Ấn Độ đang xem xét điều chỉnh lệnh hạn chế xuất khẩu gạo. Kon Tum: Động đất liên tiếp do biến động nguồn nước hồ chứa. Quảng Ninh tiêm 3.000 liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Hậu Giang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Ấn Độ đang xem xét điều chỉnh lệnh hạn chế xuất khẩu gạo
Minh Phúc khai thác
Sau khi tham dự buổi làm việc với Tổng cục trưởng Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ngày 18/7 vừa qua, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Tổng cục Ngoại thương nước này sẽ tổng hợp lại diện tích gieo trồng và sản lượng thu hoạch lúa gạo trong thời gian tới, nếu đảm bảo được nguồn cung lương thực thì Chính phủ sẽ thay đổi chính sách lúa gạo của Ấn Độ. Đây là một động thái hết sức quan trọng. Hiện, thị trường này đang xuất khẩu hơn 40% tổng lượng lúa gạo của toàn cầu. Một động thái của thị trường này sẽ ảnh hưởng đến thị trường lúa gạo toàn cầu, các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Còn theo Tổng Công ty Lương thực Ấn Độ, tính đến ngày 1/7, tồn kho gạo của Ấn Độ là 48,51 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng gần 19% so với năm 2023. Bên cạnh đó, Cục khí tượng Ấn Độ dự báo trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, thời tiết sẽ thuận lợi cho việc gieo trồng chính vụ, cung cấp 80% tổng sản lượng lúa của Ấn Độ.
Kon Tum: Động đất liên tiếp do biến động nguồn nước hồ chứa
Phạm Huy (hình tư liệu)
Theo thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, sau khi xảy ra động đất với độ lớn 5.0, từ ngày hôm qua đến nay, khu vực huyện Kon Plông đã xảy ra liên tiếp gần 30 trận động đất với độ lớn phổ biến từ 2.5 đến 3.8.
Viện Vật lý địa cầu nhận định động đất khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra liên tiếp thời điểm đó là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ về ứng suất, gây ra do tích nước hay giảm tích nước hồ chứa cộng với tăng áp lực lỗ rỗng sẽ gây ra chuyển dịch dọc các đứt gãy làm phát sinh động đất kích thích.
Về khả năng xảy ra động đất mạnh thời gian tới, Viện Vật lý địa cầu cho hay động đất vẫn xảy ra nhưng khó có khả năng lớn hơn 5.5 độ.
Từ ngày 29/7 đến ngày 3/8/2024, tỉnh Quảng Ninh tổ chức tiêm phòng thử nghiệm 3.000 liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi cho các hộ dân chăn nuôi lợn có nhu cầu tại các thôn trên địa bàn 2 xã Hải Tiến, Hải Xuân (TP Móng Cái).
Đối tượng tiêm phòng là lợn thịt khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên. Không tiêm cho lợn nái đang mang thai, nái đang nuôi con và đực giống; không tiêm cho lợn có thể trạng yếu, đang sốt, bị bệnh mãn tính. Trước khi tiêm phòng, chủ hộ chăn nuôi có trách nhiệm đăng ký tiêm phòng, cam kết theo dõi, giám sát trong 21 ngày sau khi tiêm phòng.
Việc triển khai tiêm thử nghiệm vacxin dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố Móng Cái nhằm đánh giá hiệu quả bảo hộ của vacxin trên đàn lợn, góp phần đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh.
Hậu Giang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
Văn Vũ sx
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản đề nghị các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cần tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Ngoài ra, thực hiện rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vắc-xin và chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phối hợp với đơn vị liên quan trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, ưu tiên bố trí kinh phí mua vắc-xin tập trung và tổ chức tiêm phòng đồng bộ, cùng thời điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.