Hiện tại, trên dưới 60% dân số nước ta đang sinh sống ở nông thôn. Và các gia đình nông thôn đều có sự giống nhau là đầu tư, tạo mọi điều kiện cho những người con học giỏi, thông minh ra thành phố theo học đại học hoặc các ngành nghề khác để thoát cảnh “chân lấm tay bùn”. Chỉ những người con nào kém cỏi, học hành không được thì mới cho ở nhà làm ruộng.
Điều đó dẫn đến tình trạng đa số nông dân đều không có kiến thức. Và canh tác thì luôn luôn theo cách truyền thống, cứ cắm cây mạ xuống rồi mặc chúng lớn lên, trổ bông, hễ có sâu thì phun thuốc. Số nông dân có hiểu biết, biết ứng dụng công nghệ cao vào canh tác rất ít. Chính vì thế mà lao động nông nghiệp thường tạo ra giá trị rất ít, và thu nhập của người làm nông nghiệp rất thấp, dù tư liệu sản xuất là ruộng đất có giá trị rất cao. Ở rất nhiều nơi, nông dân còn bỏ ruộng để ra thành phố làm thuê.
Một nền nông nghiệp mà đa số chủ nhân của nó đều là những người không có kiến thức, thì làm sao phát triển, làm sao tạo ra giá trị cao được? Hiện tại, nền nông nghiệp của ta cung đã vượt cầu. Việc xuất khẩu là con đường sống còn. Nhưng xuất khẩu làm sao được nếu nông sản không sạch, còn tồn dư chất bảo vệ thực vật hay chất kích thích sinh trưởng. Không chỉ nông sản mà thủy, hải sản cũng có tình trạng tương tự.
Muốn có nông sản, thủy hải sản sạch thì phải có kiến thức. Chính vì vậy mà việc trí thức hóa nông dân đã thực sự trở thành một nhu cầu bức thiết. Chỉ có trang bị kiến thức cho nông dân một cách bài bản, thì chúng ta mới hy vọng có được một nền nông nghiệp lành mạnh, có giá trị kinh tế cao, và con đường để nông sản đi vào các thị trường khó tính của các châu lục mới hanh thông, thuận lợi.
Trong thời gian tham dự đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng, trả lời báo chí về con đường phát triển của nông nghiệp nước nhà trong những năm tới, thứ trưởng Bộ NN&PTNT- Lê Minh Hoan đã có những phát ngôn đáng chú ý, đó là: sẽ phấn đấu để tới đây, nông dân muốn sản xuất nông nghiệp thì phải có giấy phép.
Đã có không ít người phản đối chủ trương này, coi đó như một thứ “giấy phép con” mà ngành nông nghiệp đặt ra để hành, để gây khó cho nông dân. Nhưng thực ra, câu nói đó mang một ý nghĩa khác: đã đến lúc cần coi làm nông là một nghề. Mà đã là một nghề thì phải được đào tạo, phải được trang bị kiến thức, phải có chứng chỉ, và phải có giấy phép mới được hành nghề, như bất kỳ một nghề nào khác.
Đã đến lúc sản xuất nông nghiệp phải sánh ngang với các ngành nghề khác như thợ điện, thợ hàn, thợ cơ khí, và thậm chí là kỹ sư, bác sỹ…sản phẩm nông nghiệp phải là những sản phẩm của một nền nông nghiệp ứng dụng công ngệ cao, và thu nhập của nông dân cũng phải ngang với thu nhập của những ngành nghề trên. Muốn vậy, thì con đường tất yếu và duy nhất là con đường trí thức hóa nông dân.