trường Phong Hải đã đề nghị huyện Bảo Thắng hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá chép giòn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Qua vận động, hai hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư, tham gia làm thí điểm và được duy trì cho đến nay.
Gia đình bà Khổng Thị Giang ở thôn 5, thị trấn Nông trường Phong Hải nuôi cá chép thương phẩm được hơn 5 năm nay. Song gần đây đã chuyển một phần sang nuôi cá chép giòn.
"Cá chép giòn là cá sạch nên bán được giá cao, chất lượng thịt thơm ngon hơn. Ngoài đỗ ra, cá chép giòn không ăn gì khác nên ít dịch bệnh. Sau 8 tháng nuôi từ phôi (khoảng 2kg) cá mới được thu hoạch (trọng lượng 2,5-3kg). Xuất bán dần từ tháng 10 đến Tết", bà Khổng Thị Giang nói.
Tuy nhiên, theo chủ nuôi này, thức ăn cho cá chép giòn chủ yếu phải nhập khẩu, chưa thể tự sản xuất. Trước khi cho cá chép giòn ăn, đỗ phải được mang ngâm từ 24-36h.
Hiện nay, gia đình bà nuôi khoảng 10 tấn cá chép giòn trên 4 ao, ước tính thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau khi, trừ chi phí, công chăm sóc, thức ăn cho cá gia đình bà có thể thu lợi nhuận 400-500 trăm triệu đồng...
Tại tổ dân phố 2, gia đình ông Phạm Đức Công có trên 1ha nước mặt, trong đó 0,2ha được thả cá chép giòn. Từ khoảnh ao này, gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm ốc nhồi, gà và trồng cây lấy gỗ để đa dạng các nguồn thu.
Số lượng cá chép thương phẩm và cá chép giòn do người dân thị trấn nuôi khá lớn nên tại địa phương một số bà con vừa nuôi, vừa kiêm thêm nghề thu mua cá. Các loại cá của hộ nuôi được thu mua tận nơi và vận chuyển, bán tại nhiều tỉnh thành như Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu...
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Hợp ở thôn Khởi Khe của thị trấn cùng 15 hộ dân khác còn thành lập Hợp tác xã kinh doanh và sản xuất thủy sản Phong Hải để tiêu thụ cá cho bà con trên địa bàn, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, chọn giống cá, phương pháp nuôi để người dân học hỏi, mạnh dạn mở rộng diện tích ao, gia tăng sản lượng, cùng nhau làm giàu.
Theo ông Phùng Ngọc Hoàng, đối với cá chép giòn nuôi trong môi trường sạch, ăn thức ăn sạch nên cơ bản miễn nhiễm với các loại dịch bệnh thủy sản phổ hiến các loài cá hay mắc phải.
"Khi phát triển diện tích nuôi cá, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN-PTNT huyện Bảo Thắng tuyên truyền, mở các lớp dạy nghề. Qua đó, giúp người dân nắm bắt được cách nuôi, chăm sóc và các loại bệnh trên thủy sản, đồng thời cung cấp thông tin những sản phẩm thức ăn chăn nuôi, chế phẩm vi sinh phòng trừ dịch bệnh và môi trường để người dân tìm hiểm", Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải cho hay.
UBND thị trấn Nông trường Phong Hải chỉ đạo người dân thực hiện gia cố bờ, mương phai, phòng tránh mưa lũ gây thiệt hại, chăm sóc tốt các loại cá, thu hoạch cá đạt tiêu chuẩn thương phẩm, phấn đấu sản lượng thu hoạch hết năm đạt trên 1.141 tấn. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi bám sát quy trình chăn thả, hạn chế bệnh kênh mang, phòng rộp da, mỏ neo... trên cá.