Thiết chế đặc biệt cho ngành lúa gạo
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, ngành hàng lúa gạo thời gian qua không chỉ đóng vai trò quan trọng vào ổn định kinh tế, xã hội mà còn giúp nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam thông qua xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sản xuất lúa gạo còn giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, là giá trị mềm quan trọng trong ngoại giao của quốc gia góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh những thành công và vai trò chiến lược quốc gia, ông Thắng cho rằng ngành lúa gạo đang gặp phải một số hạn chế như sản xuất chưa bền vững, đầu vào nhiều, cộng nghệ sau thu hoạch còn yếu kém. Về vấn đề thị trường, giá cả còn bất ổn và thương hiệu xuất khẩu yếu, còn thiếu nguồn lực và thiếu đồng bộ. Thiếu nguồn lực và đồng bộ về chính sách…
Chia sẻ tại buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương về đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia chiều 6/8, Viện trưởng Viện IPSARD cho biết, cần một thiết chế đặc biệt cho ngành lúa gạo trong bối cảnh mới khi yêu cầu trong nước đặt ra về an ninh lương thực, thu nhập, yếu tố môi trường… đang tạo ra gánh nặng cho ngành hàng này.
Trong khi đó, xét về yếu tố toàn cầu hóa, xu hướng mới trong phát triển KHCN, số hóa, nông nghiệp xanh, tuần hoàn, lúa gạo carbon thấp, thị trường tín chỉ carbon… đòi hỏi ngành lúa gạo cần chiến lược tổng thế và tư vấn tầm chiến lược để xử lý các vấn đề trên.
“Cần có một thiết chế xử lý các vấn đề liên ngành, bao trùm. Thiết chế này có trách nhiệm: tư vấn, xử lý những vấn đề lớn của ngành hàng lúa gạo, đưa ra định hướng vì mục tiêu phát triển bền vững chung của cả ngành. Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia là thiết chế thích hợp”, ông Trần Công Thắng nêu vấn đề.
Trong thiết chế này, Nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường nhưng đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết hoạt động, các hiệp hội ngành hàng, huy động hợp tác công tư để tạo thêm nguồn lực từ hợp tác quốc tế và nguồn lực xã hội hoá. Thiết chế có sự tham gia của các Bộ ngành, đại diện của các doanh nghiệp, của các địa phương và phải có tiếng nói của người trồng lúa.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho rằng người sản xuất nông nghiệp tiếp tục nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới và các biến động thị trường.
Ngoài ra, việc điều chỉnh chính sách, chiến lược nhập khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế nhập khẩu, tăng cường khả năng tự túc lương thực của các quốc gia tiêu thụ lúa gạo đã tác động bất lợi tới nhu cầu thị trường, tạo sức ép về giá, ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam.
Để đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp, liên kết, điều phối một cách đồng bộ, đồng lòng, hiệu quả của tất cả các ngành các cấp, các địa phương, của cả hệ thống chính trị trong phát triển sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trong giai đoạn hiện nay.
Quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò của lúa gạo đối với phát triển kinh tế - xã hội, kinh nghiệm của quốc tế và thực tiễn thời gian qua đều chỉ ra sự cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia giúp tham mưu Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo bao gồm từ sản xuất đến xuất khẩu.
Theo ông Sơn, Hội đồng lúa gạo với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội có nhiệm vụ tạo sự đồng thuận chung trong việc xây dựng và thực thi các chính sách đối với mặt hàng lúa gạo (bao gồm sản xuất, chế biến, xuất khẩu). Đồng thời, Hội đồng theo dõi và đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện các chính sách và vận hành các chương trình trong ngành lúa gạo, đảm bảo sự phát triển bền vững, hướng tới sản xuất xanh, đáp ứng nhu cầu thị trường, cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, cũng như nhập khẩu...
Các Bộ không thể đi riêng lẻ
Về ý tưởng phối hợp với Bộ Công thương đề xuất thành lập một Hội đồng lúa gạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kể câu chuyện về cách Thái Lan xây dựng hình ảnh ngành hàng lúa gạo của mình với khẩu hiệu "Think rice, think Thailand" (Nghĩ tới hạt gạo là nghĩ tới Thái Lan). Bộ trưởng cho rằng "khó có thể tìm được một câu slogan vừa đơn giản, vừa ấn tượng” như vậy.
Với Việt Nam, ngành hàng lúa gạo thời gian qua đã đạt được những bứt phá ngoạn mục so với Ấn Độ, Thái Lan, gạo ST 25 được vinh danh trên thế giới, nhưng còn nhiều bất ổn để hướng tới xây dựng ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Theo đó, Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng gạo không phải chỉ là xuất khẩu mà còn phục vụ tiêu dùng nội địa, không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế mà còn là vấn đề ngoại giao, tác động đến xã hội của hàng chục triệu người trồng lúa và hàng triệu doanh nghiệp. Do vậy, cần sự tư duy khác về ngành lúa gạo.
Theo đó, Bộ NN-PTNT nhận được sự đồng thuận của Bộ Công thương về việc phải có thiết chế bao trùm hơn về ngành hàng lúa gạo, mang tính chất chính sách quốc gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Bộ trưởng nhấn mạnh, xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua hạt gạo bằng hành động thực sự của cả hệ thống. Trong đó, “một Bộ chăm lo sản xuất, một Bộ chăm lo thị trường, các Bộ không thể đi riêng lẻ”, để tạo ra một thương hiệu thực sự cho hạt gạo Việt Nam.
Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đồng thuận với ý tưởng cần đề xuất lên Chính phủ thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu vấn đề, tại các thị trường khó tính, gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng nhưng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo chưa giữ được vị thế. Cụ thể, vừa tiến vào thị trường châu Âu nên sản lượng bán ra còn thấp, các doanh nghiệp chưa nhìn thấy được ý nghĩa về thương hiệu.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ việc thiếu chiến lược, chính sách phát triển ổn định, vững chắc mà còn mang tính tự phát, địa phương. Trong khi đó, đầu tư cho sản xuất lúa gạo chưa xứng tầm, đặc biệt trong nghiên cứu phát triển giống lúa, chế biến gạo. Nhiều doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh… Dù đã có những thiết chế xã hội liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo như Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam… nhưng hoạt động chưa hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng ý tưởng thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam hướng đến hiệu quả đa giá trị hơn, tạo cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong điều phối các hoạt động sản xuất chung, kinh doanh, xuất khẩu cũng như đặt ra chiến lược giải quyết các vấn đề của ngành hàng này về lâu dài.