| Hotline: 0983.970.780

Cần cuộc cách mạng cho cây thanh long

Thứ Hai 21/02/2022 , 16:40 (GMT+7)

Đó là gợi ý của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đối với các địa phương nhằm đưa ngành hàng thanh long phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sáng 21/2, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long.

Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện thanh long Việt Nam được trồng hầu hết 63 tỉnh thành với tổng diện tích gần 65.000 ha, sản lượng trung bình gần 1,4 triệu tấn/năm.

Trong đó, 3 tỉnh gồm Bình Thuận, Long An, Tiền Giang trồng thanh long nhiều nhất. Năm 2015, giá trị  xuất khẩu thanh long Việt Nam đạt 483 triệu USD và đến năm 2020 đạt hơn 1,1 tỷ USD. Chính vì sức hấp dẫn của thanh long đã thúc đẩy việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng để phục vụ xuất khẩu.

Sơ chế thanh long tươi ở Bình Thuận. Ảnh: KS.

Sơ chế thanh long tươi ở Bình Thuận. Ảnh: KS.

Thế nhưng thanh long phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chủ yếu xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch. Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid-19" khiến việc xuất khẩu thanh long sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, giá thanh long giảm mạnh.

Theo ông Tùng, hiện có 2 quan điểm về việc phát triển thanh long. Một là, chỉ cho phát triển thanh long lên đến 100.000 ha và hai là cần giảm diện tích xuống. Tuy nhiên theo ông Tùng, việc tăng hay giảm phải xem xét yếu tố thị trường và sự nhạy bén của các doanh nghiệp và các địa phương, cũng như phải tăng cường liên kết tiêu thụ thanh long thì mới phát triển bền vững. Chứ phát triển mà không mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, còn gây áp lực cho tiêu thụ thì nên dừng lại.

Đối với chế biến thanh long, hiện chúng ta có sản phẩm đa dạng nhưng chỉ tiêu thụ 5% sản lượng, do đó phải tăng lên 20-25% mới có ý nghĩa. Cũng như cần thúc đẩy chế biến khi gia tăng diện tích và sản lượng.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, cây thanh long được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng khác; tổng doanh thu bình quân đạt 350-400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 150 - 170 triệu đồng/ha/năm.

Hiện diện tích thanh long Bình Thuận khoảng 33.750 ha, sản lượng thanh long đạt 700.000 tấn/năm. Đến nay, có 12.397 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP và gần 355 ha thanh long được cấp  chứng nhận GlobalGAP.

Tuy nhiên, ông Kiều nhận thấy hiện việc sản xuất thanh long trên địa bàn có nhiều tồn tại, hạn chế như quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún; xây dựng vùng sản xuất tập trung chưa được nhiều, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; khâu bảo quản chế biến phát triển còn yếu, tỷ trọng sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu xuất khẩu thấp.

Việc tiêu thụ không ổn định, giá cả còn bấp bênh; khả năng cạnh tranh còn yếu, thị trường tiêu thụ chưa đa dạng, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Vì vậy khi việc xuất khẩu qua thị trường này gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt, hiện nay một số cửa khẩu tạm dừng hoạt động hoặc nhập khẩu nhưng với sản lượng thông quan rất hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ, xuất khẩu.

Bình Thuận là thủ phủ thanh long của cả nước với diện tích thanh long đạt 33.750 ha. Ảnh: KS.

Bình Thuận là thủ phủ thanh long của cả nước với diện tích thanh long đạt 33.750 ha. Ảnh: KS.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 10.000 ha thanh long với tổng sản lượng 260 ngàn/tấn. Trong đó, có 73 cơ sở thu mua, chế biến xuất sang thị trường Trung Quốc với sản lượng 150 ngàn tấn. Khó khăn đối với tiêu thụ thanh long ở Tiền Giang cũng như Bình Thuận, Long An là phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Mỗi khi thị trường này thay đổi chính sách thì tiêu thụ khó khăn, giá rớt chỉ còn 2-3 ngàn đồng/kg, bà con thua lỗ nặng.

Do đó các địa phương cho rằng, để giảm lệ thuộc vào thị trường này, chúng ta cần quy hoạch lại vùng trồng, mời gọi doanh nghiệp chế biến sâu, đầu tư kho lạnh, từng bước giảm sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cũng như đa dạng thị trường tiêu thụ.

Đại diện Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho biết, hiện nay Trung Quốc đã trồng thanh long với diện tích lớn, sản lượng nhiều nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ thanh long Việt Nam sang thị trường này. Trước đây họ chỉ sản xuất thanh long thu hoạch từ tháng 5-10 (theo mùa), nay cả hàng nghịch vụ cũng có.

Do đó, vị này cho rằng dù việc xuất khẩu thanh long hiện sang thị trường này không ách tắc, thì giá bán thị trường này cũng sẽ thấp. Do đó, để giảm lệ thuộc vào thị trường này chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm, xuất sang thị trường khác. Cùng với đó, trước mắt cần giảm bớt lại diện tích để giảm áp lực về tiêu thụ.

Cần cuộc cách mạng tổ chức lại sản xuất

Sau khi nghe các ý kiến các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trình chiếu clip nói về một nông dân trồng thanh long nhưng phải đổ bỏ sản phẩm cho bò ăn vì không có đầu ra.

Thế nhưng nông dân này không quay lưng với cây thanh long mà vẫn đeo đuổi, nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và tìm hướng đi cho thanh long để rồi tìm được đầu ra, đưa đi xuất khẩu. Cuối clip, người nông dân  nhắn nhủ rằng "phải thay đổi nếu không là chết".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần cuộc cách mạng tổ chức lại sản xuất cho cây thanh long. Ảnh: KS.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần cuộc cách mạng tổ chức lại sản xuất cho cây thanh long. Ảnh: KS.

Mượn lời nói trên của người nông dân nọ, Bộ trưởng cũng cho rằng, tất cả chúng ta phải thay đổi, ngay cả Bộ NN-PTNT, các địa phương, doanh nghiệp và nông dân cũng thay đổi. Bởi lâu nay cách tiếp cận của chúng ta theo kiểu tư duy cũ, sản xuất cứ nghĩ sản lượng nhiều là mừng. Nhưng thị trường làm chủ sản xuất. Do đó, chúng ta phải phải thay đổi tiếp cận từ một đầu sang hai đầu (đầu sản xuất và thị trường). Chứ hiện nay chúng ta còn mù mờ mọi thứ, kể cả thị trường Trung Quốc chúng ta cũng hiểu mù mờ. 

Do đó, Bộ trưởng giao Cục Trồng trọt cần nghiên cứu, phân tích kỹ về thị trường. Còn các địa phương phải có trách nhiệm kiểm soát, nắm bắt cụ thể bao nhiêu bà con sản xuất thanh long, bao nhiêu vựa thu mua… Từ đó có phương hướng đưa nông dân vào hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, đưa các vựa vào tổ chức.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với doanh nghiệp để nắm thông tin về thu mua, chế biến, xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: KS.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với doanh nghiệp để nắm thông tin về thu mua, chế biến, xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: KS.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT nhắc lại câu "buôn có bạn, bán có phường”. Ông nói, người Trung Quốc  làm được nhưng mình không làm được, bởi tư duy chúng ta còn mang tính mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy biết. Do đó, ông cho rằng, các địa phương cần cuộc cách mạng tổ chức lại sản xuất ngay từ cấp xã, không để phát triển sản xuất theo kiểu tự phát.

Cùng với đó, nghiên cứu giảm chi phí đầu vào, để giảm rủi ro khi sản phẩm rớt giá. Cũng như chuyển từ xuất thanh long tiểu ngạch sang chính ngạch. Bởi vì đây là xu hướng của các nước để kiểm soát về dịch bệnh, thuế, thậm chí về đồng tiền…

Và, từ câu chuyện thanh long sẽ còn nhiều nông sản khác cũng đầy thách thức về thị trường, liên kết, tiêu thụ… Do đó, một lần nữa Bộ trưởng nhắc các địa phương cần xây dựng hệ sinh thái, trong đó tất cả mọi người đều phải có tinh thần trách nhiệm. Phía các cơ quan của Bộ NN-PTNT cũng phải có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách, thị trường… cho các địa phương.

TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ NN - PTNT II) cho biết, hiện Trung Quốc cũng sản xuất được thanh long và khi vào chính vụ, họ làm mọi cách để bảo vệ thị trường trong nước. Do vậy, việc xuất khẩu thanh long sang thị trường này không còn hoàng kim như ngày xưa. Hơn nữa, hiện nhiều nước cũng phát triển thanh long, như Campuchia có diện tích thanh long khoảng 12,8 nghìn ha trong khi 5 năm trước, quốc gia này chỉ khoảng 3.000ha. Do đó, thanh long của chúng ra có nhiều đối thủ cạnh tranh.

Mặt khác, các vùng thanh long của nước ta phát triển liên kết sản xuất bền vững rất khó, do các hợp tác xã đều mang tư duy vì lợi nhuận chứ không vì mục đích cộng đồng. Do vậy, khi gặp vấn đề rủi ro về thị trường thì xảy ra thực trạng mạnh ai nấy làm, thân ai nấy lo. Đối với thanh long, vấn đề quan trọng nữa là hiện nay chúng ta có sản lượng lớn nhưng về lượng hàng đạt chất lượng lại nhỏ nên không thể đáp ứng nhu cầu của một số thị trường.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm