Cảnh sát Trung Quốc lên tiếng cảnh báo việc lấy vợ Việt Nam đang có nhiều biến tướng, trở thành nạn “mua” vợ cùng nhiều mặt trái khác xảy ra.
>> Hành trình lấy vợ
>> Trai Trung lấy vợ Việt
Bất hợp pháp
Một người đàn ông hơn 30 tuổi vừa bị cảnh sát huyện Mã Yên Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc bắt giữ với tội danh “mua bán phụ nữ bất hợp pháp” hôm 8/7 vừa qua.
Theo cơ quan điều tra, Trần Văn vốn là nông dân trong vùng Mã Yên Sơn, do gia cảnh nghèo khó, tính cách lại trầm lặng, ít nói nên đã hơn 30 tuổi mà vẫn không lấy được vợ.
Tại đồn công an, Trần Văn khai rằng vài năm trước, có người trong làng thấy anh ta nhiều khả năng ế vợ nên khuyên tới Hà Khẩu – vùng biên giới giáp Việt Nam để tìm vợ.
Tại đây, Trần gặp một người đàn ông Việt Nam và được hứa rằng: Bỏ ra 20.000 NDT sẽ lấy được vợ người Việt Nam.
Sau một tuần gặp mặt, tìm hiểu, Trần mang vợ về nước và tổ chức vài mâm cơm mời họ hàng. Tuy nhiên, hai người không đăng ký kết hôn với chính quyền, nhưng vẫn sống như vợ chồng suốt thời gian qua.
Không nhiều cặp chồng Trung vợ Việt có được hạnh phúc
Cảnh sát tỉnh An Huy cho biết, trước tố cáo của người dân về nạn “mua” vợ Việt Nam vừa qua, cơ quan này đang có chiến dịch truy lùng và sẽ xử lý nghiêm với những trường hợp bị phát hiện.
Trước đó, hôm 6/7, nhiều tờ báo ở Trung Quốc cũng lên tiếng về vụ cô gái Việt Nam ở Phúc Kiến đến tận đồn cảnh sát tố việc bị chồng cưỡng ép bán dâm.
Sau khi điều tra sự vụ, cảnh sát Phúc Kiến cho biết, việc bị bán dâm là không có thật. Nguyên nhân khiến cô gái tố cáo là vì không chịu đựng nổi cuộc sống vất vả ở nhà chồng và không hiểu tiếng Trung Quốc. Thêm vào đó là nỗi nhớ nhà khiến cô gái đòi về quê thăm nhà nhưng người chồng không đồng ý.
Đại diện cơ quan cảnh sát Phúc Kiến nói với báo chí: “Họ có đăng ký kết hôn hợp pháp, chúng tôi không thấy dấu hiệu bạo hành nên không thể giúp cô gái về Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng cảnh báo việc nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam lấy vợ theo kiểu giao dịch, môi giới sẽ dẫn đến nhiều phức tạp sau này”.
Theo báo Phúc Kiến, năm 2011 chỉ có 13 trường hợp đăng ký kết hôn với phụ nữ Việt Nam. Trong khi chỉ nửa năm qua, có tới 97 trường hợp đàn ông tỉnh này kết hôn với các cô gái đến từ Việt Nam.
Điều đáng nói là đã có 3 cặp vợ chồng chia tay chỉ sau chưa đầy một tháng chung sống.
Số liệu điều tra của báo Phúc Kiến cho thấy, nếu cưới một phụ nữ Trung Quốc cần tốn ít nhất 10.000 NDT, trong khi để cưới phụ nữ Việt Nam chỉ cần khoảng 6.000 NDT.
“Việc qua Việt Nam lấy vợ vì nghĩ rằng phụ nữ Việt xinh đẹp hơn, cưới xin ít tốn kém hơn và biết chịu khổ hơn phụ nữ Trung Quốc là một suy nghĩ sai lầm và đang trở thành tệ nạn. Cảnh sát tỉnh Phúc Kiến đang mở chiến dịch điều tra, truy quét những cá nhân, tổ chức đứng ra môi giới hôn nhân bất hợp pháp”, bài điều tra của báo Phúc Kiến viết.
Báo này cũng cho hay, các cơ quan chức năng hiện chưa nhận được đơn tố cáo nào về việc bạo hành hoặc mua bán phụ nữ dưới dạng cưới vợ. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều phụ nữ Việt Nam sang lấy chồng Trung Quốc theo ngả đường bất hợp pháp, không đăng ký kết hôn, không có hộ tịch v.v.
Những trường hợp này khi bị phát hiện sẽ bị buộc về nước, trong khi người chồng sẽ bị kết tội dính líu mua bán phụ nữ.
Vỡ mộng
Năm 2010, báo Tin nhanh Trung Quốc từng có loạt bài cảnh báo trào lưu đổ xô sang Việt Nam lấy vợ của đàn ông nước này.
Theo đó, do nhiều địa phương Trung Quốc còn nghèo nên phụ nữ thường muốn ra thành phố làm rồi lập gia đình ở đó với mong muốn thoát nghèo. Thêm vào đó, tỷ lệ nam nữ quá chênh lệch tạo nên hiện tượng nhiều đàn ông Trung Quốc khó lấy vợ.
Trình độ tri thức thấp kém, hiểu biết mơ hồ về pháp luật là “đặc điểm chung” của những người đàn ông Trung Quốc bỏ tiền ra “cưới” phụ nữ Việt Nam.
Tin nhanh Trung Quốc khẳng định, chính quyền địa phương nhiều nơi ở Trung Quốc đều lên án chuyện sang Việt Nam “mua” vợ.
“Rất khó để quản lý, giám sát hiện tượng hôn nhân siêu quốc gia phi pháp giữa đàn ông bản địa với phụ nữ Việt Nam, bởi vì đa phần họ ở những vùng xa xôi hẻo lánh”, một quan chức địa phương được Tin nhanh Trung Quốc dẫn lời nói.
Theo thống kê của tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2012, các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn hơn 5.300 lượt người xuất cảnh nhập cảnh trái phép.
Trong quá trình làm thuê ở biên giới, một số phụ nữ đã được người bản địa hứa hẹn, lừa phỉnh nên tự nguyện ở lại. Một số trường hợp bị cưỡng ép, có con, nên chấp nhận cuộc sống vợ chồng miễn cưỡng.
Một số khác, bị lừa bán sang các vùng nông thôn Trung Quốc, làm vợ cho những người đàn ông lớn tuổi.
Người viết bài này từng gặp nhiều phụ nữ Việt lấy chồng Trung Quốc, sinh sống ở Nam Ninh, Quảng Tây. Đa phần họ đều cho rằng, nếu cưới xin thực sự do tình cảm nảy sinh thì còn có thể “tạm chấp nhận cuộc sống xa xứ”, nhưng lấy chồng qua môi giới thì gần như không có cặp đôi nào hạnh phúc.
Theo số liệu trên Tin nhanh Trung Quốc, tính riêng tại huyện Thanh Tân, thành phố Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông, ít nhất đã có tới hàng trăm phụ nữ Việt Nam “được gả” tới huyện này và đã sinh con đẻ cái.
Các khu vực miền núi xa xôi khác của tỉnh Quảng Đông như Thiều Quan, Mai Châu, thậm chí tại các miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Tây cũng có hiện tượng tương tự.
Sau vụ một số cô dâu Việt Nam bỏ về quê, hoặc đến đồn cảnh sát xin về nước như trong bài đã nêu, các tờ báo Trung Quốc những ngày qua lên tiếng kêu gọi cảnh sát vào cuộc triệt phá các trang web môi giới hôn nhân xuyên quốc gia. (hết)
“Rõ ràng có hiện tượng lợi dụng lỗ hổng pháp lý để lấy vợ chỉ vì suy nghĩ cho rằng bớt tốn kém chừng nào hay chừng đó. Theo luật định, hoạt động kiếm lời qua môi giới hôn nhân quốc tế là phi pháp. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xóa bỏ hiện tượng phi đạo đức này”, bài viết trên báo Phúc Kiến kêu gọi.