| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo tài khoản ngân hàng bị khóa

Chủ Nhật 12/01/2025 , 16:55 (GMT+7)

Đối tượng lừa đảo cố ý nhập sai mật khẩu nhiều lần, gây khóa tài khoản ngân hàng, sau đó giả nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt thông tin và tiền của khách hàng.

Gần đây, một số người dùng ngân hàng bất ngờ nhận được cuộc gọi từ những đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo tài khoản bị khóa và yêu cầu làm theo hướng dẫn để mở lại. Đây thực chất là một chiêu thức lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tài khoản và rút tiền của người dùng.

Suýt bị lừa

Chị Thùy Dung, một khách hàng củaVietinBank, kể lại rằng chị từng nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên Tổng đài 24/7 của ngân hàng. Người này thông báo tài khoản của chị đã bị khóa và yêu cầu làm theo hướng dẫn để mở lại. Vì nghi ngờ đây là hành vi lừa đảo, chị đã nhanh chóng tắt máy.

Thế nhưng, khi cần thực hiện giao dịch, chị bất ngờ phát hiện tài khoản của mình thực sự đã bị khóa. Nghĩ rằng cuộc gọi trước có thể là thông báo chính xác từ ngân hàng, chị gọi lại số điện thoại đó để nghe hướng dẫn. Sau khi truy cập vào đường link do đối tượng cung cấp, chị nhận được tin nhắn từ VietinBank báo đổi mật khẩu thành công. Tiếp theo, người gọi yêu cầu chị cung cấp số điện thoại và thông tin căn cước công dân.

Đối tượng lừa đảo cố ý nhập sai mật khẩu nhiều lần, gây khóa tài khoản ngân hàng điện tử của khách hàng để thực hiện hành vi chiếm đoạt thông tin.

Đối tượng lừa đảo cố ý nhập sai mật khẩu nhiều lần, gây khóa tài khoản ngân hàng điện tử của khách hàng để thực hiện hành vi chiếm đoạt thông tin.

Đến đây, chị đột ngột nhớ đến các cảnh báo từng đọc được về việc không cung cấp mã OTP hoặc thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Nhờ đó, chị đã kịp dừng lại trước khi kẻ gian hoàn thành ý đồ chiếm đoạt tài khoản.

Chị Nguyễn Ánh Hồng cũng trải qua một tình huống đầy căng thẳng khi bất ngờ nhận được thông báo tài khoản ngân hàng bị khóa. Tra cứu mã lỗi trên hệ thống, chị phát hiện tài khoản bị tạm khóa do có người cố gắng đăng nhập bằng khuôn mặt của chị nhiều lần nhưng không thành công. Lo lắng, chị gọi ngay đến tổng đài chính thức của ngân hàng và được xác nhận rằng tài khoản không gặp vấn đề nghiêm trọng. Nhân viên ngân hàng nhanh chóng hỗ trợ chị cấp lại mật khẩu, giúp tài khoản hoạt động trở lại bình thường.

Tương tự, anh Đặng Trần Ngọc cũng từng rơi vào bẫy của kẻ gian khi cung cấp mã OTP cho một đối tượng lừa đảo. Rất may, tài khoản của anh lúc đó chỉ còn một khoản tiền nhỏ nên thiệt hại không đáng kể. Sau đó, đối tượng yêu cầu anh chuyển thêm 2 triệu đồng để mở lại tài khoản. Nghi ngờ đây là hành vi lừa đảo, anh quyết định không thực hiện yêu cầu.

Chiêu thức lừa đảo mới

Theo cơ quan công an, đây là một chiêu lừa đảo mới mà các đối tượng đang áp dụng. Kẻ gian thường biết thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng và cố ý đăng nhập sai mật khẩu nhiều lần, khiến tài khoản bị khóa. Sau đó, chúng giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện hướng dẫn người dùng mở khóa qua một đường link. Khi nạn nhân làm theo, kẻ gian chiếm đoạt quyền truy cập và rút sạch tiền trong tài khoản.

Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, lý do kẻ gian có thể biết thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng là do nhiều người vô tình để lộ số tài khoản trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc sử dụng số điện thoại làm tài khoản đăng nhập ngân hàng điện tử cũng tạo điều kiện để chúng khai thác thông tin và thực hiện lừa đảo.

Nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài khoản

Cơ quan công an khuyến cáo người dân không nên làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ những cuộc gọi không rõ nguồn gốc. Nếu tài khoản bị khóa, cần bình tĩnh và liên hệ trực tiếp với ngân hàng thông qua tổng đài chính thức hoặc đến quầy giao dịch để được hỗ trợ.

Đặc biệt, người dùng tuyệt đối không cung cấp mã OTP, số căn cước công dân hay bất kỳ thông tin cá nhân nào qua điện thoại hoặc qua các liên kết được gửi bởi những người tự xưng là nhân viên ngân hàng.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu khách hàng phải trực tiếp ra quầy giao dịch và xuất trình căn cước công dân để mở khóa tài khoản, không hỗ trợ mở khóa qua cuộc gọi. Điều này giúp tăng cường bảo mật và tránh bị lợi dụng bởi các đối tượng xấu.

Trước tình hình ngày càng nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Đừng để những cuộc gọi giả mạo làm bạn hoảng loạn, và luôn nhớ rằng ngân hàng không bao giờ yêu cầu cung cấp mã OTP qua điện thoại.

Việc cẩn trọng và bình tĩnh xử lý khi gặp tình huống bất thường không chỉ giúp bảo vệ tài sản cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn các hành vi lừa đảo tiếp diễn trong xã hội.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Tặng 2.000m2 đất cho ông Nhưỡng, ông Vân để 'về ở cùng cho vui'

Bị cáo Nguyễn Văn Vương khai, việc tặng ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân 2.000m2 đất tại Quảng Ninh để cảm ơn vì 'quý hai ông nên muốn rủ về ở cùng cho vui'.