| Hotline: 0983.970.780

Cần doanh nghiệp 'đầu tàu' dẫn dắt nông dân

Thứ Năm 28/07/2022 , 18:33 (GMT+7)

Hiện nay, nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh, Vĩnh Long đang mời gọi đầu tư 10 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất, chế biến công nghệ cao.

Mời gọi đầu tư 10 dự án nông nghiệp

Vĩnh Long là địa phương thuộc khu vực ĐBSCL có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Theo Sở NN-PTNT, tỉnh có diện tích cây ăn trái trên 63.000ha, trong đó khoảng 52.000ha đang cho trái, lớn thứ 2 ở ĐBSCL; diện tích gieo trồng cây lúa 3 vụ trên năm đạt trên 130.000ha; đàn vật nuôi với các loại chủ lực là heo (khoảng 200.000 con), bò (khoảng 80.000 con) và gia cầm (khoảng 10 triệu con). Một số loại rau - củ - quả chủ lực có thế mạnh của Vĩnh Long có cam sành, khoai lang, nhãn, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, chôm chôm, sầu riêng…

Tuy nhiên, lĩnh vực trồng trọt còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết bền vững. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Vĩnh Long chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến nông sản, nhất là rau - củ - quả. Hiện chỉ mới có một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư như Công ty Đông Phát Food chuyên chế biến khoai lang, chuối,... ở Bình Tân; công ty Quốc Thảo (huyện Long Hồ) chế biến nông sản chủ yếu là khóm, nấm rơm…

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long chưa có nhiều dự án đầu tư chế biến nông sản. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long chưa có nhiều dự án đầu tư chế biến nông sản. Ảnh: Minh Đảm.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đã đầu tư mới chỉ giải quyết phần nhỏ sản lượng trái cây, rau củ của nông dân địa phương. Có thể nói, Vĩnh Long chưa có “doanh nghiệp đầu tàu” dẫn dắt nông dân địa phương làm ăn bài bản, liên kết bền vững. Điệp khúc được mùa mất giá trên lúa, trái cây diễn ra thường xuyên, giá cả vật tư đầu vào tăng cao liên tục gây khó khăn không nhỏ cho người nông dân. Nhất là cây khoai lang, từ vùng khoai lớn nhất cả nước, nay xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc khó khăn khiến nông dân điêu đứng, diện tích khoai thu hẹp chỉ còn vài trăm héc-ta.

Nhận thấy điều này, UBND tỉnh Vĩnh Long rất quan tâm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp địa phương. Ông Lâm Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào 5 lĩnh vực trọng điểm, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Riêng lĩnh vực này, hiện đang kêu gọi đầu tư cho 10 dự án, ưu tiên các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nâng cao chuỗi giá nông sản”.

Cụ thể, tỉnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư 3 dự án quy mô vốn đầu tư lớn như: Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có ở 9 địa phương trong tỉnh với quy mô từ 50 - 100ha, tổng vốn đầu tư khoảng 250 tỷ đồng; dự án nhà máy chế biến nông sản ở huyện Vũng Liêm và Tam Bình với quy mô 10ha, vốn đầu tư 300 tỷ đồng; dự án đầu tư sản xuất, chế biến nông sản ở thị xã Bình Minh với quy mô 10,6ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng; dự án thành lập trung tâm thu mua và phân phối nông sản chất lượng cao Vĩnh Long với quy mô từ 10 - 30ha, công suất từ 300 - 450 tấn/ngày, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Các dự án còn lại có mức đầu tư từ 20 - 50 tỷ đồng.

Về hạ tầng dự án, ông Lâm Minh Tân cho biết: “Hạ tầng có sẵn tại các khu công nghiệp hoặc tại vùng nguyên liệu. Nhà đầu tư quan tâm hạ tầng tại vùng nguyên liệu tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ đầu tư tại các vùng nguyên liệu”.

Ông Lữ Quang Ngời (phải) cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan (giữa) trong buổi làm việc với lãnh đạo công ty Đông Phát Food. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lữ Quang Ngời (phải) cùng Bộ trưởng Lê Minh Hoan (giữa) trong buổi làm việc với lãnh đạo công ty Đông Phát Food. Ảnh: Minh Đảm.

Ban hành 12 chính sách hỗ trợ đầu tư

Hiện nay, ngoài chính sách của trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long còn ban hành Nghị quyết số 97/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh Vĩnh Long. Trong đó có 12 chính sách dành cho nhà đầu tư nói chung, sẽ được ưu tiên hỗ trợ về lãi suất, hạ tầng đến chân công trình khoảng 100m, xử lý nước thải dự án, kinh phí đào tạo, tư vấn…

Trong đó, có quy định cụ thể đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến rau, củ, quả; xây dựng cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ.

Hỗ trợ 50% chi phí để đầu tư xây dựng nhà - xưởng; mua máy móc, thiết bị; lắp đặt hệ thống tưới nước tự động; đóng gói, bảo quản sản phẩm (không bao gồm chi phí xây dựng văn phòng) tổng mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ (một lần) 100% chi phí, nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp, thuê tổ chức tư vấn hướng dẫn, chứng nhận đánh giá để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn.

Hỗ trợ 100% chi phí đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật dẫn đến hàng rào doanh nghiệp của vùng sản xuất tập trung nhưng tối đa 3 tỷ đồng/dự án. 

“Nhà đầu tư đến tỉnh Vĩnh Long sẽ được hướng dẫn cụ thể, tận tình. Tỉnh sẽ tổ chức các cuộc đối thoại để tháo gỡ khó khăn nhà đầu tư gặp phải. Đối với dự án ngoài khu công nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp xúc hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Lâm Minh Tân nói.

Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến nông sản Đông Phát Food (huyện Bình Tân). Ảnh: Minh Đảm.

Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến nông sản Đông Phát Food (huyện Bình Tân). Ảnh: Minh Đảm.

Môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng

Vĩnh Long là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông nằm giữa hai con sông (sông Tiền và sông Hậu) và ở trung tâm khu vực ĐBSCL, có vị trí địa lý tiếp giáp với 7 tỉnh trong vùng, cách thành phố Hồ Chí Minh 130km về hướng bắc và cách TP Cần Thơ 34km về hướng nam. Tỉnh có diện tích 1.520km2; dân số 1,05 triệu người, có 5 tuyến quốc lộ đi qua, kết nối thuận tiện đến các Cảng hàng không quốc tế và Cảng biển của TP.HCM và TP.Cần Thơ. Là tỉnh giàu tiềm năng về nguồn nhân lực, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, phát triển du lịch...

Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, định hướng phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh phấn đấu tạo đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực. Nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn. Phát triển mạnh công nghiệp, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Phát huy lợi thế so sánh để phát triển du lịch…

Nói về các chính sách hỗ trợ đầu tư, môi trường đầu tư tại địa phương, ông Lữ Quang Ngời khẳng định: Tỉnh Vĩnh Long đặc biệt coi trọng việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư và luôn luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội. Những việc làm của tỉnh thời gian qua đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các năm qua, tỉnh Vĩnh Long liên tục đứng ở vị trí cao trong khu vực ĐBSCL và nằm trong tốp có môi trường đầu tư thông thoáng ở mức rất tốt của cả nước.

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Vĩnh Long với tinh thần cầu thị và phương châm hành động nhất quán, xuyên suốt “Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả”, từ lãnh đạo tỉnh đến các Sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành sâu sát công tác cải cách thủ tục hành chính, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển.

Với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tiềm năng cùng với phương châm “một cửa, tại chỗ” thân thiện, thông thoáng, minh bạch và tinh thần hợp tác, phát triển, Vĩnh Long luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, sẽ là nơi lựa chọn đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Xem thêm
Ngành tôm toàn cầu sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024

Các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có sự cải thiện nhẹ về nhu cầu tiêu thụ tôm, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hoàng Anh Gia Lai sẽ trồng thêm 2.000ha chuối trong năm 2024

TP.HCM Bầu Đức cho biết, năm 2024 không thoái vốn, cố gắng xóa nợ và rất thận trọng trong đầu tư, tiếp tục kiên trì với 'hai cây, một con' gồm chuối, sầu riêng và heo.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất