Bị cáo Robert Lloyd Schellenberg (Ảnh: The Week) |
Ngày 15/1, Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada đã cảnh báo: “Chúng tôi khuyến cáo các công dân Canada đề cao cảnh giác tại Trung Quốc trước những rủi ro có thể bị thi hành luật tùy tiện tại đây”.
Thông báo được phát đi ngay sau khi có thông tin một công dân Canada đã bị phía Bắc Kinh kết tội tử hình ngày 14/1 tại Tòa Trung cấp Nhân dân Đại Liên tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Theo đó, nghi phạm Robert Lloyd Schellenberg đã bị khép án tử hình vì tội buôn bán ma túy.
Giới quan sát cho rằng vụ việc Schellenberg bị kết án được cho là động thái trả đũa của Bắc Kinh sau sự việc Canada bắt giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu ngày 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc “lừa đảo các tổ chức tài chính”. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã yêu cầu Canada thả bà Mạnh ngay lập tức hoặc phải đối diện với hậu quả nghiêm trọng.
Bà Mạnh hiện đã được bảo lãnh tại ngoại, nhưng vẫn đang đối mặt với việc bị dẫn độ sang Mỹ.
Schellenberg, 36 tuổi, bị kết án 15 năm tù hồi tháng 11/2016, nhưng tòa án tối cao Liêu Ninh đã lật lại vụ án ngày 29/12/2018 vì cho rằng bản án đã quá “khoan hồng”.
Luật sư của bị cáo Schellenberg, Zhang Dongshuo, cho rằng bản án mới được công bố là “rất đáng tiếc” và phía thân chủ của ông có thể sẽ kháng án.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng Canada đã chuẩn bị để can thiệp vào vụ án của Schellenberg.
“Chính phủ Canada bày tỏ sự quan ngại to lớn, và tôi nghĩ mọi đồng minh và bạn bè quốc tế của chúng tôi cũng nên như vậy khi Trung Quốc đã chọn lựa việc áp dụng hình phạt tử hình một cách tùy tiện, trong trường hợp này là với một công dân Canada”, ông Trudeau nói ngày 14/1.
Chỉ vài ngày sau khi Canada bắt bà Mạnh, Trung Quốc cũng đã bắt 2 công dân Ottawa khác là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc gây nguy hại tới an ninh quốc gia Trung Quốc. Canada, EU, Mỹ và một số quốc gia khác đã chỉ trích việc Trung Quốc bắt giữ 2 ông Spavor và Kovrig là hành động tùy tiện.
Phil Calvert, cựu Đại sứ Canada và nhà nghiên cứu kỳ cựu tại đại học Victoria (Canada), cho biết căng thẳng bùng phát từ các vụ bắt giữ công dân lẫn nhau sẽ khiến Bắc Kinh và Ottawa khó lòng đạt được thỏa thuận cho một hiệp ước thương mại tự do giữa 2 nước. Ông Calvert cho rằng các hành động trả đũa của Trung Quốc dường như không những không thể giúp gì họ trong vụ việc của bà Mạnh mà họ còn tự gây tổn hại đến chính mình với cách tiếp cận như vậy.
Chuyên gia này cũng nhận xét rằng hiện áp lực đang đổ dồn lên Canada do tòa Trung cấp Đại Liên cho Schellenberg 10 ngày để kháng cáo lên cấp cao hơn.
Ông Calvert cũng cho hay vụ việc này có thể ảnh hưởng tới quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài tới Trung Quốc làm việc vì Bắc Kinh được cho là phản ứng quá mạnh mẽ khi một quốc gia thực thi hành động pháp lý theo pháp quyền chống lại một tập đoàn lớn của họ.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu trực thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 14/1 cho biết việc kết án bị cáo Schellenberg không có liên quan tới vụ bà Mạnh và Bắc Kinh không “chính trị hóa” luật pháp.