Đặt mục tiêu xuất khẩu 50 triệu USD/năm
Với dân số xấp xỉ Trung Quốc, khoảng gần 1,4 tỷ người, Ấn Độ là thị trường lớn, nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại nước này, quốc gia Nam Á có thể tiêu thụ 48 triệu tấn trái cây mỗi năm, với tổng giá trị nhập khẩu vào khoảng 3,3 tỷ USD.
Riêng với thanh long, Việt Nam bắt đầu thâm nhập thị trường Ấn Độ từ năm 2014, với tốc độ tăng trưởng được duy trì đều đặn. Từ 1 triệu USD năm đầu tiên, nước ta xuất khẩu 10 triệu USD thanh long vào năm 2019. Vào giai đoạn phát triển nóng nhất, kim ngạch xuất khẩu thanh long tăng trưởng lên tới 200%năm.
Do dịch Covid-19, xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ sụt giảm trong hai năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, thị trường Nam Á này vẫn được xem là "màu mỡ" với thanh long, nhất là trong bối cảnh Việt Nam - Ấn Độ vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ ngày 19/1, ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng có nhiều nguyên nhân thôi thúc doanh nghiệp trong nước thay đổi tư duy, cách tiếp cận với thị trường Ấn Độ.
Thứ nhất, đây là một cường quốc đang trỗi dậy, có dư địa tăng trưởng lớn. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ hiện khoảng 8-9%, và nhiều khả năng duy trì tốc độ phát triển nóng trong chục năm nữa.
Thứ ba, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ đang thấp hơn Việt Nam - một yếu tố dẫn đến việc hàng rào kỹ thuật của nước này bớt khắt khe hơn.
"Nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng của Ấn Độ sẽ tăng nhanh. Do đó, Việt Nam cần có chính sách đón đầu, phát triển lâu dài, bền vững, trước mắt là thanh long. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng, rằng kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ có thể đạt ngưỡng 50 triệu USD/năm", ông Hải nói.
Đẩy mạnh xuất khẩu thanh long nói riêng và nông sản nói chung sang Ấn Độ cũng phù hợp với xu thế đa phương, toàn cầu hóa trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, Việt Nam chưa có một chiến lược bài bản, rõ ràng hướng đến thị trường Ấn Độ. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tái cơ cấu, quy hoạch ngành sản xuất, vùng nguyên liệu, cho đến phát triển logistics, hạ tầng kỹ thuật, vận chuyển, lưu thông.
Tại hội nghị, ông Hải tham luận ý kiến về vấn đề duy trì nguồn cung nhất định cho một thị trường, trong đó có Ấn Độ. Đây là yếu tố được ông coi là quan trọng nhất để lập nên thương hiệu "thanh long Việt Nam", cũng như kỳ vọng việc bán được sản phẩm với giá cao.
Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã làm việc với nhiều hệ thống bán lẻ tại nước này. Nhưng để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, bài bản, ông Hải kiến nghị Bộ NN-PTNT điều tiết, phân vùng cụ thể cho từng thị trường khi quy hoạch vùng trồng thanh long. Đồng thời, ông kiến nghị Bộ Công thương sớm thành lập một hiệp hội chuyên trách việc xúc tiến, xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, thay vì coi đây là một giải pháp tình thế.
Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận thừa nhận, xuất khẩu thanh long của tỉnh chủ yếu là tiểu ngạch, chiếm khoảng 80%, chủ yếu sang Trung Quốc.
Với thị trường Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu thanh long của tỉnh khoảng 300.000 USD (năm 2017), tăng lên 800.000 USD (năm 2019), nhưng giảm còn hơn 300.000 USD trong hai năm 2020, 2021. Tỉnh đã tổ chức một số đoàn công tác, xúc tiến thanh long sang Ấn Độ, Pakistan, đồng thời tổ chức nhiều phiên họp trực tuyến với các nước này.
Tránh tái phạm sai lầm
Nhằm hỗ trợ tiêu thụ thanh long Việt Nam tại Ấn Độ cả trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần giải quyết khó khăn cho đầu ra của loại trái cây này, và hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Duẩn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Thương Mại Quốc tế Song Nam lưu ý doanh nghiệp trong nước đặc biệt quan tâm tới vấn đề chọn đối tác.
"Làm việc với thương nhân Ấn Độ không quá khó, nhưng chúng ta phải chọn được đối tác mạnh cả về thương hiệu lẫn kênh phân phối", ông Duẩn chia sẻ.
Theo ông Duẩn, lý do chính dẫn tới việc này là bởi thời gian vận chuyển thanh long bằng đường biển sang Ấn Độ khoảng 3-4 tuần, trong khi thời gian bảo quản không quá 6 tuần. Nếu không thông suốt thông tin và có kế hoạch phân phối hợp lý, doanh nghiệp đối tác không thể tiêu thụ hết thanh long trong một tuần.
Lưu ý thứ hai ông Duẩn đưa ra ở hội nghị, là các vấn đề liên quan đến tiến độ thanh toán. Theo tập quán xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp trong nước thường gửi hàng trước và nhận tiền sau, đồng thời chịu để khách hàng áp điều kiện thanh toán. Cơ chế này gây ra nhiều rủi ro.
Giám đốc Công ty Song Nam lấy ví dụ về thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hoặc thị trường sập giá khiến tàu chở hàng chậm 2-3 tuần. Khi ấy, khách hàng Ấn Độ có thể bỏ containter, khiến doanh nghiệp Việt Nam mất trắng.
Cách giải quyết, theo ông Duẩn, là thống nhất việc đặt cọc 50% tiền hàng. Thậm chí, nếu gặp những thách thức phi truyền thống như Covid-19, doanh nghiệp trong nước có thể yêu cầu khách hàng Ấn Độ thanh toán 100% tiền hàng.
"Giữ được khách hàng rất quan trọng, nhưng giữ được thị trường còn mang ý nghĩa chiến lược nhiều hơn", ông nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông Duẩn bày tỏ, số lượng người biết tiếng Anh ở Ấn Độ không quá 50%. Do đó, doanh nghiệp trong nước cần phối hợp với Đại sứ quán, hoặc những doanh nghiệp xuất nhập khẩu lâu năm tại quốc gia Nam Á có chiến lược tiếp cận hợp lý, tránh tình trạng sử dụng bao bì in chữ Trung Quốc để xuất sang Ấn Độ.
"Thanh long là trái cây gần như rẻ nhất tại Ấn Độ, lại thuộc diện miễn thuế, nên người dân khá ưa chuộng. Ngoài thanh long, Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng thị trường cho một số loại trái cây thế mạnh khác như nhãn, chôm chôm, dừa...", ông Duẩn nói.
Với kinh nghiệm xuất nhập khẩu tại nhiều cảng lớn tại Ấn Độ như Mumbai, Chennai, ông Duẩn cho biết, đã có nhiều tranh chấp thương mại xảy ra tại Ấn Độ thời gian qua, liên quan đến xuất nhập khẩu nông sản. Ông cũng thông tin về việc một số thương nhân Ấn Độ sang trực tiếp Việt Nam tìm nguồn hàng, thậm chí tự làm giá ngay từ trong nước.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Ấn Độ chiếm tỷ trọng hơn 13% trong kim ngạch xuất khẩu thanh long. Lãnh đạo ngành xuất nhập khẩu lưu ý các vựa thanh long, cần sản xuất theo tín hiệu thị trường, hoặc theo đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, địa phương cần đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của từng nước xuất khẩu.
Ấn Độ là thị trường trọng điểm tại Nam Á, hội tụ nhiều yếu tố để là điểm đến của thanh long Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ chưa tương xứng tiềm năng, bởi vấn đề về khoảng cách địa lý, chưa có đường bay thẳng. Ngoài ra, Ấn Độ còn thường xuyên đưa ra những tiêu chuẩn mới, là rào cản với doanh nghiệp trong nước nếu không cập nhật thông tin kịp thời.