| Hotline: 0983.970.780

Cần có những phút buồn nâng chúng ta lên

Thứ Sáu 08/12/2023 , 06:00 (GMT+7)

Trong hàng ngũ những anh hùng lưu danh và vô danh ấy, có nhà thơ Hải Như. Bởi ông đã gồng gánh vợ con lên chiến khu Việt Bắc theo Bác Hồ.

Tuyển tập kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hải Như.

Tuyển tập kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hải Như.

Tôi không làm thơ, càng không phải là người nghiên cứu, phê bình về thơ nên tôi không dám lạm bàn nhiều về thơ và những bài thơ của cụ Hải Như. Với tuổi tác của mình, tôi có may mắn được sống trải một phần đời khá dài cùng với nhà thơ và hôm nay tôi xin kể lại một khoảnh đời ấy, có thể phần nào giúp chúng ta hiểu được những bài thơ của Hải Như. Đặc biệt là những bài thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào những ngày mùa thu năm 1969 không quên ấy, tôi là một sỹ quan trẻ của Bộ Tư Lệnh Pháo mặt đất, cơ quan đóng tại Quần Ngựa, nơi Bệnh viện 354 hiện nay. Vào tối thứ 7 và Chủ nhật, chúng tôi được ngủ tại gia đình.

Khoảng 1 giờ đêm tối thứ Bảy hay Chủ Nhật, tôi không nhớ nữa, có anh chiến sỹ gõ cửa nhà tôi, giật giọng bảo tôi phải vào ngay cơ quan. Vừa qua cổng Bộ Tư Lệnh, nhận ra một không khí rất kỳ lạ: Tại các dãy nhà, giữa nửa đêm mà đèn bật sáng trưng, nhưng mọi người lặng lẽ đi lại, nét mặt ai cũng rất nghiêm trang, không ai nói với ai một lời nào. Câu hỏi chợt nẩy sinh trong đầu: Hay quân Mỹ và Sài Gòn đã vượt qua sông Bến Hải, tiến ra Miền Bắc? Hay Mỹ định dùng bom nguyên tử ném xuống Hà Nội, Hải Phòng để kết thúc chiến tranh?

Vài phút sau, cứ lặng lẽ như thế, mọi người tập trung lên Hội trường lớn. Tư lệnh trưởng báo tin: Bộ Tổng tư lệnh ban lệnh Báo động số 1 cho toàn quân; liền sau đó là tin Bác Hồ lâm bệnh nặng, khó lòng qua khỏi!

Ngày ấy tôi còn trẻ, vẫn sống và cảm nhận mọi điều qua lời ca “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Và lại là sỹ quan cấp thấp, không có điều kiện được thông báo mọi tình hình, nên ở thời điểm tháng 9/1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đất nước này, sự nghiệp chống Mỹ cứu nước ngàn cân treo sợ tóc là như thế nào, tôi chưa tường.

Thu Đông năm 1969, vẫn tiếp tục trong giai đoạn quân Mỹ và Sài Gòn phản công quyết liệt, sau đợt tấn công tết Mậu Thân của chúng ta. Ở khắp các chiến trường, Quân Giải phóng đã phải rút khỏi các vùng đất chiếm được để quay trở lại rừng. Tôi còn nhớ rõ, vào thời điểm ấy, có một vị tướng vừa là tư lệnh vừa là chính ủy mặt trận Thừa Thiên- Huế, vì thương lính không có gạo ăn, đói quá, ông tướng đã xuống lệnh cho cả một sư đoàn rút quân ra hậu phương Quảng Bình để ăn gạo miền Bắc. Ông tướng này bị khép tội hữu khuynh, bỏ đất, bỏ dân nên bị điều ra khỏi quân đội về giữ chân Thứ trưởng của một Bộ không quan trọng gì.

Trên đường Trường Sơn máy bay Mỹ cũng đánh phá quyết liệt các trọng điểm, các kho bãi. Người ta ước tính, cứ một tấn gạo từ ngoài Bắc bị thiêu cháy trên đường Trường Sơn, vào tới Khu 5 hay Tây Nguyên không còn lấy một phần tư.

Cũng vào thời điểm ấy, quan hệ Trung Xô đã rạn vỡ sâu sắc. Truyền đơn tâm lý chiến của Sài gòn rải trắng rừng: “Chị Ba Trung Cộng đã bắt tay với Mỹ rồi, hỡi các chiến binh Bắc Cộng, các người cầm súng vì lẽ gì?” Đạn hết, xăng nhớt cạn kiệt. Đưa khẩu pháo và trận địa, bắn vài phát, không thể cơ động khẩu pháo được theo yêu cầu tác chiến, vì... không có xăng nhớt…

Vào những ngày mùa mưa, trở về hậu cứ chỉnh huấn, kiểm điểm vì nhiệm vụ tác chiến không hoàn thành, vì tư tưởng bi quan, yếm thế thấy ngày kết thúc chiến tranh mờ mịt tận đâu tít tắp xa, anh em chúng tôi chỉ còn một chỗ bấu víu: Đêm đêm, bên ngọn lửa ấm và hăng- gô chè rừng, càng uống càng đói thắt ruột, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi lắng nghe, như nuốt từng lời những bài thơ của nhà thơ Hải Như viết về Bác: “Khi tiếp khách, người thân/ Bác vẫn khoác chiếc áo bông sờn/ Hai vai áo này đây hai mụn vá/ Đâu phải chỉ thương dân còn vất vả/ Ta hiểu Người muốn ngụ ý sâu sa/ Áo thuở hàn vi Bác Hồ vẫn quí/ Nhiều chúng ta lãng phí cả con người”.

Với Bác Hồ, nhà thơ Hải Như viết: “Khác với chúng ta/ Bác Hồ đắp chăn đơn –không muốn mình ấm quá/ Người trằn trọc canh dài/ Vì tiếng trẻ rao đêm/ Khi còn những bất công (chưa dễ dàng ta xóa)/ Cần có những phút buồn/ Nâng chúng ta lên”.

Trong thơ của Hải Như, Bác Hồ là: “Chúng ta thích đón đưa/ Bác Hồ không thích/ Đến thăm chúng ta Bác Hồ thường “đột kích”/ Chữ “đột kích” vui này, Người nói lại cùng ta

Trong thơ của Hải Như, Bác Hồ hiển hiện: “Bữa ăn sáng Bác hồ sao đạm bạc/ Một bát cháo hoa một khúc sắn quê nhà/ Dân còn nghèo Bác sẻ khổ cùng ta/ Người không muốn tâm hồn ta vẩn đục/ Ôi Bác lánh mọi sa hoa đời tục/ Mà chúng ta nhiều lúc lại sa vào”

Những ngày chiến tranh bước vào giai đoạn cam go, thử thách như những năm tháng sau ngày Bác mất ấy, các vị Chính ủy, các chính trị viên ở các đại đội, tiểu đoàn đủ tỉnh táo, tinh tường để không thể dùng những lời lẽ hoa mỹ, sáo rỗng mà động viên, cổ súy tinh thần bộ đội được. Con gà gô ở chân núi trước đây thường nói “bắt cô trói cột” nay lính tráng phiên dịch lại nó đang nhắc những lời mòn mỏi, hết hiệu quả của cán bộ chính trị: “Khó khăn khắc phục! Khó khăn khắc phục!”

Nói tới hai đặc điểm nổi bật trong thơ ca của nhà thơ Hải Như, chúng ta dễ dàng đồng ý với nhau: Đó là tấm lòng trắc ẩn, vui buồn trước đời sống của đồng bào mình, trước vận nước. Và sự không giống ai của nhà thơ. Hai điều này chính là điểm tựa giúp nhà thơ khơi được mạch nguồn riêng, tìm được cảm hứng riêng khi đặt bút viết về Bác Hồ.

Sau ngày Bác mất, Bộ Tư lệnh hai mặt trận Qủang Đà và Tây Nguyên, đứng đầu là tướng Chu Huy Mân và tướng Hoàng Minh Thảo đã ra một quyết định táo báo: phát nương rẫy trồng sắn, để mỗi năm bớt 6 tháng không nhận hạt gạo chi viện của miền Bắc. Đầu mùa khô 2/3 quân số đi chiến đấu, 1/3 ở lại đốt rẫy, phát nương. Lửa khói nương rẫy bóc cao đến nỗi trực thăng của Mỹ và quân lực Sài gòn, phải vọt bay lên cao, tránh rơi vào vùng không khí loãng. Một lạng gạo/một đầu lính cho ba bữa cơm. Ăn sắn nhiều đến nỗi gây gây lên cơn sốt rét. Lính đua nhau xung phong ra trận. Vì sao? Vì sẽ được ăn cơm không độn sắn, sẽ được ăn thật no. Vì gạo xuất ra cho từng ấy đầu người trước khi vào trận. đánh xong trận, 1/3 đến một nửa quân số tử vong và đi viện. Người sống được ăn cả phần cơm của người chết.

Ấy vậy, nhưng vẫn phải phát nương, trồng sắn song hành với việc mở chiến dịch. Có những vị Thiếu tướng, Đại tá, Thượng tá, tuổi đã cao, sức đã yếu, xưa kia đi thị sát mặt trận, thường có 3, 4 chú lính khiêng võng. Sau lễ tang Bác, họ tự nguyện chống gậy hành quân theo lính.

Nhớ thương Bác, các Trung đoàn trưởng, Sư trưởng tuổi 23, 24, bỏ thói quen đeo súng ngắn, vận áo ba lỗ, quần sà lỏn, đeo tiểu liên báng gập cùng trinh sát bò vào tận hàng rào cuối cùng của địch để điều nghiên căn cứ địch.

Vẫn theo lời di chúc của Bác “dù có phải đốt cháy cả dẫy Trường Sơn cũng phải giải phóng miền Nam”, dù máy bay Mỹ, máy bay quân lực Sài gòn gia tăng đánh phá đường Trường Sơn, nhưng chính thời điểm này, lần đầu tiên pháo tự hành 130ly do xe xích kéo, xe tăng được lệnh xuất kích, vượt sông Bến Hải, vượt các cung trạm, các trọng điểm nhiều bom lắm đạn trên đường Trường Sơn để tăng cường cho các chiến trường sâu như Khu 5, Miền Đông, Miền Tây Nam Bộ.

Và tiếp tục làm theo lời Bác dặn, các Bộ Tư Lệnh Mặt trận, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phải lo lắng để tiếp tục đưa hàng chục ngàn các cháu nhỏ từ 6,7 tuổi tới 14, 15 tuổi- con cái của các gia đình liệt sỹ, dũng sỹ ở miền Trung, miền Nam ra Bắc học tập.

Khi viết những vần thơ ngợi ca phẩm chất đạo đức, lối sống giản dị, tiết kiệm của Bác Hồ, nỗi trăn trở lo cho dân cho nước của Bác, chắc chắn nhà thơ Hải Như có đầy đủ ý thức ông đã động chạm tới sức mạnh căn bản của con người Việt Nam- thế hệ Hồ Chí Minh. Ông đã chỉ ra tính chất chính nghĩa và cái kết thúc thắng lợi tất yếu mà người dân Việt đã chọn lựa khi đi theo con đường của Bác. Chúng ta đã có một Hồ Chí Minh “cha già dân tộc” và hàng chục vạn những Hồ Chí Minh- con, Hồ Chí Minh –cháu. Đó là những vị tướng tài như Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Nguyễn An, Hoàng Cầm, Lê Đức Anh… Đó là những tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng được tôi luyện, trưởng thành từ chiến dịch Điện Biên Lịch Sử. Chúng ta có các trí thức sống làm việc theo gương Bác như các giáo sự Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa... Chúng ta có những nhà ngoại giao kiên địch mà uyển chuyển, mềm mại như ông Ung Văn Khiêm, Bà Nguyễn Thị Bình…

Trong hàng ngũ những anh hùng lưu danh và vô danh ấy, có nhà thơ Hải Như. Bởi ông đã gồng gánh vợ con lên chiến khu Việt Bắc theo Bác Hồ. Bởi ông đã sống qua những năm tháng củi tem gạo phiếu, những ngày bom Mỹ đánh vào nhà máy điện Hà Nội, kho xăng Đức Giang, bom B52 rơi xuống khu phố Khâm Thiên, Bệnh Viện Bạch Mai nhưng ông vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn giữ được niềm tin và lẽ sống để cho ra đời những thêm vần thơ đẹp.

Chúng ta đã bước qua nhiều cuộc vận động “Sống, học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Hồ Chủ Tịch”. Tư tưởng của Người, nói gọn lại, là độc lập dân tộc, cơm no áo ấm cho mọi người. Mục tiêu này chúng ta đã đạt được hoặc đang phấn đấu để đạt được. Nhưng còn phần tư cách, phẩm giá, đạo đức của con người- tức những vẫn còn tồn tại bất công, oan trái; thói vàng thau lẫn lộn, tức cái ác, thói lộng hành lên ngôi…những điều mà Bác Hồ thường xuyên âu lo, canh phòng; thường xuyên khuyên bảo con cháu phải né lánh, và trước lúc đi xa không quên nhắc nhủ, căn dặn chúng ta không được coi nhẹ, xem thường- quả là những gì đang như gai nhọn hàng ngày chọc thẳng vào mắt mỗi người chúng ta.

Thiết nghĩ, những bài thơ của nhà thơ Hải Như, đặc biệt là những bài thơ ca ngợi phẩm chất, đạo đức, tác phong của Bác Hồ vẫn còn nguyên tính thời sự, sức sống với chính cuộc vận động “Sống, học tập, làm việc theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tích Hồ Chí Minh” hôm nay. Bởi ngay từ năm 1970, ngay sau ngày Bác mất nhà thơ Hải Như đã viết: “Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn/ Không đáng sợ kẻ thù trước mặt/ Sợ nhất/ Kẻ thù ẩn náu trong ta”.                                                                                          

Xem thêm
Ninh Dương Lan Ngọc rời Việt Nam sang Úc du học

Ninh Dương Lan Ngọc xác nhận với Tiền Phong thông tin nữ diễn viên du học Australia trong vài ngày tới. Cô sẽ trở lại Việt Nam sau hai tháng nữa.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.