| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ thủy nông ‘mắc cạn’ [Bài 2]: Đời sống bấp bênh

Thứ Sáu 05/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đời sống thủy nông viên vất vả, công trình thủy lợi xuống cấp, nhiều khó khăn đang bủa vây những người ngày đêm dẫn nước, tiêu úng cho bà con.

Làm nhiều nghề để lo cuộc sống

Thu nhập thấp, khó đảm bảo được chất lượng cuộc sống nên việc "chung thủy" với công tác thủy lợi là điều mà rất ít thủy nông viên có thể làm được. Thậm chí, với nhiều người, thủy nông không phải là nguồn thu nhập chính, họ phải tăng gia sản xuất ở những lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt khác.

Ông Nguyễn Văn Khang (Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ môi trường tổng hợp Bạch Lưu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) cho biết: “Nhìn chung thì anh em trong tổ ai cũng phải làm thêm công việc ngoài. Người thì làm thợ xây, người thì nuôi lợn…”.

Đây là tình trạng chung của đại bộ phận cán bộ thủy nông trên địa bàn. Thủy nông là công việc chính nhưng chỉ mang lại thu nhập phụ. Ông La Văn Nghĩa (63 tuổi, Hải Lựu, huyện Sông Lô) là một thủy nông viên trên địa bàn và ông cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Ông Nghĩa nuôi thêm lợn để đảm bảo kinh tế của gia đình. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Nghĩa nuôi thêm lợn để đảm bảo kinh tế của gia đình. Ảnh: Hùng Khang.

Mức lương 1,8 triệu đồng cho 10-12 ngày công/tháng là không đủ để ông Nghĩa có thể chi trả sinh hoạt phí hàng tháng. Vì vậy, ông Nghĩa đã nuôi thêm lợn, trồng thêm thanh long, canh tác thêm lạc, lúa để đảm bảo được chất lượng cuộc sống của gia đình.

Ông Nghĩa cho biết: “Lúa có 4 sào được 6 tạ thì vừa ăn, vừa cho con cái thôi chứ không bán, 3 sào lạc thì được 1,5 tạ/vụ, lợn thì đến năm nay mới lãi được 16 triệu, còn năm ngoái cũng lỗ. Bây giờ đang còn 21 đầu lợn bột với 1 con lợn nái. Tính ra thì bèo lắm…”.

Công việc hàng ngày của ông Nghĩa là dẫn nước, tiêu thoát nước, tránh ngập úng, khơi thông dòng chảy… Tuổi đã cao nên ông Nghĩa chỉ có thể đảm bảo năng suất làm việc trong nửa ngày từ 6h30 – 9h30 sáng. Những ngày phải dẫn nước hay tiêu úng nước thì không tính ngày giờ, thậm chí thứ 7, chủ nhật ông Nghĩa cũng phải có mặt để đảm bảo chất lượng công việc. Hầu hết những thủy nông viên trong tổ đều là những người đã có tuổi như ông Nghĩa.

"Làm dâu trăm họ"

Thủy nông chỉ là công việc góp phần làm tăng thu nhập cho gia đình ông Nghĩa. Nó không mang lại hiệu quả kinh tế quá cao nhưng đây là công việc “vừa giúp mình vừa giúp dân”.

Sáng làm đồng, chiều về chăn nuôi là công việc thường ngày của những thủy nông viên. Mặc dù kinh tế không được đảm bảo nhưng công tác thủy lợi vẫn được những người như ông Nghĩa đặt lên hàng đầu.

Trong quá trình làm việc, không ít lần ông Nghĩa đã phải nhận những lời phàn nàn thậm chí trách móc từ phía người dân. Đây là điều khó tránh khỏi bởi để đảm bảo được chất lượng dòng chảy thì ông Nghĩa đành phải “chịu trận”.

Ông Nghĩa cho biết: “Nay vừa hót đất lên bờ ruộng vì nạo vét lòng mương. Thế nhưng không có hành lang đê, mưa xuống một cái là một nửa lại xô xuống mương, một nửa xô xuống ruộng. Người thì trách móc chúng tôi ngay giữa đồng, người thì than trách sau lưng…”.

Người dân bức xúc vì hệ thống thủy lợi nội đồng xuống cấp. Ảnh: Hùng Khang.

Người dân bức xúc vì hệ thống thủy lợi nội đồng xuống cấp. Ảnh: Hùng Khang.

“Đôi khi cũng rất chạnh lòng vì mình ở cái tuổi này rồi mà để tụi nhỏ nó nói thế này thế khác… Nhưng nghĩ lại thì đây là trách nhiệm, hướng dẫn cho người ta hiểu. Mình cũng chỉ phân tích thôi, người ta chưa hiểu rõ nên mới nói vậy, mình mà lại tự ái, hoặc cãi nhau với người ta thì lại dở…”, ông Nghĩa bộc bạch.  

Ông Khang cho biết: “Hợp tác xã thường xuyên tuyên truyền để bà con hiểu, giúp đỡ và chia sẻ những khó khăn đối với tổ thủy lợi. Bởi phải có sự phối hợp của bà con thì hiệu quả mới cao được…”. Tinh thần trách nhiệm với đồng ruộng là động để những cán bộ thủy nông quên đi ý nghĩ bỏ nghề trước áp lực công việc lớn, mức lương bèo bọt.

Xem thêm
AFoCO hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng quản lý rừng

AFoCO tích cực chuyển giao công nghệ và hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam, như hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý tài nguyên bền vững.

Bài học kinh nghiệm về quản trị các Vườn Quốc gia ở Hoa Kỳ

Một trong những cách tiếp cận đáng học hỏi, đó là bảo tồn không chỉ cho bảo tồn mà bảo tồn cho thụ hưởng của thế hệ hôm nay và mai sau.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Những vườn cây trái 'độc lạ' ở Đồng Nai

Nhiều du khách khi đến với lễ hội trái cây Long Khánh 2024 bất ngờ tận mắt chứng kiến những vườn cây 'độc lạ' và được thưởng thức nhiều loại trái đặc sản tại vườn.