
Một sản phẩm nước yến không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Sơn Trang.
Tại tọa đàm với chủ đề “Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 12/4, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan tới sản phẩm yến sào hiện đang ở mức đáng báo động.
Theo ông Hải, hiện nay, thị trường đang chứng kiến sự bùng phát tràn lan các sản phẩm mang danh “yến sào” nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều sản phẩm "yến sào" được sản xuất từ các nguyên liệu rẻ tiền như bột rau câu, lòng trắng trứng hoặc pha chế từ các chất không đạt tiêu chuẩn an toàn.
Điều lo ngại nhất với các doanh nghiệp ngành yến hiện nay là những sản phẩm yến sào đóng lon, đóng hộp… bị làm nhái một cách trắng trợn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã phát hiện hơn 30 đơn vị có hành vi sử dụng tên gọi, thành phần và hình ảnh sản phẩm yến sào tương tự hoặc sao chép thương hiệu của Yến sào Khánh Hòa. Nhiều website giả mạo sử dụng cụm từ "yensaokhanhhoa" làm đường dẫn cũng đã được Công ty phát hiện.
Các cơ sở, đối tượng làm yến sào giả, kém chất lượng thường sử dụng mạng xã hội, các kênh thương mại trực tuyến, các sàn thương mại điện tử hoặc các buổi livestream bán hàng để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường hoặc đưa hàng đến bán ở những vùng sâu, vùng xa nơi nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế.

Ông Nguyễn Thanh Hải chia sẻ về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan tới sản phẩm yến sào. Ảnh: Thanh Sơn.
Đặc biệt, lợi dụng tâm lý chuộng hàng giá rẻ, có những cơ sở đang đưa ra thị trường một số sản phẩm yến lọ được bán với giá rẻ một cách bất thường, chỉ từ 9.000 - 15.000 đồng/lọ. Ông Hải khẳng định mức giá này hoàn toàn không tương xứng với giá trị thật của tổ yến. Các nguyên liệu thay thế trong những sản phẩm đó như gelatin, đường hóa học, hương liệu tổng hợp… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt với trẻ em và người cao tuổi.
Thực trạng trên không chỉ phản ánh sự cạnh tranh không lành mạnh mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành yến sào. Đáng lo ngại hơn, nhiều cơ sở gia công hiện nay cho phép đối tác tùy ý đặt tên sản phẩm, công bố hàm lượng yến cao dù thực tế không hề chứa yến. Các quy trình như kiểm định nguyên liệu, xác thực thành phần hay công bố chất lượng đều bị bỏ qua, thậm chí còn được tự thiết kế nhãn mác, tên gọi và thông tin sản phẩm theo ý muốn.
Trước thực trạng đó, ông Hải cho rằng rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, gia công sản phẩm yến sào. Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn sản phẩm. Việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ vững uy tín của ngành yến Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài vấn nạn yến sào giả, nhái, kém chất lượng đang gây tổn hại không nhỏ cho các doanh nghiệp yến sào, tọa đàm cũng đề cập tới nhiều vướng mắc đối với sự phát triển của ngành yến sào như sự thiếu rõ ràng trong quy định pháp luật về cấp phép xây dựng nhà yến, đa số nhà yến trên cả nước chưa được cấp phép chính thức, những vướng mắc liên quan tới truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch động vật với sản phẩm yến sào... Bên cạnh đó là những giải pháp xây dựng thương hiệu quốc gia cho yến sào Việt Nam, hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để phát triển ngành yến sào...