Mỏi mòn chờ đợi thị trường Trung Quốc
Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, lâu nay được coi là thủ phủ khoai lang tím. Trong đó, có 215,43ha đã hoàn thành thủ tục cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, có sổ tay ghi chép, đáp ứng được hai lệnh 248 và 249 của Trung Quốc đối với nông sản nhập khẩu vào thị trường này.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân diện tích nêu trên tương ứng với 8 vùng trồng. Mỗi vùng trồng có ít nhất 8 hộ, nhiều nhất 92 hộ, với một hộ đứng ra đăng ký làm đại diện để cấp mã số vùng trồng.
Báo cáo của cơ quan này cho biết, các vùng trồng khoai lang tím đạt yêu cầu, có nhật ký canh tác, sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cho phép, sinh trưởng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế trên ruộng đồng lại cho thấy bức tranh ảm đạm. Tại vùng trồng khoai lang tím ấp Tân Biên, xã Tân Bình, hộ ông Nguyễn Anh Dũng, đại diện cho 92 hộ với 54,9ha hiện giờ như ngồi trên đống lửa bởi giá khoai đang chỉ còn 100.000 đồng/tạ (mỗi tạ khoai lang tím tương ứng 60kg).
“Giá vầy thì nông dân chết đứng. Chi phí cho một công khoai (1.200m2) từ lúc xuống giống đến thu hoạch là 17,5 triệu đồng. Tính ra giá khoai phải 300.000 đồng/tạ thì tụi tui mới có chút đỉnh lãi”, ông Dũng cho biết.
Không biết gì nhiều về lệnh 248, 249 do “chưa từng nghe nói”, song ông Dũng không xa lạ với các thương lái Trung Quốc. Mùa thu hoạch là thương lái Trung Quốc có mặt, thu gom hàng. Mùa được giá nhất, là 3 năm về trước, khi ấy thương lái Trung Quốc đến tận vùng trồng của ông Dũng mua với giá 1,2 triệu đồng/tạ. Lúc thấp điểm, cũng được 700.000 - 800.000 đồng/tạ.
Ông Dũng và nhiều thành viên vùng trồng nói họ sợ nhất là quay lại thời điểm năm ngoái, khi ấy giá khoai chỉ 30.000 - 40.000 đồng/tạ. Có người bị lỗ tới 300 triệu đồng. Cây khoai lang tím từ chỗ là “vàng đen” nuôi sống nông dân, nay có nơi trơ trọi hàng ha khoai trên đồng vì giá thấp, nông dân không muốn thu hoạch.
“Con trai tôi là bác sỹ ở Vĩnh Long này, con gái út cũng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM. Tất cả trông vào cây khoai là chính. Đất này không gì bằng khoai lang tím. Lúa nào cũng không lại khoai”, ông Dũng kể.
Lão nông đã qua cái tuổi 60, ngồi bần thần trong nhà. Lau đi lau lại mấy tấm bằng khen của tỉnh tặng con trai, ông lại thở dài ngóng ra cửa.
“Dịch giã khó khăn quá, nghe bảo chỗ Lạng Sơn thông quan trắc trở. Xe ra tới đó mà dừng cả tuần không qua được là khoai thối hết. Nếu đi xe lạnh thì tiền xe với tiền chạy máy lạnh mắc quá, chịu không thấu”, ông Dũng nói.
Đừng chụp ảnh, chết khoai
Trong nhà là ông Dũng trông ngóng thương lái Trung Quốc đến thu mua với giá cao. Ngoài đồng, nhiều nông dân tỏ ra bực bội khi thấy ống kính phóng viên. “Đừng chụp nữa, chết khoai đó. Khổ lắm rồi”, nhiều nông dân tỏ ra gắt gỏng như thế. Họ bảo, mấy lần có nhà báo xuống chụp hình, lần nào khoai cũng chết. Thực hư không rõ, bởi có hỏi thì ông Dũng cũng chỉ cười trừ. “Giá thấp quá đó, bà ấy năm ngoái lỗ 200 triệu tiền khoai. Năm nay không dám thuê nữa, chỉ canh tác trên 2ha ruộng nhà. Mà chắc chỉ mơ hòa vốn, chứ tình hình này coi bộ khó lãi”, ông Dũng giải thích.
Cách đó chừng 10km là hộ ông Võ Hoàng Long, đại diện cho 13 hộ, diện tích 17,3ha ở xã Thành Trung. Ông Long nói nông dân tỏ ra bực bội, một phần do giá khoai xuống thấp, phần khác, do họ có sự mê tín. Vài năm trước, cứ hộ nào trồng được mùa, bán được giá, là có báo chí tới phỏng vấn. Mùa sau, đa phần những hộ ấy đều thua lỗ.
“Làm khoai lang tím hay nhiều loại cây trồng khác, được thua do thị trường, mình không nắm trước được. Thế nên năm nay ăn, năm sau lỗ là bình thường. Có điều nhiều người bị vậy quá nên họ đâm bực bội khi có ai đó chĩa máy ảnh, máy quay vô”, ông Long nói.
Do thị trường Trung Quốc đang có phần trắc trở, ông Long và nhiều hộ dân khác quay sang thị trường Thái Lan. Thị trường này dễ tính hơn, song giá lại thấp hơn phía Trung Quốc vài nghìn đồng mỗi kg. “Thái Lan bây giờ giống bên Trung Quốc vài năm trước, khoai lang tím là mua, không quá kén chọn”, ông Long nói.
Mong muốn giá khoai ổn định
Cũng theo ông Nguyễn Anh Dũng, hiện nay, Tổ hợp tác của ông đang có 30ha khoai thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã số vùng trồng. Tuy nhiên, do chưa xuất khẩu được sang Trung Quốc nên doanh nghiệp không đến hợp tác thu mua.
Nông dân ngoài 50 tuổi, kiêm thương lái thu mua tại ruộng khoai, cho biết vài năm qua, phía Trung Quốc thường chọn loại khoai củ dài, thay vì củ tròn. “Họ tinh lắm, biết là khoai củ tròn thì do nông dân sử dụng chất kìm hãm tăng trưởng thân, để cây tập trung nuôi rễ. Bây giờ, họ chọn củ dài dài thì nông dân sẽ không sử dụng cái đó nữa. Chúng tôi phải thay đổi theo nhu cầu thị trường”, lão nông nói.
Hai năm gần đây, người trồng khoai như chơi canh bạc. Có những thời điểm giá khoai lên ngất ngưởng trên 1,2 triệu đồng/tạ nhưng cũng có lúc giá khoai giảm xuống thấp vài chục nghìn đồng/tạ. Mỗi khi giá cả biến động thì nông dân đứng ngồi không yên bởi trúng giá thu nhập từ cây khoai rất cao, còn hàng ế ẩm không bán được nhiều người cụt vốn hoặc ôm nợ. Do đó, nhiều nông dân tỏ ra mệt mỏi mong muốn có doanh nghiệp đến hợp tác liên kết dài hạn. “Nông dân chúng tôi mong muốn giá từ 400.000 - 500.000 đồng/tạ trở lên là được rồi”, ông Nguyễn Anh Dũng nói.
Các hộ đại diện mã vùng trồng, đa phần đều có vốn, có kho chứa, nhìn chung đủ khả năng bao tiêu, sơ chế. Nông dân đã tiếp cận được những tiêu chuẩn sản xuất an toàn từ các chương trình tập huấn của ngành chức năng. Điều mà họ quan tâm nhất lúc này, là khi nào thị trường Trung Quốc thông thoáng trở lại. Khi đó, giá khoai sẽ quay về mức trước Covid-19, “cứu sống” nhiều nông dân vùng khoai lang tím Vĩnh Long.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long cho biết: Chi cục đã mở nhiều lớp tập huấn về xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất khoai sạch cho bà con trồng khoai tiếp cận. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã làm hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do Trung Quốc chưa mở cửa cho khoai lang xuất khẩu chính ngạch nên hồ sơ chưa được chấp nhận và đã hết hạn do hết mùa vụ. Hiện nay, còn 4 mã số vùng trồng đang có khoai ngoài đồng. Sắp tới, Chi cục sẽ tiếp tục làm hồ sơ cho 4 mã số vùng trồng này trước và vận động bà con tiếp tục tham gia.