| Hotline: 0983.970.780

Xã 'rốn chiêm trũng' làm nông thôn mới nâng cao

Thứ Ba 21/03/2023 , 15:30 (GMT+7)

Sau khi đạt tiêu chí kiểu mẫu vào năm 2016, xã chiêm trũng An Ninh (Bình Lục, Hà Nam) tiếp tục xây dựng mô hình nâng cao dù xuất phát điểm từ xã thuần nông.

Làm nông thôn mới theo cách của An Ninh

“Là xã thuần nông nằm sâu, xa đường quốc lộ, xa trung tâm hành chính huyện, các xã hàng xóm tiếp giáp cũng… nghèo như nhau; tài nguyên hạn chế, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn…

Nếu Bình Lục được gọi là “vùng chiêm trũng” của Hà Nam, thì An Ninh là một trong số những xã vùng “rốn chiêm trũng” của Bình Lục – Bí thư Đảng uỷ xã Lê Trọng Luyện cho hay. Thế nhưng, từ xuất phát điểm khó khăn như thế, năm 2016, An Ninh đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, và đang tiếp tục thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao theo các chủ trương, định hướng đã được kiện toàn đưa vào Nghị quyết của chính quyền xã.

Empty

Vùng bưởi Diễn của xã An Ninh với diện tích 7,3ha đã được chỉ dẫn địa lý, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Công tác tại xã từ năm 1984, kinh qua nhiều lĩnh vực, vị trí, từ HTX nông nghiệp (nay là HTXDV nông nghiệp), và hiện tại đang đảm đương chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã, ông Luyện là một trong số những cán bộ có thâm niên gắn bó tại địa phương. Ông thuộc nằm lòng từng bờ thửa của cánh đồng, cánh bãi quê mình, cũng như hiểu được những lợi thế, khó khăn… để đưa An Ninh từ xã nghèo, thuần nông lên thành xã điểm của huyện, đời sống nhân dân, bộ mặt của xã đổi thay trên tất cả các lĩnh vực.

“Trước thời điểm năm 2010, khi đó người dân vẫn quen cấy lúa theo kiểu truyền thống, là cấy tay, mạ gieo, hay các cây con truyền thống, làm nông nghiệp kiểu manh mún, nhỏ lẻ…, nhưng sau đó học hỏi các mô hình, các địa phương khác, bà con chuyển sang gieo sạ. Để thay đổi được thói quen, đó là cả một quá trình. Rồi, khi gieo sạ thành phổ biến, đến mức lại trở thành thói quen, nhưng đất bắt đầu suy kiệt, giảm chất vì ảnh hưởng của hoá chất…, xã lại vận động bà con chuyển sang cấy lúa, áp dụng cơ giới hoá trong nông nghiệp, tiếp đó là tập trung, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng chuyên canh... Bà con lại đồng lòng hưởng ứng”, ông Luyện dẫn chứng về việc chung sức, đồng lòng của người dân cùng chính quyền khi triển khai các nhiệm vụ, chủ trương của địa phương.

z4192424572270_4b41810177c5db19767d5289c87d5401

Xưởng may gia công theo đơn hàng do hai cô con dâu của bà Hà Thị Lục phụ trách.

Việc to tát hơn và cũng là niềm tự hào của xã, đó là câu chuyện xây dựng An Ninh thành xã nông thôn mới kiểu mẫu! Với gần 360ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 60% diện tích tự nhiên toàn xã, An Ninh chủ động quy hoạch các vùng sản xuất cây trồng theo hướng chuyên canh phù hợp với từng loại đất, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng… để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Vùng trồng lúa và nuôi trồng thuỷ sản của xã với 297,7ha tập trung chủ yếu các giống lúa thuần và giống lúa Bắc thơm số 7, liên kết với đơn vị thu mua để xuất khẩu. Năng suất lúa trung bình cả xã đạt 116 tạ/ha với sản lượng 28.800 tấn trên toàn xã. Xã mạnh dạn chuyển đổi 30ha để đa dạng hoá cơ cấu cây trồng. Vụ đông, bà con quy hoạch các vùng chuyên canh cây rau màu theo hướng sản xuất hàng hoá, gồm các cây chủ lực như chuối ngự, bí ngô, khoai tây, rau đậu, khoai lang Nhật ... với tổng diện tích gieo trồng vụ đông lên tới trên 87ha.

Empty

Mô hình ủ phân hữu cơ bảo vệ môi trường đang được nhân rộng tại xã An Ninh.

Con sông Châu Giang đi qua địa bàn xã An Ninh để lại một bãi bồi trù phú rộng tới 60ha. Những năm trước, người dân trồng cây tự phát, manh mún, không theo hướng dẫn, quy hoạch. Từ khi triển khai nông thôn mới, xã thành lập vùng chuyên canh cây ăn quả với các cây chủ lực như bưởi Diễn, chuối ngự, cây ăn quả nhãn, vải…

“Một sào bưởi trồng trung bình 18 cây, mỗi cây cho trung bình trên dưới 250 quả. Tính ra, một sào cho thu nhập khoảng trên 3 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng màu. Cây bưởi khi đã thuần, dễ chăm sóc, không mất quá nhiều công sức, vật tư nên hiệu quả rất bền vững”,  cán bộ xã An Ninh thông tin.

Nhưng, điều quan trọng nhất, đó là ứng dụng khoa học, công nghệ… vào sản xuất, phát triển kinh tế để nâng tầm thương hiệu cho nông sản do nông dân làm ra. Xã đã chủ động liên kết với các đối tác, các doanh nghiệp sản xuất, thu mua nông sản xuất khẩu, các sở ngành của tỉnh Hà Nam để lập dự án sản xuất nông sản sạch, đăng ký chất lượng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…

z4192424602832_bd624fd97cbd1d268d3ef2a9b19aa69c

Vườn bưởi của gia đình bà Hà Thị Lục.

“Sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 của xã  An Ninh đã được công nhận là sản phẩm an toàn, được chứng nhận sản phẩm VietGAP năm 2022. Các sản phẩm khác như bí đỏ, chuối ngự, bưởi Diễn… đã tham gia các hội chợ triển lãm của các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đủ điều kiện đăng ký giao dịch trên sàn thương mại điện tử”, bà Hà Thị Lục, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Ninh thông tin.

"Không có thời gian để chơi"

Bên tổ hợp may mặc với khoảng 50 đầu máy khâu được mở tại nhà, nữ giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã An Ninh, bà Hà Thị Lục hào hứng chia sẻ những dự định mà bà đang ấp ủ, với hơn 2.000 hội viên và những kế hoạch phát triển kinh tế của chính hộ gia đình nhà mình.

Empty
Empty

Hạ tầng, các thiết chế văn hoá, không gian công cộng được xây dựng khang trang của xã An Ninh.

Theo bà Lục, ở xã An Ninh, trừ các cháu chưa đến tuổi lao động còn đang bận mải học hành, còn lại bà con trong xã không ai có thời gian để chơi. Ngoài sản xuất nông nghiệp theo vụ mùa, chăm sóc các vùng chuyên canh, chăn nuôi…, An Ninh có hơn 100 tổ hợp may mặc gia công sản phẩm cho các công ty, doanh nghiệp may mặc xuất khẩu; 9 xưởng mộc quy mô lớn, hơn 100 cơ sở dịch vụ thương mại... Nhu cầu sử dụng nhân công của các tổ hợp sản xuất này là rất lớn, các chủ cơ sở phải tuyển dụng thêm lao động từ các địa phương khác từ Nam Định, Thái Bình sang. Hiện mức thu nhập một công nhân mỗi tháng từ 7 – 10 triệu đồng/người.

Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người dân An Ninh đã góp phần làm thay đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động tại địa phương theo hướng dịch vụ thương mại; sản xuất công nghiệp ngày càng tăng; tỷ lệ ngành nghề sản xuất nông nghiệp ngày càng bé lại nhưng theo hướng chuyên canh, có chiều sâu…

z4199793664895_6d33c425cdd7cb27eb470a876dfa2ecf

Người dân tự chăm sóc, tự quản con đường đi qua ngõ nhà mình.

Chị Lê Thị Ngần, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã An Ninh chia sẻ: “Người dân xã địa phương bị cuốn vào công việc, mọi người thực sự hào hứng, và lao động rất hăng say. Chính vì thế, khi hết giờ làm, phong trào thể dục, thể thao của cộng đồng đẩy lên rất mạnh. Đường sá, hạ tầng, nhà văn hoá thôn, các không gian, thiết chế văn hoá cộng đồng được đầu tư xây dựng khang trang…, người dân có không gian để sinh hoạt cộng đồng. Anh cứ tới các nhà văn hoá vào mỗi buổi chiều sẽ gặp rất đông thanh niên, người già, trẻ em… đến tập thể dục, thể thao. Cuộc sống tự mỗi người cảm nhận thấy giá trị, nên rất nền nếp, có ích hơn”, chị Ngần tự hào.

Bên con đường nông thôn mới đổ bê tông phẳng lỳ, rộng rãi, bà Trần Thị Khái (thôn An Thuận) vừa quét dọn đường xóm, vừa múc nước tưới đám hoa trồng ven đường đang tưng bừng khoe sắc. Bà cho biết, người dân từng thôn, xóm tự vận động tự quản, tự chăm sóc, dọn vệ sinh… đoạn đường trước ngõ nhà mình, để nâng giá trị cuộc sống lên.

Empty

Mô hình trồng dưa chuột trong nhà lưới đang được HTX dịch vụ nông nghiệp An Ninh thí điểm.

Chủ tịch UBND xã An Ninh, ông Phạm Trọng Tâm thông tin: thu nhập bình quân năm của mỗi người dân đang ở mức gần 65 triệu đồng. Chất lượng sống của bà con ngày càng nâng cao và thực chất hơn, kinh tế hộ gia đình phát triển theo hướng bền vững, kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường…

Đó cũng chính là căn cứ, cơ sở để chính quyền xã An Ninh mạnh dạn đăng ký với huyện, với tỉnh thực hiện thành công lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao vào tháng 9/2022, sau khi đã đạt xã kiểu mẫu (từ năm 2016). “Chúng tôi tự tin xã sẽ về đích nông thôn mới nâng cao – động lực để phát triển toàn diện các lĩnh vực của địa phương lên một tầm cao hơn nữa cả chất và lượng. Ngoài sự quyết liệt, trách nhiệm của hệ thống chính quyền, sự đồng lòng của bà con nhân dân là động lực lớn để hoàn thành nhiệm vụ đề ra”, ông Tâm tin tưởng.

Thông tin từ lãnh đạo xã An Ninh, kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM nâng cao của xã An Ninh, tổng kinh phí đã thực hiện đạt trên 150 tỷ đồng, trong đó người dân và con em xa quê đóng góp 1 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng các công trình văn hoá, công cộng tại địa phương; hiến đất, làm đường điện thắp sáng đường thôn, ngõ xóm…

z4191286948926_26d201dde0bc30852f8e429f1128363a

Bí thư Đảng uỷ xã An Ninh Lê Trọng Luyện.

Mô hình “thùng rác hữu cơ” bảo vệ môi trường

Tại xã An Ninh, người dân hồ hởi thực hiện  mô hình “Thùng ủ rác hữu cơ”. Nguyên liệu để làm men vi sinh ủ rác hữu cơ gồm: sữa chua, cám gạo, nước vo gạo để lên men trong vòng 3 ngày, sau đó cho sữa tươi, sữa chua để lên men trong vòng một tuần.

Sau khi lên men sẽ trộn với cám gạo theo tỷ lệ và ủ nén khí trong vòng 2 tuần, xã sẽ cung cấp cho bà con và rắc một lớp vào thùng rác thải hữu cơ. Sau một thời gian ngắn, khi men vi sinh bắt đầu hoạt hóa sẽ làm giảm bớt mùi khó chịu của rác thải hữu cơ, đồng thời tạo ra phân vi sinh hữu cơ dạng lỏng thân thiện với môi trường. Bà con pha loãng với nước để tưới cây, còn phần bã sẽ mủn được sử dụng như các giá thể vi sinh thông thường, rất hiệu quả.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.