| Hotline: 0983.970.780

Cần sớm điều chỉnh quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 50cm

Thứ Sáu 05/07/2024 , 08:30 (GMT+7)

Do quy định chỉ được khai thác cá ngừ vằn có kích thước từ 50cm trở lên nên các cảng cá không cấp xác nhận nguyên liệu đối với cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ này.

Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác Thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, sau khi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có hiệu lực, đang có một vấn đề, đó là kích cỡ cá ngừ vằn cho phép khai thác hiện nay quy định trong Nghị định 37 là 500mm (50cm). Tuy nhiên sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp. Theo đó, khi Nghị định 37 có hiệu lực, tất cả các cảng cá không dám cấp xác nhận nguyên liệu đối với cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ khai thác này.

Ông Hải chia sẻ, tham khảo ý kiến của các chuyên gia Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC), toàn bộ vùng biển Trung và Tây Thái Bình Dương không quy định kích thước khai thác cá ngừ vằn, các nước trong khu vực cũng không quy định.

Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác Thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, sản lượng cá ngừ vằn đạt kích cỡ 500mm (50cm) thực tế rất thấp. Ảnh: Hồng Thắm. 

Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác Thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, sản lượng cá ngừ vằn đạt kích cỡ 500mm (50cm) thực tế rất thấp. Ảnh: Hồng Thắm

“Nếu Việt Nam muốn quy định thì nên quy định kích cỡ 38 - 40cm để đảm bảo đúng cơ sở khoa học vì đến cỡ khoảng 40cm thì 50% cá thể cá ngừ vằn đã trưởng thành và tham gia sinh sản lần đầu”, ông Hải nói thêm.

Ông Hải đưa thêm dẫn chứng về một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản đã công bố về kích cỡ tham gia sinh sản lần đầu, nghĩa là có thể cho phép tham gia khai thác là kích cỡ 38cm đối với cá ngừ vằn cái và 38,7cm đối với cá ngừ vằn đực.

Ông Hải nói: “Đây là hai cơ sở thực tiễn và pháp lý. Chúng ta cần sớm điều chỉnh để đảm bảo việc xác nhận cá ngừ nhằm giữ được thị trường cá ngừ bởi như quy định hiện nay, chúng ta không cấp xác nhận đối với cá ngừ nhỏ hơn 50cm thì sẽ mất thị phần”.

“Thái Lan đang có cơ hội để lấn các thị trường cá ngừ mà Việt Nam đang có. Nếu tình trạng này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ đói nguyên liệu và chúng ta sẽ mất thị trường. Trong khi đó, việc phát triển và chiếm lĩnh một thị trường phải mất 5 - 10 năm và để lấy lại rất khó”, ông Hải nhấn nhạnh.

Trước đó, ngày 16/6, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã có công văn gửi Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo tình hình, kết quả hoạt động quý II và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý III, IV/2024.

Cá ngừ vằn để sản xuất đồ hộp hiện nay thường trung bình 1,8 - 3,4kg/con. Ảnh: NNVN.

Cá ngừ vằn để sản xuất đồ hộp hiện nay thường trung bình 1,8 - 3,4kg/con. Ảnh: NNVN.

Công văn đề cập một số vướng mắc mà ngành thủy sản đang gặp phải. Đáng chú ý là quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên tại Nghị định 37/2024 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 19/5.

Cụ thể, đối với cá ngừ vằn, quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối với loài này là 500mm (50cm). Cá ngừ vằn chiều dài 500mm tương đương size 5 - 7kg, trong khi tiêu chuẩn quốc tế đối với loài cá này là size 1,8 - 3,4kg. Cá ngừ vằn để sản xuất đồ hộp hiện nay thường trung bình 1,8 - 3,4kg. Thực tế, nhiều tàu khai thác ngừ vằn có size cỡ dưới 1kg và khách hàng chuộng các sản phẩm đóng hộp từ nguyên liệu cá size nhỏ.

VASEP cho hay, tại quy định (EU) 2019/1241 về bảo tồn của châu Âu, cũng không tìm thấy quy định về kích thước tối thiểu (minimum conservation reference sizes) của cá ngừ vằn (skipjack) mà chỉ có một số loài nhạy cảm; kích thước tối thiểu (minimum size) cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó.

Nội dung cơ bản là EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng các biện pháp như hạn ngạch (quota), thời gian cấm biển, nghề khai thác, FAD…, chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu.

Nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không sớm điều chỉnh quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 500mm. Ảnh: Hồng Thắm.

Nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không sớm điều chỉnh quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 500mm. Ảnh: Hồng Thắm.

Một thực tiễn nữa mà VASEP chia sẻ là các tàu cá của Tây Ban Nha vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5kg và vẫn được cấp C/C. Tổ chức WCPFC cũng không có quy định kích thước tối thiểu một số loài cá ngừ, trong đó có ngừ vằn.

Ngoài cá ngừ vằn, theo VASEP, các doanh nghiệp cũng phản ánh quy định về kích cỡ khai thác đối với một số hải sản phổ biến khác không phù hợp, ví dụ cá trích xương, mực ống, tôm sắt cứng...

VASEP cũng cho rằng, khi Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều ngư dân khai thác ở các tỉnh sẽ là chủ thể đầu tiên gặp không ít khó khăn liên quan đến việc tuân thủ các quy định về thay đổi ngư cụ mới có kích thước mắt lưới mới phù hợp, đến việc ghi chép nhật ký, khai báo và kiểm soát cỡ của loài mà ngư dân khai thác được.

VASEP kiến nghị cần rà soát lại các quy định về kích thước khai thác tối thiểu tại phụ lục V, Nghị định 37/2024 và xem xét để điều chỉnh phù hợp lại thông số quy định với một số loài thông dụng để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó đề xuất khung tiếp cận như Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.