| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng sẽ 'cắt cơn' thiếu nước sạch cho người dân vùng cao

Thứ Hai 12/10/2020 , 10:21 (GMT+7)

Cao Bằng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, để đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng biên cương luôn đủ nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh.

Nói đến thiếu nước sinh hoạt, nơi Lục Khu của huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng được đưa lên tốp đầu của các tỉnh phía bắc về thiếu thốn trăm bề, ngoài thiếu thốn lương thực, thì người dân Lục Khu còn quanh năm thiếu nước sinh hoạt, có năm nào mưa ít, nắng hạn nhiều, hàng nghìn hộ dân ở Lục Khu bị thiếu nước từ 8 - 9 tháng.

Nhiều hộ dân vùng Lục Khu (xã biên giới) của huyện Hà Quảng đã có nước sạch quanh năm

Nhiều hộ dân vùng Lục Khu (xã biên giới) của huyện Hà Quảng đã có nước sạch quanh năm

Người dân Lục Khu là các xã bám sát với vùng biên viễn, nơi các dãy núi đá vôi cao vút, khô cằn và không có con sông và một dòng suối nào chảy qua. Chính vì thế, nước uống ở Lục Khu được ví còn “quý” hơn hạt gạo.

Chị Sùng Thị Lan, dân tộc Mông, xã Vần Dính tâm sự: Cách đây khoảng 20 năm, cứ vào thời điểm mùa khô, tôi cùng những đứa trẻ trong xóm thường xuyên phải đi xa nhà vài cây số để lấy về được hơn chục lít nước sinh hoạt. Mà gọi là nước sinh hoạt nhưng không quá sạch vì lúc đó nước khe cũng cạn, tìm được vũng nước đục trong vách đá là mừng lắm rồi. Thời đó, nhiều năm dân thiếu nước trầm trọng, các cấp ngành từ tỉnh đến huyện phải cho xe ngựa chở nước sinh hoạt ngược núi mang nước sạch đến “giải khát” cho người dân.

Theo ông Trần Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã Lũng Nặm: Là địa phương giáp biên giới Trung Quốc, những năm qua, vấn đề nước sinh hoạt phục vụ người dân đã được cải thiện đáng kể. Nhờ nguồn vốn từ các chương trình 135, vốn 30a, xã chúng tôi được đầu tư các công trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện nay, các xóm đã được xây dựng bể công cộng các loại, các nhà riêng cũng có các loại: Lu, bể vuông, có bể từ 1 - 5 khối để tích trữ nước mùa mưa.

Hồ nước tập trung vùng biên giới Cao Bằng, đã cứu giúp người dân vào những tháng mùa khô hạn

Hồ nước tập trung vùng biên giới Cao Bằng, đã cứu giúp người dân vào những tháng mùa khô hạn

Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng thông tin: Các xã Lục Khu mới được xác nhập còn 7 xã, trong đó có 3 xã giáp biên giới với Trung Quốc, nhiều năm qua thường xuyên thiếu nước sinh hoạt.

Từ năm 2011 đến nay, vùng Lục Khu được đầu tư gần 140 tỷ đồng xây dựng 14 hồ vải địa, với dung tích hơn 36.700 m3; gần 200 bể chứa nước các loại với dung tích trên 25.000 m3 (bể xây đá và bể bê tông cốt thép có dung tích từ 50 - 300 m3/bể. Nhờ đó, bảo đảm nước sinh hoạt cho hơn 7.000 hộ dân vùng Lục Khu, với tỷ lệ 45 - 50 lít/người/ngày.

Nhiều năm trước đây, người dân xóm Thông Thá, xã Ngọc Động, huyện biên giới Quảng Hòa thiếu nước sinh hoạt nhiều tháng khi vào mùa khô. Người dân phải đi gánh nước ở các mỏ nước tự chảy cách xa nhà. Từ hơn 10 năm trở về đây, huyện đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung sử dụng máy bơm điện, lắp công tơ cho từng gia đình nên người dân không còn lo thiếu nước sinh hoạt.ời

Chị Vi Thị Huệ, xóm Thông Thá, xã Ngọc Động chia sẻ: Khi công trình đi vào hoạt động, xóm đã thành lập tổ tự quản để bảo vệ công trình. Mỗi hộ sẽ nộp tiền sử dụng nước hàng tháng theo số khối sử dụng, để cho vào quỹ chung, dùng cho việc sửa chữa công trình, máy bơm, đường ống. Hiện nay, mỗi ngày máy bơm nước hai lần nên thoải mái sử dụng.

Đến hết năm 2019, toàn tỉnh Cao Bằng có 895 công trình cấp nước tập trung; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; 28,7% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế; tỷ lệ thất thoát nước sạch dưới 20%. Năm 2020, tỉnh đang triển khai 13 công trình cấp nước tập trung với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng…

Ông Bế Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khẳng định: Những năm qua, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh ngày càng cao; tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở vùng cao dần được cải thiện, số tháng thiếu nước vào mùa khô giảm rõ rệt. Từ khi có các công trình cấp nước, tập quán sinh hoạt của nhiều gia đình đã thay đổi hoàn toàn, người dân địa phương hạn chế sử dụng nước sông, suối không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh.

Tuy nhiên, các nguồn vốn đầu tư làm công trình nước tập trung còn nhỏ lẻ nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không có kinh phí để bắt đường ống dẫn nước vào sử dụng.

Cán bộ xã Ngọc Động đang hướng dẫn bà con cách bảo quản, duy tu đường nước sạch tự chảy. 

Cán bộ xã Ngọc Động đang hướng dẫn bà con cách bảo quản, duy tu đường nước sạch tự chảy. 

Chính vì vậy, ở một số vùng, mặc dù đã được lắp đặt bể nước tập trung, hệ thống ống dẫn nước về nhưng do không có đường ống nhánh nên người dân vẫn không có nước sạch để sử dụng, ông Thành cho biết thêm.

Thời gian tới, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, nhất là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, tỉnh Cao Bằng mong tiếp tục được bố trí nhiều nguồn vốn từ các chương trình để đầu tư thêm các công trình cấp nước tập trung.

Tiến tới mục tiêu năm 2025, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; 65% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.