Trước khi chiến tranh thương mại lần đầu nổ ra năm 2018, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đậu tương lớn nhất của Hoa Kỳ, chiếm hơn 60% tổng lượng xuất khẩu đậu tương. Khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp đánh thuế trả đũa, họ giảm hơn một nửa lượng đậu tương nhập khẩu từ Hoa Kỳ, xuống còn 9,2 tỷ USD trong 2018 so với 19,5 tỷ USD vào 2017.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu đậu tương số 1 thế giới. Ảnh: The Edge.
Thống kê của Reuters thời điểm đó cho thấy, thu nhập từ trang trại của nông dân Hoa Kỳ giảm khoảng 45% trong vòng 6 năm, từ 123,4 tỷ USD năm 2013 xuống 63 tỷ USD trong năm 2018. Nhiều nông dân bày tỏ sự thất vọng và lo lắng về tương lai của ngành nông nghiệp, cho rằng cuộc chiến thương mại đang hủy hoại thị trường của họ.
Tình trạng trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các bang miền Trung và Tây Bắc, vốn là những bang có ảnh hưởng lớn về chính trị, nhất là với Đảng Cộng hòa. Chính quyền Hoa Kỳ phải bù đắp hàng chục tỷ USD hỗ trợ tài chính cho nông dân trong giai đoạn 2018 - 2020.
"Nông sản nói chung có tính phụ thuộc cao vào thị trường xuất khẩu, trong khi các ngành khác ít bị ảnh hưởng hơn. Trong khi, Trung Quốc dễ dàng tìm được nhà cung cấp thay thế đậu tương, như Brazil, Argentina và một phần từ Nga, Hoa Kỳ khó tìm thị trường tiêu thụ khác với quy mô tương đương", chuyên gia thị trường Karen Braun của Reuters nhận xét và nhấn mạnh, ngành nông nghiệp Hoa Kỳ trở nên mong manh và dễ tổn thương trong các cuộc chiến tranh thương mại.
Trong cán cân thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ, nông sản, đặc biệt là đậu tương, không chỉ là mặt hàng có giá trị cao mà còn mang yếu tố chính trị nhạy cảm. Khi cuộc chiến thuế quan leo thang, Trung Quốc sử dụng đậu tương như một công cụ gây sức ép, khiến Hoa Kỳ bị động và tổn thương ở chính khu vực hậu thuẫn vững chắc nhất của mình.
Câu chuyện cũ lặp lại vào năm 2025, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đánh thuế quan lẫn nhau tới 125%. So với 7 năm trước, Bắc Kinh đã có thời gian giảm phụ thuộc Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi
Tính đến 27/3, Trung Quốc đã mua 22,12 triệu tấn đậu tương của Hoa Kỳ để vận chuyển trong niên vụ 2024-2025, kết thúc vào ngày 31/8. Đây là mức thấp nhất trong 12 năm tính, ngoại trừ 2 năm đầu tiên xảy ra chiến tranh thương mại.

Đậu tương ngoài làm thức ăn chăn nuôi còn được sử dụng làm thực phẩm. Ảnh: Antara.
Nỗi lo lớn nhất của nông dân Hoa Kỳ là Trung Quốc hủy đơn hàng
Là thị trường chiếm tới 48% tổng doanh số bán đậu tương của Hoa Kỳ hiện tại, những thay đổi từ Bắc Kinh sẽ khiến nền nông nghiệp Hoa Kỳ gặp vấn đề.
Năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu mua đậu tương Hoa Kỳ niên vụ 2024-2025 vào giữa tháng 7, lần bắt đầu muộn nhất kể từ năm 2005 và việc bắt đầu chậm trễ tương tự trong năm nay cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Tính đến ngày 27/3, chỉ còn khoảng 600.000 tấn đậu tương Trung Quốc cam kết mua từ Hoa Kỳ trong niên vụ 2024-2025. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đầu tuần này cho thấy, có 341.000 tấn đậu tương Hoa Kỳ đang được kiểm tra để xuất khẩu sang Trung Quốc trong tuần kết thúc vào ngày 3/4. Điều này có nghĩa là chỉ còn một số ít lô hàng được xuất khẩu.
Khoảng 2 triệu tấn đậu tương Hoa Kỳ niên vụ này vẫn chưa rõ địa điểm vận chuyển (do sự trì hoãn từ Trung Quốc). Lô hàng này phải chịu mức thuế mới, được áp dụng từ 10/4. Ngoài ra, quốc gia tỷ dân chưa ký bất cứ hợp đồng nào cho niên vụ 2025-2026.
Theo các thỏa thuận trước đó, Trung Quốc sẽ nhập khoảng 3 triệu tấn đậu tương từ Hoa Kỳ trong tháng 4-5, bất chấp mức thuế mới cao hơn với các sản phẩm nguồn gốc Hoa Kỳ. Các lô hàng này hầu hết được Công ty dự trữ quốc gia Sinograin mua lại. Họ chọn đậu tương Hoa Kỳ để lưu trữ vì độ ẩm thấp hơn các mặt hàng cùng loại.
Reuters cho biết, công ty này có khả năng phải trả mức thuế cao hơn nhưng vẫn phải bán với giá chiết khấu cho đối tác, do phải cạnh tranh với đậu giá rẻ hơn từ Brazil, quốc gia trồng đậu tương lớn nhất thế giới.
"Chúng tôi không mong đợi việc hủy đơn hàng hoặc bất kỳ vấn đề lớn nào với những lô hàng này vì một doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện giao dịch này", một nguồn tin từ Sinograin nói.

Nhiều nhà sản xuất đậu tương Hoa Kỳ đang lo lắng Trung Quốc hủy đơn hàng. Ảnh: SCMP.
Mất đơn hàng vào tay Brazil, nông dân nguy cơ phá sản
Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục 105 triệu tấn đậu tương vào năm 2024 và nhà cung cấp hàng đầu Brazil dự kiến sẽ cung cấp lượng đậu tương xuất khẩu cao kỷ lục cho Trung Quốc trong quý II/2025. Với vụ mùa kỷ lục dự kiến ở Brazil trong năm nay, Trung Quốc có khả năng đáp ứng toàn bộ lượng xuất khẩu hết từ quốc gia Nam Mỹ.
Trên lý thuyết, Brazil có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu đậu tương hàng năm của Trung Quốc (khoảng 100 triệu tấn). Kể từ khi chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ nổ ra, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu từ Brazil (hiện chiếm khoảng 73% thị phần), nhưng điều ngược lại thì không hoàn toàn đúng. Brazil còn những khách hàng khác và nguồn cung đậu tương của nước này thường giảm sút trong những tháng trước thu hoạch, khi đậu tương của Hoa Kỳ dồi dào và rẻ hơn.
Về mặt chất lượng sản phẩm, Trung Quốc cũng thích đậu tương của Hoa Kỳ làm dự trữ nhà nước hơn, vì độ ẩm thấp hơn. Chuyên gia Karen Braun, vì thế, tin rằng khả năng Brazil đột ngột chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh đậu tương sang Trung Quốc là rất thấp. Tuy nhiên, nếu sản lượng của Brazil tiếp tục tăng nhanh hơn nhu cầu của Trung Quốc, nhà nhập khẩu số một thế giới này chắc chắn sẽ tiếp tục loại bỏ đậu tương Hoa Kỳ trong cơ cấu.
Đây chắc chắn là một tin buồn với nền sản xuất đậu tương, vốn đóng góp khoảng 0,6% cho GDP Hoa Kỳ. Thống kê năm 2024 cho thấy, GDP từ đậu tương lên tới hơn 120 tỷ USD, lớn hơn cả quy mô nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Mặt hàng này cũng chiếm ngôi số một trong cơ cấu xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ nhiều năm.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chọn đậu tương để trả đũa Washington DC, sau khi chính quyền Donald Trump áp thuế đối ứng lên các đối tác thương mại. Với riêng Trung Quốc, nếu Bắc Kinh chọn lập trường cứng rắn, mặt hàng đậu tương có thể chịu thuế tới 94% và có thể tăng trong thời gian tới.
Cuộc điều tra của đài ABC vừa thực hiện cho biết, nông dân Hoa Kỳ nói "khó trụ lâu" nếu chiến tranh thương mại kéo dài. Tình hình có thể tồi tệ hơn nữa vào mùa thu, nếu các quốc gia không tìm ra được giải pháp hài hòa lợi ích. Nhiều nông dân đứng trước nguy cơ phá sản vì không bán được hàng.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thống kê, Trung Quốc là nhà nhập khẩu nông sản lớn thứ 3 của Hoa Kỳ, chiếm khoảng 15% tổng giá trị, chỉ đứng sau 2 quốc gia láng giềng của Hoa Kỳ là Mexico và Canada. Tỷ trọng này khiến nông sản bị coi là "điểm yếu" của Washington DC trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra.