| Hotline: 0983.970.780

Nhếch nhác cảng cá

Cảng xuống cấp là lực cản tiến lên nghề cá hiện đại

Thứ Ba 15/03/2022 , 07:01 (GMT+7)

Quá trình chuyển từ nghề cá nhân dân tiến lên nghề cá hiện đại tại một số tỉnh miềng Trung đang gặp khó khăn do hệ thống cảng cá hiện còn rất yếu kém.

Vùng nước trong Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) chật hẹp khiến tàu cá neo đậu trong mùa mưa bão va đập gây hư hỏng. Ảnh: Đình Thung.

Vùng nước trong Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) chật hẹp khiến tàu cá neo đậu trong mùa mưa bão va đập gây hư hỏng. Ảnh: Đình Thung.

Xuống cấp hàng loạt

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, tỉnh này có 2 cảng cá loại II là Ninh Chữ, Cà Ná và 2 cảng cá loại III là Đông Hải và Mỹ Tân. Tuy nhiên, do hạ tầng các cảng cá được đưa vào sử dụng đã lâu, đến nay một số hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng. Luồng và vũng đậu tàu của các cảng cá bị cạn, hẹp, do hàng năm bị bão lũ tác động. Hệ thống mương thu gom nước thải, đường nội bộ, mặt bằng cầu cảng bị hư hỏng, bong tróc. 

Đặc biệt, Cảng cá Đông Hải là cảng cá trung tâm phân phối hàng hóa hải sản đi các địa phương lân cận, nhưng thực trạng hiện nay diện tích đất chỉ có 1,8ha, không đảm bảo theo tiêu chí cảng cá loại II là phải có diện tích đất từ 2,5ha trở lên. Thêm vào đó, khu tiếp nhận bốc dỡ hàng hóa hải sản chưa có mái che ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản sản phẩm sau khai thác. 

“Do tình trạng xuống cấp mà các cảng cá ở Ninh Thuận phần nào đã ảnh hưởng đến các tàu cá trong và ngoài tỉnh ra vào cảng mua bán sản phẩm. Mặt khác, cơ sở hạ tầng cảng cá xuống cấp cũng ảnh hưởng đến công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng kịp thời việc truy xuất nguồn gốc thủy sản sau khai thác”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, cho hay.

Còn ở Phú Yên, theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, toàn tỉnh này có 4 cảng cá gồm: Cảng cá Tiên Châu, Dân Phước, Đông Tác, Phú Lạc và 2 bến cá gồm Xuân Cảnh, phường 6. Trong đó, Cảng cá Đông Tác quy hoạch loại I nhưng đầu tư chưa đáp ứng tiêu chí nên công bố loại II. Hạ tầng cảng cá này cơ bản đáp ứng cho đội tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 m trở lên. Tuy nhiên, điều hạn chế hiện nay tại các cảng cá luồng lạch bị bồi lấp cạn hẹp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào nhưng chưa được thực hiện nạo vét.

Tại Bình Thuận, Cảng cá Phan Thiết là cảng cá loại 1, được đưa vào sử dụng vào năm 2.000, có 3 khu gồm: Bến Cồn Chà, bến 40CV và bến 400CV. Sau nhiều lần nâng cấp, hạ tầng của bến 400CV của Cảng cá Phan Thiết hiện đã khá hoàn thiện, tuy nhiên, đối với bến 40CV hiện nay hạ tầng cơ sở còn lạc hậu, luồng lạch bồi lấp, nên gây khó khăn, nguy hiểm cho các tàu cá ra vào khu vực này.

“Cầu cảng này được đầu tư xây dựng gần 20 năm với chiều dài 360m. 7 năm về trước, cầu cảng đáp ứng công suất tàu thuyền ra vào cập cảng, nhưng những năm sau đó, luồng lạch khu khu vực này bị bồi lấp nên không còn phát huy hiệu quả” đại diện BQL Cảng cá Phan Thiết nói.

Theo ghi nhận chúng tôi, tại khu cầu cảng này hiện khoảng 120m bị bồi lấp nên không có tàu cá nào cập được. Từ đó các tàu phải cập dồn ở bến Cồn Chà gây quá tải, khó khăn trong việc sắp xếp tàu vào bốc dỡ sản phẩm, nhất là vào cao điểm mùa vụ cá Nam cũng như mùa mưa bão.

Bến 40 CV của Cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận) bị bồi lấp cho nên không có tàu thuyền nào neo đậu bốc xếp hàng hóa. Ảnh: Kim Sơ.

Bến 40 CV của Cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận) bị bồi lấp cho nên không có tàu thuyền nào neo đậu bốc xếp hàng hóa. Ảnh: Kim Sơ.

Còn ở Quảng Nam, các cảng cá ở tỉnh này hiện nay vẫn chưa được đầu tư tương xứng, trong khi đó thời gian sử dụng đã lâu khiến cho các hạng mục công trình dần xuống cấp, không đáp ứng được neo đậu, tránh trú bão của tàu thuyền cũng như hoạt động bốc dỡ, mua bán thủy sản.

Tại Cảng cá Tam Kỳ, phường An Phú (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam), một trong những cảng cá được quy hoạch đến năm 2020 là cảng cá loại II theo quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến thời điểm này, hiện trạng của cảng vẫn không có nhiều thay đổi. Trong khi đó, những công trình phục vụ cho hậu cần nghề cá như nhà kho, bến bãi sau hơn 10 năm sử dụng đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, nhếch nhác.

Mặc dù được quy hoạch là cảng nhưng thực chất hiện nay địa điểm này vẫn được người dân gọi với cái tên là bến cá. Bởi, từ trước cho đến nay, cảng cá Tam Kỳ vẫn chỉ là nơi các loại xe tải chở tôm, cá được ngư dân khai thác ở các địa phương trong và ngoài tỉnh vận chuyển lên sau đó phân phối cho các chợ.

Bớt nhếch nhác nhưng vẫn thiếu năng lực

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trong chuyến công tác các tỉnh miền Trung mới đây đã đánh giá, hệ thống khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá trên toàn quốc hiện đang rất yếu kém, chưa tương xứng với sự phát triển của nghề cá, nhất là khi nghề cá của Việt Nam đang có những bước chuyển từ nghề cá nhân dân tiến lên nghề cá hiện đại.

Ví như ở Bình Định, địa phương có 3 cảng cá đã được công nhận là cảng cá loại II, được tỉnh này và Bộ NN-PTNT công bố là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, đó là các cảng cá Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn), Đề Gi (huyện Phù Cát) và Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn). Sau nhiều lần nâng cấp, hiện 3 cảng cá nói trên đã thoát cảnh nhếch nhác, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu.

Cảng cá Quy Nhơn được đưa vào sử dụng năm 2012. Tổng diện tích vùng nước cảng 20,6ha, độ sâu luồng vào cảng 7m, diện tích vùng đất cảng 3,5ha, trang thiết bị chủ yếu phục vụ bốc dỡ hàng hóa được cơ giới hóa trên 70%, số lượt tàu cá về qua cảng trung bình 10.000 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt 37.000 tấn/năm.

Bến Cồn Chài ở cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận) hiện rất chất chội do bến 40CV không phát huy hiệu quả. Ảnh: Kim Sơ.

Bến Cồn Chài ở cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận) hiện rất chất chội do bến 40CV không phát huy hiệu quả. Ảnh: Kim Sơ.

Cảng cá Đề Gi đưa vào sử dụng năm 2014. Tổng diện tích vùng nước cảng trên 10ha, độ sâu luồng vào cảng 5m, diện tích đất cảng 2,5ha, trang thiết bị chủ yếu phục vụ bốc dỡ hàng hóa được cơ giới hóa trên 70%, số lượt tàu cá về qua cảng trung bình 7.300 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 20.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt 15.000 tấn/năm.

Còn Cảng cá Tam Quan có tổng diện tích vùng nước cảng 10ha, độ sâu luồng vào cảng 5m, diện tích đất cảng 3,8ha, trang thiết bị chủ yếu phục vụ bốc dỡ hàng hóa, số lượt tàu cá về qua cảng 20.000 lượt/năm, năng lực bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm, tổng sản lượng thủy sản lên cảng ước đạt  20.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện tại cảng cá Tam Quan đã được đầu tư xây dựng đáp ứng đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tuy nhiên, về các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá còn thiếu hụt trầm trọng, phải phụ thuộc vào các bến cá tư nhân.

“Riêng tỉnh Bình Định hiện có gần 6.000 tàu cá, đó là chưa nói đến khoảng 200-300 tàu cá các tỉnh khác về neo đậu trong những mùa mưa bão, thế nhưng năng lực tại các khu neo nậu chỉ có thể tiếp nhận khoảng 5.300 tàu. Cơ sở hạ tầng nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tuy đã được đầu tư, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản. Đặc biệt, các khu neo đậu tàu thuyền hiện nay đã quá tải, thiếu trầm trọng nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đạt chuẩn, đáp ứng phục vụ nhu cầu cho tàu cá trong tỉnh và khu vực”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Theo Bộ NN-PTNT, trong những năm qua, mức đầu tư cho hạ tầng nghề cá là rất nhỏ giọt nên hầu như 146 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền và 125 cảng cá trên toàn quốc hiện đang có hạ tầng cơ sở rất yếu. Hạ tầng nghề cá nhếch nhác như vậy không đáp ứng cho ngành thủy sản với tiềm lực sản lượng đạt 8,5 triệu tấn/năm. Vì vậy, nếu không đầu tư hạ tầng sẽ rất khó tiến tới nghề cá hiện đại để hội nhập quốc tế.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm