| Hotline: 0983.970.780

Kết luận nội chiến vùng keo: Hàng loạt cơ sở 'phớt lờ' chỉ đạo của tỉnh Thanh Hoá

Chủ Nhật 31/12/2023 , 07:43 (GMT+7)

Nhiều cơ sở thu mua, chế biến keo gỗ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vi phạm sử dụng đất tiếp tục hoạt động sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hàng chục cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm

Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh kết quả kiểm tra, xử lý cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Qua kiểm tra, rà soát, lực lượng chức năng phát hiện hàng hàng chục cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo vi phạm, trong đó chủ yếu là hành vi vi phạm sử dụng đất.

Cụ thể: Tại huyện Như Thanh có 17/31 cơ sở thu mua chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn có vi phạm, trong đó 11 cơ sở có vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; 10 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực sử dụng đất; 7 cơ sở vi phạm liên quan tới sử dụng điện; 10 cơ sở liên quan tới lĩnh vực quy hoạch, xây dựng. Tổng số tiền phạt đối với các hành vi vi phạm nên trên là hơn 220 triệu đồng.

Công ty TNHH MTV thương mại Nguyễn Minh (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư đã thực hiện dự án. Vậy nhưng huyện Cẩm Thủy báo cáo rằng, huyện không có cơ sở vi phạm. Ảnh: XQ.

Công ty TNHH MTV thương mại Nguyễn Minh (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư đã thực hiện dự án. Vậy nhưng huyện Cẩm Thủy báo cáo rằng, huyện không có cơ sở vi phạm. Ảnh: XQ.

Tuy nhiên, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng, UBND huyện Như Thanh chưa báo cáo kết quả chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và việc thực hiện các biện pháp khắc phục đối với các cơ sở vi phạm trong phòng cháy chữa cháy, vi phạm trong lĩnh vực đất đai; chưa làm rõ có vi phạm hay không vi phạm liên quan đến lĩnh vực quy hoạch xây dựng của 10 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo.

Tại huyện Thạch Thành có 3 cơ sở vi phạm về sử dụng đất đai; 2 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; 7 cơ sở vi phạm về sử dụng đất đai. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính 6 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực đất đai và đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Tổng số tiền phạt (sơ bộ) đối với các chủ cơ sở vi phạm là hơn 36 triệu đồng.

Tại huyện Như Xuân có 3 cơ sở vi phạm với hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp xây dựng nhà xưởng trái phép. Tổng số tiền phạt hơn 67 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm…

Ngoài ra, đến ngày 19/12 có 15 huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng, trong đó có 3 đơn vị hiện có vi phạm gồm: Cơ sở tại phường Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa vi phạm thủ tục không lập sổ theo dõi nhập xuất lâm sản; thị xã Nghi Sơn có 1 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại phường Mai Lâm.

Trên địa bàn huyện Triệu Sơn có 5 cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn 4 xã, thị trấn. Đến nay, UBND các xã, thị trấn có cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát đang lập, hoàn thiện hồ sơ để xử lý vi phạm quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, không đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh...

Xử phạt xong, không khắc phục hậu quả, vẫn tiếp tục hoạt động

Cần phải nói thêm rằng, sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện loạt bài “Nội chiến vùng keo nguyên liệu”, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo, trong đó yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh kiểm tra, rà soát toàn diện các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn về điều kiện sản xuất, kinh doanh, quản lý đất đai, về môi trường, điều kiện an toàn lao động... nhằm ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm đã được kiểm tra và không để tái diễn tình trạng như nội dung Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam phản ánh.

Đặc biệt, văn bản chỉ đạo nêu rõ: “Trường hợp các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính, không có biện pháp khắc phục, cố tình hoạt động thì thực hiện trình tự, thủ tục cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm hoặc lập hồ sơ thu hồi đất theo đúng thẩm quyền và quy định của Luật Đất đai”.

Cơ sở chế biến của hộ gia đình ông Bùi Văn Sứ (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành) chưa khắc phục vi phạm nhưng vẫn tiến hành hoạt động. Ảnh: XQ.

Cơ sở chế biến của hộ gia đình ông Bùi Văn Sứ (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành) chưa khắc phục vi phạm nhưng vẫn tiến hành hoạt động. Ảnh: XQ.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trực tiếp khảo sát các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tại huyện Như Xuân, Thạch Thành, Như Thanh sau khi cơ quan có thẩm quyền có kết luận kiểm tra, xử lý vi phạm. Thực tế cho thấy, sau khi các cơ sở thu mua, chế biến bị xử phạt vi phạm hành chính (chủ yếu là vi phạm sử dụng đất), nhiều chủ cơ sở không những không tuân thủ theo chỉ đạo của tỉnh về việc tháo dỡ công trình mà còn tiếp tục hoạt động như chưa hề có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Điển hình như: Tại huyện Thạch Thành, cơ sở chế biến của hộ gia đình ông Bùi Văn Sứ (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành) có hành vi tự ý chuyển mục đích đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp và hành vi hủy hoại đất. Trước đó cơ sở này đã bị UBND xã Thạch Sơn xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai đối với cơ sở này số tiền 3,5 triệu đồng.

Tại nông trường Thạch Quảng, hộ kinh doanh của ông Đàm Minh Tuyến (xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành) cũng bị lập biên bản vi phạm hành chính vì hành vi hủy hoại đất. Các cơ sở này đã được Báo Nông nghiệp Việt Nam nhắc tên trong các bài viết trước vẫn tiếp tục hoạt động sau khi xử lý vi phạm và không khắc phục vi phạm.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tại nông trường Thạch Thành vi phạm sử dụng đất, lập biên bản vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động khi chưa khắc phục hậu quả triệt để. Ảnh: XQ.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tại nông trường Thạch Thành vi phạm sử dụng đất, lập biên bản vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động khi chưa khắc phục hậu quả triệt để. Ảnh: XQ.

Khảo sát tại huyện Như Xuân cho thấy, vẫn còn tình trạng một số cơ sở vi phạm sử dụng đất vẫn hoạt động sau khi bị chính quyền lập biên bản xử lý. Cụ thể: Cơ sở thu mua, chế biến keo gỗ tại thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa (gần cầu Xà Manh) chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất để hoạt động. Trên diện tích đất rộng cả nghìn m2 xuất hiện nhà xưởng, máy băm dăm, bãi tập kết gỗ keo... Sau nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản xử lý vi phạm, UBND huyện Như Xuân đã yêu cầu cơ sở này dừng hoạt động.

Ngoài ra, UBND huyện Như Xuân đã thành lập tổ công tác lưu động tại các địa phương, do Chủ tịch UBND các xã làm tổ trưởng để theo dõi, giám sát việc hoạt động của các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo sau khi bị xử lý vi phạm. Đến nay 6/6 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tại huyện Như Xuân đã dừng hoạt động vì chưa đủ thủ tục pháp lý và có vi phạm đất đai.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tại thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng vẫn hoạt động. Mới đây lực lượng chức năng đã dừng hoạt động cơ sở này. Ảnh: XQ.

Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tại thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng vẫn hoạt động. Mới đây lực lượng chức năng đã dừng hoạt động cơ sở này. Ảnh: XQ.

Tại huyện Như Thanh, sau khi UBND huyện kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm, tình trạng nhiều cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục hoạt động. Điển hình phải kể đến vi phạm của cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo Tân Tiến (khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung). Cơ sở này được kết luận vi phạm trong lĩnh vực đất đai, vi phạm quy hoạch, xây dựng, vi phạm phòng cháy chữa cháy. Đáng nói là diện tích đất cơ sở sản xuất này rộng hơn 9.000m2, trong đó có hơn 400m2 đất ở, nhưng phía trong khuôn viên khu đất được xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (nhà điều hành, xưởng chế biến, bàn cân, bãi tập kết nguyên liệu…). Dù bị xử phạt nhưng hành vi vi phạm về đất đai tại đây vẫn chưa được khắc phục. 

Ngoài ra, các trạm cân tự phát có dấu hiệu tự phát, sai quy hoạch, mục đích sử dụng đất tại xã Cán Khê, Hải Long, Xuân Khang, Mậu Lâm… vẫn tiếp tục hoạt động. Tình trạng "bội thực" các trạm cân tự phát trên địa bàn huyện không những không được khắc phục và tiếp tục phát sinh thêm một số điểm thu mua mới.

Tại huyện Cẩm Thủy, xuất hiện một số cơ sở chế biến gỗ keo có dấu hiệu vi phạm sử dụng đất, điển hình như Công ty TNHH MTV thương mại Nguyễn Minh. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và chưa được thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Dù bị xử phạt vi phạm về sử dụng đất, nhưng doanh nghiệp này vẫn hoạt động trở lại không lâu sau đó. Thế nhưng, tại báo cáo gửi tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Cẩm Thủy khẳng định: Hiện tại các cơ sở trên hoạt động bình thường, không gây mất trật tự, an ninh thị trường và các hành vi vi phạm khác (báo cáo sai sự thật).

Trước thực tế trên, Sở NN-PTNT đã đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét trách nhiệm lãnh đạo các huyện không chấp hành nghiêm túc báo cáo theo chỉ đạo của tỉnh; chỉ đạo các huyện nghiêm túc xử lý dứt điểm vi phạm sau kiểm tra...

Tại cuộc họp báo Quý IV do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin tới lãnh đạo tỉnh về thực trạng hoạt động các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ nhiều cơ sở vi phạm sử dụng đất chưa khắc phục vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động.

Về việc này, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nói thẳng: “Loạt bài "Nội chiến vùng keo nguyên liệu" mà Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu tôi đọc không sót bài nào. Tỉnh sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo, đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát lại, nếu không xử lý triệt để sẽ kiểm điểm các huyện để xảy ra tình trạng nêu trên”.

Xem thêm
Cảnh báo nạn trộm cắp cà phê đầu vụ thu hoạch

GIA LAI Một số vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng bẻ cành, hái trộm cà phê chín sớm khi vụ thu hoạch đang cận kề và giá cao hơn nhiều năm.

Phát hiện người đàn ông treo cổ tại rừng thông

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được danh tính người đàn ông treo cổ tử vong tại rừng thông do không mang theo giấy tờ tùy thân.