| Hotline: 0983.970.780

Cánh giác nguy cơ sâu bệnh hại lúa hè thu mùa mưa bão

Thứ Tư 03/07/2024 , 18:55 (GMT+7)

AN GIANG Để đảm bảo vụ lúa hè thu đạt năng suất ổn định, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp để quản lý dịch hại bền vững.

Hiện trên lúa vụ hè thu của tỉnh An Giang nhiễm 12 đối tượng sinh vật gây hại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện trên lúa vụ hè thu của tỉnh An Giang nhiễm 12 đối tượng sinh vật gây hại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết, vụ hè thu 2024 toàn tỉnh xuống giống trên 228 nghìn ha, tăng 0,11% so với cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 22.808ha lúa hè thu, năng suất trung bình 5,82 tấn/ha, tăng 0,07 tấn/ha so cùng kỳ. Các trà lúa còn lại đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trổ, chín và dự kiến thu hoạch rộ vào cuối tháng 7.

Về tình hình dịch hại, tính đến nay, trên lúa vụ hè thu nhiễm 12 đối tượng dịch hại với diện tích 67.617ha, cụ thể như rầy phấn trắng, sâu cuốn lá, chuột, bệnh cháy bìa lá…

Hiện nay, theo đánh giá, thời tiết từ đầu vụ hè thu 2024 nắng nóng gay gắt, thiếu nước, tạo điều kiện cho một số đối tượng sinh vật gây hại phát sinh. Bù lạch gây hại sớm và nông dân phun thuốc trừ bù lạch sớm khi lúa từ 10 - 15 ngày tuổi, ảnh hưởng đến hệ sinh thái đồng ruộng, làm giảm mật số thiên địch, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu rầy phát triển, đặc biệt là rầy phấn trắng.

Đối với rầy phấn trắng, hiện gây hại ở mức độ nhẹ, trung bình (diện tích nhiễm 9.988ha). Hiện trên đồng ruộng sâu bệnh hại vẫn được kiểm soát, theo dõi thường xuyên. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã khuyến cáo, hướng dẫn nông dân bám sát đồng ruộng, phòng trừ kịp thời sinh vật gây hại, bảo vệ năng suất lúa.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang kiểm tra sâu, bệnh hại trên lúa vụ hè thu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang kiểm tra sâu, bệnh hại trên lúa vụ hè thu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để đảm bảo vụ lúa hè thu đạt năng suất ổn định, Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang khuyến cáo bà con nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp, các tiến bộ bộ kỹ thuật trong sản xuất để quản lý dịch hại bền vững, cụ thể như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng. Đặc biệt lưu ý áp dụng triệt để biện pháp sạ thưa với lượng lúa giống từ 80 - 100kg/ha, bón phân cân đối theo nhu cầu cây lúa, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng", áp dụng biện pháp tưới nước ngập - khô xen kẽ trên đồng ruộng.

Về biện pháp canh tác, sau khi thu hoạch lúa cần diệt sạch cỏ lồng vực và cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của rầy phấn trắng, tránh lây lan sang vụ sau. Thường xuyên chăm sóc giúp cây lúa phát triển tốt, tăng sức chống chịu. Khi lúa bị nhiễm sâu bệnh nặng, cần phải giữ mực nước ruộng ổn định để giúp cây lúa nhanh hồi phục.

Khi rầy phấn trắng xuất hiện với mật số thấp, nông dân đã áp dụng biện pháp phun trừ nhiều lần, tăng liều, có những nông dân phun ngừa rầy phấn trắng và sâu cuốn lá. Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc ngày càng mạnh và gây chết thiên địch, một số loại thuốc gây nóng, cháy lá nhiều, ảnh hưởng đến khả năng trị rầy phấn trắng.

Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang khuyến cáo bà con nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để quản lý dịch hại bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang khuyến cáo bà con nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để quản lý dịch hại bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết thêm, thời gian tới ĐBSCL bước vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến bất thường sẽ ảnh hưởng đến lúa đang trổ, khiến lúa dễ bị nhiễm bệnh lem lép hạt và gây đổ ngã trên lúa chín sắp thu hoạch. Rầy phấn trắng có khả năng phát triển mạnh trên lúa giai đoạn làm đòng, trổ với mức độ từ nhẹ đến trung bình. Thời gian xuất hiện đến hết tháng 7/2024.

Trên đồng hiện nay, mật số phát triển và gây hại lúa của rầy phấn trắng trên diện rộng, chúng có thể phát tán, di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác khi bị động. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ phun thuốc khi rầy phấn trắng có mật số cao (trên 30 con/chồi), sử dụng thuốc BVTV cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

Khi phun thuốc cần đủ lượng nước sử dụng (40 - 60 lít nước/1.000m2), vòi phun cần đưa xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với ấu trùng rầy phấn trắng, có thể sử dụng chất bám dính nhằm tăng hiệu quả của thuốc đối với ấu trùng. Nên luân phiên thuốc để tránh việc kháng thuốc của rầy.

Xem thêm
Tây Ninh phát triển đàn bò thịt chất lượng cao: [Bài 2] Phát huy thương hiệu bò tơ

Từ thương hiệu 'Bò tơ Tây Ninh', nhiều doanh nghiệp, người dân đã tận dụng vị đặc trưng để tạo ra các sản phẩm bò tơ, giúp nâng tầm đặc sản địa phương.

Kiên quyết đóng cửa cơ sở giết mổ không đảm bảo

VĨNH PHÚC Một số địa phương tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm chết, mắc bệnh, gây bức xúc trong dư luận.

Trẻ hóa vùng bưởi già cỗi

Nhiều vườn bưởi bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ của nông dân tỉnh Vĩnh Long đã phục hồi, phát triển tốt, cho năng suất cao nhờ áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.