Những nỗ lực đàm phán của các cơ quan chuyên môn từ Bộ NN-PTNT để tháo gỡ hàng rào kiểm dịch thực vật đã mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái sầu riêng. Kết quả này đánh dấu sự công nhận quốc tế đối với uy tín của ngành kiểm dịch thực vật Việt Nam cũng như chất lượng của rau quả tươi trong nước.
Ngày 11/7/2022, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiếp đó, ngày 19/8/2024, hai bên ký thêm Nghị định thư về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu. Dự kiến trong năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có thể đạt từ 3 - 3,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện nay việc lạm dụng hóa chất trong canh tác sầu riêng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cây trồng mà còn gây khó khăn cho nông dân trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu.
TS Trần Hữu Phúc từ Khoa Khoa học cây trồng, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh, quản lý dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh, giảm nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Chẳng hạn, ở giai đoạn cây phát triển thân lá hay còn gọi là phục hồi sau thu hoạch; hay giai đoạn tạo mầm, ra hoa, đậu trái, đến giai đoạn chín, thậm chí với 2 loại sầu riêng phổ biến là Ri6 và Dona cũng sẽ có các chế độ dinh dưỡng, bón phân tương đối khác nhau. Nếu việc cung cấp dinh dưỡng không hợp lý, sẽ dẫn đến giảm chất lượng, cây dễ bị sâu bệnh tấn công, suy và chết, làm giảm năng suất cây trồng.
“Vai trò dinh dưỡng rất quan trọng đối với tất cả các loại cây trồng nói chung. Riêng đối với cây sầu riêng đặc tính rất mẫn cảm. Khi bón thừa hoặc thiếu dinh dưỡng chắc chắn cây sẽ kém phát triển. Nhưng bón thế nào là hợp lý, đây là câu hỏi rất khó. Bởi không thể lấy công thức cung cấp dinh dưỡng trên cây sầu riêng ở vùng này áp dụng cho vùng khác”, TS Phúc nhìn nhận.
Do đó, chuyên gia này đề xuất, cần đầu tư nghiên cứu sâu hơn về nhu cầu dinh dưỡng chuyên biệt trên cây sầu riêng, theo từng khu vực, địa phương gắn với từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Đặc biệt, việc bổ sung dinh dưỡng cần dựa trên nền tảng hữu cơ để giúp cây trồng hình thành tính kháng nội sinh bên trong để cây phát triển khỏe và tăng khả năng chống chịu khi bị các mầm bệnh tấn công hoặc gặp điều kiện môi trường bất lợi.
Bởi theo một ghi nhận do TS Trần Hữu Phúc thực hiện, 100% nông dân trồng sầu riêng hiện đều sử dụng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên phần lớn số lượng bón phân lại chưa hợp lý giữa hữu cơ thô, hữu cơ vi sinh và hữu cơ khoáng.
Điều này gây ra hiện tượng cơm sầu riêng bị nhão, độ thơm không đạt. Một tình trạng thường gặp khác là thời điểm cây sầu riêng bắt đầu cho trái (1 - 3 năm đầu tiên), cây có thể cho trái quá lớn (vỏ dày ít cơm), ngược lại cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi lại cho trái nhỏ.
Bên cạnh tập trung chế độ dinh dưỡng, chuyên gia cho rằng, nhà vườn có thể ứng dụng ngay để cải thiện, nâng cao chất lượng đất là trồng cây với mật độ hợp lý, không quá dày. Đồng thời, bà con cần thường xuyên cắt tỉa, tạo độ thông thoáng cho đất, hạn chế nấm bệnh tấn công, nhất là nhóm nấm mốc gây hại thân, lá.
TS Phúc cũng lưu ý, trong vườn sầu riêng, bà con không nên sử dụng thuốc cỏ, mà phải quản lý cỏ hợp lý. Mùa nắng có thể để cỏ, mùa mưa thường xuyên cắt cỏ để tạo sự thông thoáng, tránh hiện tượng thiếu hoặc dư ẩm.
Bên cạnh đó, cần bổ sung định kỳ vi sinh vật trong đất từ 3 - 4 lần/năm, bằng các dòng nấm Trichoderma hoặc nấm hữu ích khác để tái tạo hệ vi sinh vật trong đất.
Hiện nay, để đạt hiệu quả canh tác, nông dân ở ĐBSCL đã và đang áp dụng nhiều kỹ thuật như tạo khô hạn, xử lý hóa chất, cắt hộc để tập trung ra hoa, kiểm soát độ pH đất, duy trì nước tưới hợp lý và giảm thiểu sâu bệnh.