| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ thiếu năng động, ngại trách nhiệm buộc phải bước ra khỏi hệ thống

Thứ Năm 18/05/2023 , 21:15 (GMT+7)

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, với 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù ở Nghị quyết mới giúp TP.HCM tháo gỡ nhiều vướng mắc về thể chế, tạo động lực lớn để phát triển.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin tại buổi họp báo thông tin về Nghị quyết mới. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin tại buổi họp báo thông tin về Nghị quyết mới. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tính cấp thiết của Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54

Chiều 18/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp báo liên quan đề xuất Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo ông Phan Văn Mãi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về nguyên tắc đưa vào kỳ họp thứ 5 với điều kiện hoàn thiện hồ sơ và đảm bảo dự thảo nội dung. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Bộ KH-ĐT, TP.HCM và các bộ ngành. Tuy nhiên, TP.HCM cũng tiếp tục trình Nghị Quyết cho Quốc hội thảo luận và thông qua thì phải đảm bảo trình tự, thủ tục, chất lượng hồ sơ", ông Mãi nhận định.

Cũng theo ông Mãi, hiện nay TP.HCM đang khẩn trương ngày đêm phối hợp với Bộ KH-ĐT, các bộ ngành Trung ương để chuẩn bị. Đến sáng nay (18/5), TP.HCM đã hoàn thiện và gửi bộ hồ sơ cho Quốc hội.

Nói về tính cần thiết của Nghị quyết mới đối với sự phát triển của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, TP.HCM tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo;

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao.

Việc chậm triển khai các nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như: nguyên nhân do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, TP.HCM dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm TP.HCM chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên thực tế TP.HCM không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết.

Vì vậy, việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết.

Buổi họp báo với sự tham dự của nhiều sở ngành. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Buổi họp báo với sự tham dự của nhiều sở ngành. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội

Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin thêm, điểm khác cơ bản của dự thảo Nghị quyết mới so với Nghị quyết 54 trước đây là mục tiêu hướng tới. Thay vì tập trung cho các cơ chế, chính sách tạo nguồn thu như Nghị quyết 54 thì Nghị quyết mới của TP.HCM tập trung nhiều hơn cho các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới.

Từ đó, dòng đầu tư vào TP.HCM sẽ nhanh hơn, giúp địa phương có điều kiện thí điểm các cơ chế, hình thức đầu tư mới và ưu đãi cho các nhà đầu tư xã hội chiến lược.

"Nếu làm tốt việc đầu tư xã hội, thành phố sẽ đạt được cả trăm tỷ từ nguồn này", ông Mãi nói. 

Cũng theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 gồm 43 nội dung cơ chế, chính sách, chia làm 4 nhóm: nhóm 1, là các cơ chế, chính sách đã có trong Nghị quyết 54; nhóm 2, là cơ chế, chính sách đặc thù được quy định cho các địa phương khác; nhóm 3, là cơ chế, chính sách đặc thù có trong các dự thảo luật sẽ sửa đổi thời gian tới; nhóm 4, là các cơ chế, chính sách mới, chưa được quy định.

Ông Mãi cho rằng, với 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này, thành phố sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về thể chế và chắc chắn tạo được động lực lớn để phát triển. Đặc biệt, nghị quyết mới sẽ giúp TPHCM phân cấp, ủy quyền kịp thời, chủ động hơn, tháo được "chiếc áo cơ chế" để TP Thủ Đức phát triển.

"Nếu hỏi một Nghị quyết, một luật có tháo gỡ hết vướng mắc, khó khăn hay không, khơi thông hết mọi động lực hay không, tôi e là không. Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, chúng ta cần thêm các văn bản pháp luật khác để giải quyết các vấn đề thực tiễn, kể cả vướng mắc lẫn nhu cầu phát triển", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Một bộ phận cán bộ, công chức e dè, ngại trách nhiệm, nhưng không phải tất cả

Liên quan đến câu hỏi, Nghị quyết thay thế mới có cơ chế chính sách khuyến khích cán bộ, công chức TP.HCM trong bối cảnh, một số bộ phận cán bộ, công chức e dè, ngại trách nhiệm, ông Mãi cho rằng, hiện nay có một bộ phận cán bộ còn e dè, thiếu sự năng động, ngại trách nhiệm nhưng đó không phải là tất cả hệ thống. TP.HCM đã và đang có nhiều biện pháp để động viên cán bộ, công chức, từ công tác tư tưởng chính trị; các chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập; đến các biện pháp phê bình, nhắc nhở, kỷ luật…

"UBND TP.HCM có rà soát lại, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, công chức. Tôi tin rằng trước những thách thức lớn, chúng ta sẽ nỗ lực để phấn đấu vượt qua, từ đó cùng chung tay đưa thành phố phát triển.

Đông đảo cán bộ, công viên chức và người dân TP.HCM vẫn đang trong tâm thế đó. Với những cán bộ thiếu năng động, ngại trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, có biện pháp hỗ trợ để thay đổi hoặc buộc phải bước ra khỏi hệ thống", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.