| Hotline: 0983.970.780

Cần xử lý dứt điểm tranh chấp, tránh hệ lụy về sau

Thứ Tư 08/03/2023 , 07:10 (GMT+7)

Xuất khẩu thanh long ruột đỏ sẽ chưa ảnh hưởng nhiều do những 'lùm xùm' về bản quyền giống thanh long LĐ1, nhưng những lấn cấn về vấn đề này cần xử lý dứt điểm.

Nhìn từ xung đột thương hiệu cây vú sữa tím Tứ Quý

Năm 2022, ông Trần Anh Nhân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng Mỹ Phước (gọi tắt là HTX Mỹ Phước) huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng gửi đơn đến Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) với nội dung vào năm 2014, gia đình ông đã phát hiện giống vú sữa tím có khả năng chống chịu hạn mặn khá tốt, cho trái quanh năm, trái có vỏ mỏng, ít mủ khi ăn... và đã nhân rộng thành vườn vú sữa với diện tích 3,5ha.

Empty

Giống vú sữa Tứ Quý. Ảnh: Minh Đảm.

Bài liên quan

Theo đó, HTX đã gửi đơn đến Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng (Cục Trồng trọt) đăng ký bảo hộ cho giống vú sữa tím này với tên gọi Vú sữa tím Tứ Quý từ tháng 7/2021. Đồng thời, HTX đã ký hợp đồng khảo nghiệm với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và Sản phẩm cây trồng Quốc gia và đang chờ kết quả khảo nghiệm để đầy đủ hồ sơ bảo hộ giống. Tiếp đó, HTX cũng đã đăng ký nhãn hiệu giống Vú sữa tím Tứ Quý đến Cục Sở hữu trí tuệ và đang trong thời gian xét duyệt.

Bất ngờ, vào ngày 20/6/2022, Sở NN-PTNT Bến Tre có Quyết định số 406/QĐ- SNN công nhận vườn cây đầu dòng Vú sữa tím Tứ Quý BTR (Giấy công nhận số 248/GCN-SNN, ngày 20/6/2022) cho một chủ thể khác. Theo thông tin nêu trong giấy công nhận thì tên giống vú sữa trên lại đặt tên trùng với tên giống vú sữa của HTX Mỹ Phước (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đang được đăng ký bảo hộ.

Do đó, HTX Mỹ Phước đã đề nghị Cục Trồng trọt xem xét quyết định của Sở NN-PTNT Bến Tre vì cho rằng đã xâm phạm đến quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới của mình.

Theo đó, Cục Trồng trọt đã tổ chức cuộc gặp giữa các bên gồm Sở NN-PTNT Sóc Trăng, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre và đại diện hai đơn vị tranh chấp. Sau khi ngồi lại với nhau, trên tinh thần hài hòa, không gây ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản, các bên đã tìm được tiếng nói chung.

Vào ngày 13/2/2023, Sở NN-PTNT Bến Tre đã có công văn gửi đến Cục Trồng trọt xin cấp giấy công nhận tên gọi giống mới là Vú sữa tím Bốn Mùa (thay đổi so với trước đó là Vú sữa tím Tứ Quý BTR).

Nhiều quan điểm về sở hữu bản quyền giống thanh long LĐ1

Nhìn từ vụ tranh chấp bản quyền giống vú sữa tím Tứ Quý, mới đây, Cục Trồng trọt đã phải vào cuộc xung quanh vấn đề bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 do Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit làm chủ sở hữu, có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng bản quyền của Viện Cây ăn quả miền Nam.

Empty

Giống thanh long ruột đỏ do Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo. Ảnh: Minh Đảm.

Bài liên quan

Cụ thể, một số doanh nghiệp thu mua sản phẩm thanh long ruột đỏ LĐ1 ngã ngửa khi Nhật Bản, Hàn Quốc không cho phép thanh long của một số doanh nghiệp được xuất khẩu vào thị trường này, phía bạn yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải có mã số vùng trồng đối với thanh long ruột đỏ. Trong khi, bản quyền giống thanh long ruột đỏ lại do Viện Cây ăn quả miền Nam và nhóm tác giả lai tạo đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit trước đó với giá 5 tỷ đồng. 

Điều oái oăm là theo một số nông dân trồng thanh long xác nhận, chính họ đã mua cây giống thanh long ruột đỏ LĐ1 của Viện Cây ăn quả miền Nam cách đây hàng chục năm, khi Viện Cây ăn quả miền Nam còn chưa bán bản quyền giống thanh long này cho Công ty TNHH Hàng Phát Fruit. Vì vậy, nông dân đã thắc mắc tại sao đến nay, cây thanh long của họ trồng lại không có bản quyền?

Về những rắc rối này, TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam lý giải: Để được công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới theo quy định của Bộ NN-PTNT, giống thanh long ruột đỏ LĐ1 phải được sản xuất thử nghiệm với diện tích tối thiểu 50ha. Vì vậy, Viện đã phối hợp với một số hộ nông dân để cung cấp giống cho hộ sản xuất thử. Có thể, trong quá trình hợp tác trồng thử với Viện Cây ăn quả miền Nam, nông dân hiểu nhầm giữa việc cung cấp giống để trồng thử nghiệm với việc bán giống thương mại nên đã tự nhân giống thanh long ruột đỏ LĐ1 và phổ biến ra ngoài. Qua nhiều năm, diện tích trồng giống LĐ1 đã lên tới hàng chục nghìn ha là chuyện không thể tránh khỏi.

Empty

Diện tích trồng thanh long ruột đỏ hiện nay đã lên đến hàng chục nghìn ha. Ảnh: Minh Đảm.

Bài liên quan

Đây cũng là giai đoạn nhạy cảm, trong khi nông dân đã quen tập tính sản xuất tự phát nên xảy ra tình trạng giống mới bị tuồn ra ngoài trước khi được công nhận. Trên thực tế, đã xảy ra không ít trường hợp giống cây trồng đang trong quá trình khảo nghiệm, chưa được công nhận giống, không có bản quyền, không đảm bảo chất lượng... được trồng ồ ạt.

Để giải quyết vấn đề trên, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần vào cuộc để có biện pháp kiểm soát chặt hơn trong quá trình khảo nghiệm giống cây trồng mới.

TS Phạm Thị Bé Tư, giảng viên Khoa Di truyền và Chọn giống cây trồng (Trường Đại học Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: Vấn đề cấp bản quyền giống cây trồng hiện nay đang là điều rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi và nguồn kinh phí cho đơn vị, tổ chức, cá nhân nghiên cứu tái đầu tư. Đồng thời, thể hiện sự công bằng đối với tác giả giống cây khi xảy ra tranh chấp.

Song, việc khảo nghiệm giống cây trồng hiện nay còn gặp một số khó khăn, tốn nhiều thời gian, chi phí, kiểm soát chưa chặt trong quá trình trồng khảo nghiệm. Ví dụ để công nhận bản quyền một giống lúa, phải tốn ít nhất 4 năm, với diện tích tối thiểu là 50ha, trên nhiều địa phương.

Nhắc về chuyện bản quyền cây thanh long ruột đỏ LĐ1, theo TS Phạm Thị Bé Tư, giống cây trồng này được Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển giao bản quyền cho doanh nghiệp tư nhân là không sai theo quy định. Vấn đề hiện nay là để làm sao giải quyết thỏa đáng được "chuyện đã rồi" thì đòi hỏi mỗi bên nên vì lợi ích chung, ngồi lại thương lượng, hài hòa để không một đơn vị, cá nhân nào chịu ảnh hưởng, dẫn đến chia rẽ, làm đứt gãy chuỗi giá trị nông sản.

Empty

Vấn đề bản quyền giống thanh long LĐ1 sẽ chưa tác động đáng kể tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu thanh long của nước ta, song về lâu dài cần giải quyết dứt điểm. Ảnh: Minh Đãm.

Hiện nay, hơn 90% sản lượng thanh long của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, vấn đề bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1 sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Nhưng về lâu dài, trái thanh long (trong đó có thanh long ruột đỏ LĐ1) xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... là một hướng đi nhiều triển vọng, vì vậy những vấn đề còn lấn cấn xung quanh chuyện bản quyền giống thanh long LĐ1 cần phải được nghiên cứu giải quyết triệt để ngay từ bây giờ.

Về giải pháp lâu dài, một chuyên gia về cây ăn quả cho rằng, cơ quan nhà nước có thể xem xét, tính đến phương án đàm phán để mua lại bản quyền giống thanh long LĐ1 này từ Hoàng Phát Fruits để tất cả nông dân cùng được hưởng lợi. Việc nhà nước mua lại bản quyền để người dân "xài chung" cũng là hướng đi có tính khả thi, lâu dài, góp phần tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận thuận lợi hơn với giống thanh long này để phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Không ai được "sử dụng miễn phí" bản quyền giống

Cũng xung quanh câu chuyện chủ sở hữu bản quyền giống thanh long LĐ1, ông Nguyễn Thanh Minh, Chánh Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng (Cục Trồng trọt) cho rằng: Chủ sở hữu/tác giả giống cây trồng phải chi phí thời gian, tiền của cho quá trình chọn tạo, đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới. Đây là quá trình có nhiều rủi ro, tốn kém rất nhiều chi phí.

Sau khi được cấp quyền (được bảo hộ), họ có nghĩa vụ nộp phí duy trì hiệu lực bằng bảo hộ hàng năm cho nhà nước. Do vậy, bảo hộ giống cho phép chủ sở hữu độc quyền khai thác hoặc cấp phép cho người khác khai thác quyền và thu lại tiền bản quyền để bù đắp các chi phí nêu trên.

Empty

Thanh long ruột đỏ là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu có nhiều dư địa. Ảnh: Minh Đãm.

Hãy hình dung, trước khi có giống thanh long LĐ1, đã có bao nhiêu giống thanh long được tạo ra mà không được sản xuất chấp nhận, trường hợp này, các chi phí nghiên cứu chọn tạo coi như mất không. Ngược lại, trong trường hợp tới đây có giống thanh long khác hơn hẳn giống LĐ1, người sản xuất sẽ thay thế giống LĐ1. Khi đó, chủ sở hữu quyền khó có điều kiện thu lại số tiền đã bỏ ra khi mua giống LĐ1.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên giao lại cho Viện Cây ăn quả miền Nam để cho phép nông dân trồng. Khung pháp lý về bảo hộ giống cây trồng của ta coi các giống cây trồng do các tổ chức công lập chọn tạo ra là giống của nhà nước nhưng giao cho tổ chức công lập thay mặt nhà nước khai thác quyền. Chúng ta cũng có quy định chi tiết tỷ lệ các phần tiền bản quyền thu được để chi cho tác giả, quỹ đời sống chung, giữ lại quỹ phát triển…

Như vậy có thể hiểu là không có chuyện "sử dụng miễn phí" quyền, dù của nhà nước hay tư nhân. Cũng không ai nói trước là liệu nếu Viện Cây ăn quả miền Nam vẫn là chủ sở hữu thì số tiền bản quyền họ thu sẽ cao hơn hay thấp hơn con số mà Hoàng Phát Fruit đưa ra tại cuộc họp ngày 16/2/2023 do Cục Trồng trọt chủ trì.

"Tiền bản quyền bao nhiêu là thỏa thuận giữa bên mua và bên bán. Tuy nhiên, luật hiện nay cũng quy định trong một số trường hợp cụ thể khi cần thiết, nhà nước có thể can thiệp bắt buộc chủ sở hữu quyền chuyển giao quyền cho một hoặc nhiều người khác khai thác quyền. Song chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo quyết định bắt buộc có các điều kiện cụ thể và không phải là miễn phí", ông Nguyễn Thanh Minh cho biết.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.