| Hotline: 0983.970.780

Cảng cá hiện đại ở Busan

Thứ Tư 03/03/2021 , 06:28 (GMT+7)

Trong nỗ lực thoát thẻ vàng IUU, Hàn Quốc đã ra nhiều chế tài cứng rắn và xây dựng Busan thành một cảng cá hiện đại bậc nhất khu vực Đông Bắc Á.

Quy hoạch cụm nuôi trồng thủy sản thông minh ở Busan.

Quy hoạch cụm nuôi trồng thủy sản thông minh ở Busan.

Tháng 12/2020, Busan thông qua dự án xây dựng cụm nuôi trồng thủy sản thông minh, nhằm thử nghiệm và giới thiệu các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data) và Internet vạn vật (internet-of-things). Cụm công nghiệp này sẽ là phần trung tâm của khu phức hợp công nghệ cao tích hợp sản xuất, phân phối, chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn nhất khu vực Đông Bắc Á.

Theo dự kiến, cụm nhà máy sẽ được hoàn thành vào tháng 8/2022, cách thủ đô Seoul 325 km về phía đông nam. Đây sẽ là nơi thử nghiệm để phát triển các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất của các sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

Chính quyền Busan cho biết, khoảng 36 triệu USD sẽ được đổ vào hệ thống này, bao gồm một trung tâm dữ liệu lớn và các đường ống để lưu thông nước. Khi đưa vào hoạt động, cụm công trình này sẽ là trung tâm của một khu phức hợp lớn bao gồm sản xuất, chế biến, phân phối và xuất khẩu cá vào năm 2025, đồng thời là một địa điểm du lịch tại Busan.

Một góc cảng Busan, nơi các tàu neo đậu.

Một góc cảng Busan, nơi các tàu neo đậu.

Cụm nuôi trồng thủy sản này là kế hoạch mới nhất được Busan dùng để phát triển hệ thống hạ tầng khu cảng cá. Vốn là cảng chính của Hàn Quốc, xử lý khoảng 40% hàng hóa ra nước ngoài, 80% hàng container và 40% sản lượng thủy sản quốc gia, Busan còn là cơ sở neo đậu, cơ sở lưu trữ, bốc dỡ, phân phối hàng hóa. Với quyết tâm trở thành cảng lớn nhất Đông Bắc Á, Busan tạo ra nhiều khu chợ bán hàng trực tiếp tại cảng và cung cấp nhiều tiện ích cho hành khách.

Nổi bật ở khu cảng cá Busan là chợ cá Jagalchi, vốn được thành lập từ năm 1963 và hiện có trên 500 gian hàng với đầy đủ các loại hải sản tươi sống. Do nằm sát bờ biển, ngay rìa cảng Nampo, nên mọi hải sản được đánh bắt đều được vận chuyển dễ dàng về chợ Jagalchi, bất kể ngày hay đêm. Nhiều du khách tới chợ cảm thấy thích thú trước cảnh cá vẫn còn giãy trên đĩa và được chế biến ngay trước mắt. 

Jagalchi thực tế chỉ là một con ngõ dài và hẹp chạy song song với vịnh. Ngay sau khi rời tàu điện ngầm tại ga Jagalchi, đi thẳng ra biển, bất kỳ ai, dù là lần đầu tới đây, cũng dễ dàng nhìn thấy khu chợ sầm uất. Khác với nhiều chợ cá khác, Jagalchi có không khí trong lành. Chỉ có một chút vị mặn mặn của biển cả, thay vì mùi tanh, nồng của hải sản. Khi dạo một vòng quanh khu chợ, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh du khách dạo chơi tại đây.

Dù các thùng hàng hải sản được chuyển tới chợ liên tục, Jagalchi cũng như nhiều khu chợ khác tại cảng Busan, không hề lộn xộn, ngược lại rất gọn gàng, sạch sẽ. Những món ăn tươi được sơ chế, thậm chí cho thử trước khi mua, kể cả đồ ăn sẵn.

Khung cảnh chợ cá Jagalchi.

Khung cảnh chợ cá Jagalchi.

Buổi sáng tại khu cảng cá Busan bắt đầu từ khá sớm, khoảng 3, 4h sáng, và luôn sôi động cho đến lúc tối mịt. Chợ hải sản Busan được chia thành nhiều khu riêng biệt. Tại những chợ đầu mối, người mua kẻ bán gần như hoạt động 24/24.

Ngoài trải nghiệm tại khu chợ, người dân Hàn Quốc hay khách du lịch có thể ghé thăm khu lồng ấp sát cảng biển. Ngay bên cạnh là dãy quầy hàng ven biển, phía sau là hàng trăm tàu đánh cá neo đậu. Johannes, một ký giả của trang web du lịch nổi tiếng tại Nhật Bản, cho biết, ông đã tới Busan vài lần và lúc nào cũng thấy cảnh tượng đó. "Lúc nào cũng có tàu đậu tại đây, nơi có thể nhìn thẳng ra vịnh Busan", ông kể.

Nhờ việc thiết kế cảng cá kết hợp với khu neo đậu tránh bão như trên, lượng tàu cá hoạt động thường xuyên tại Busan rất đông đảo. Trước khi về bờ, tàu thường phải "xếp lốt" và chờ tới lượt mới được vào cảng.

Khu chợ Busan, liền kề cảng cá, chủ yếu được điều hành bởi những ajumma (phụ nữ trung niên).

Khu chợ Busan, liền kề cảng cá, chủ yếu được điều hành bởi những ajumma (phụ nữ trung niên).

Ngoài kinh doanh du lịch, Busan còn quy hoạch một khu vực kè dành riêng cho những người thích câu cá. Trên một bãi rộng, nơi chứa được cùng lúc hàng trăm chiếc ô tô tại bờ kè phía Đông Gamcheonhang, vào những ngày nắng ấm, người dân có thể tổ chức picnic cả ngày mà không hề bị khu chợ cá ảnh hưởng.

Bức tranh nhiều màu sắc của cảng cá Busan hiện nay tương phản với những gì xảy ra hồi 2013, khi Hàn Quốc bị EU, sau đó là Mỹ "cảnh cáo" phạt thẻ vàng IUU (các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý). Để đối phó, Hàn Quốc thực hiện song song việc nâng cấp, đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở, và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thủy sản theo yêu cầu của EU.

Nhiều người tới cảng Busan để trải nghiệm thú vui câu cá.

Nhiều người tới cảng Busan để trải nghiệm thú vui câu cá.

Nhiều biện pháp cứng rắn đã được Hàn Quốc tiến hành từ năm 2013, như bắt buộc các tàu đánh cá phải treo hệ thống định vị, vệ tinh có thể theo dõi hoạt động 24/24, sản lượng khai thác cũng cần cập nhật hàng ngày... Những cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền tới 400.000 USD, thậm chí đi tù.

Sự quyết liệt được thể hiện rõ trong trường hợp tàu Insung số 7 nặng 647 tấn. Tàu này ra khơi vào cuối năm 2013, và bị phát hiện đi nhiều lần vào Vùng đặc quyền kinh tế của Argentina. Đây là một hoạt động trái phép, vi phạm IUU. Để đối phó, Hàn Quốc ra quyết định cấm thu mua thủy sản từ tàu này, sau khi có đủ chứng cứ về việc tàu đánh bắt cá tuyết Patagonian bất hợp pháp. 

Tàu Insung số 7 lênh đênh trên biển nhiều ngày.

Tàu Insung số 7 lênh đênh trên biển nhiều ngày.

Lệnh cấm dành cho tàu Insung số 7 gây nhiều tranh cãi trong công luận, nhưng Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc kiên quyết từ chối cấp Giấy chứng nhận đánh bắt dựa trên hệ thống giám sát tàu. Trong nhiều tháng sau đó, tàu lênh đênh trên biển và chỉ có thể vào cảng để mua vật tư và dầu.

Thủy thủ đoàn 30 người bao gồm cả thuyền trưởng đã báo cáo với truyền thông Hàn Quốc, rằng họ trong tình trạng tồi tệ. Vụ việc chỉ ngã ngũ trong khoảng gần một năm sau đó. Tàu được cho phép cập bến Uruguay vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, toàn bộ số hải sản đánh bắt đã bị hỏng sau hàng trăm ngày trên biển.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm