| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng :Hơn 400 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở

Thứ Năm 24/09/2020 , 09:34 (GMT+7)

Hầu hết người dân sống tại những nơi nguy cơ sạt lở là hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh rất khó khăn.

Mới đây nhất là vào lúc 19 giờ ngày 7/9/2020, chỉ một trận mưa lớn, đã làm cho hàng chục hộ dân ở các xóm: Cốc Phja, Pàn Kèn, Đông Sằng, Khuổi Khoang thuộc xã Quang Trung, huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng bị đất đá sạt trượt từ các đỉnh đồi tràn xuống nhà, sạt nhỏ vài khối, chỗ sạt lớn đến hàng trăm khối, gây hoang mang, lo sợ cho các hộ dân.

Nhà ông Lý Văn Hữu, xóm Khuổi Khoang, xã Quang Trung, huyện Hòa An bị sạt lở hư hỏng nặng.

Nhà ông Lý Văn Hữu, xóm Khuổi Khoang, xã Quang Trung, huyện Hòa An bị sạt lở hư hỏng nặng.

Ông Lý Văn Hữu, xóm Khuổi Khoang chia sẻ: Mưa lớn làm hàng trăm khối đất ở đỉnh đồi sau nhà sạt xuống. Tất cả các chân cột nhà đều bị xê dịch đi hơn 1 m. Lúc đó cả gia đình vội chạy ra ngoài để gọi mọi người đến giúp đỡ di chuyển đồ đạc, tài sản ra ngoài. Tối hôm đó, gia đình tôi phải ra ngủ ngoài lán để đảm bảo an toàn. Hiện nay, căn nhà sàn đã bị hư hỏng nặng không thể sửa chữa. Gia đình mong muốn địa phương hỗ trợ để gia đình sớm di dời sang nơi ở mới.

Còn ông Chảo Phụ Nhàn, xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm góp tiền từ nuôi bò và làm thuê, đầu năm 2020, đã làm được căn nhà cấp 4 trị giá hơn 200 triệu đồng. Tháng 4/2020, sau trận mưa lớn, vài chục khối đất đá sạt trượt xuống đằng sau nhà, vùi lấp nhiều diện tích lúa, ngô, rau màu. Ông Nhàn rất muốn di dời đến nơi ở mới, nhưng gia đình không còn mặt bằng nào khác, cũng không có kinh phí để làm nhà mới, nên vẫn đành tiếp tục chấp nhận ở lại. Những trận mưa to về đêm, cả nhà ông không ai dám ngủ, vì sợ đất tràn xuống nhiều có thể sẽ vùi lấp cả căn nhà.

Ông Ban Thanh Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm thông tin: Từ năm 2015 - 2019, huyện đã rà soát, hỗ trợ hơn 100 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, mất an toàn di dời đến nơi ở mới. Đến hết tháng 8/2020, UBND tỉnh đã cấp kinh phí để huyện triển khai hỗ trợ cho 33/40 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, mỗi hộ 20 triệu đồng để di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, địa hình huyện đa số là đồi núi dốc, thiếu quỹ đất ở, người dân còn nhiều khó khăn, kinh phí hỗ trợ thấp, nên người dân rất khó để di dời đến nơi ở mới.

Theo rà soát, từ năm 2013 - 2019, toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 400 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ quét đã được hỗ trợ kinh phí đến nơi ở mới. Năm 2020, qua khảo sát sơ bộ, vẫn còn 177 hộ nằm trong vùng không an toàn, cần phải di dời nhà ở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đã trình xin UBND tỉnh cấp kinh phí cho các huyện để hỗ trợ sớm cho người dân.

Những hộ nghèo Cao Bằng luôn mong muốn có tiền để di chuyển đến nơi ở an toàn.

Những hộ nghèo Cao Bằng luôn mong muốn có tiền để di chuyển đến nơi ở an toàn.

Bà Ma Thị Huyền Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng cho biết: Công tác di dân ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở tại các địa phương khó khăn nhất vẫn là thiếu mặt bằng, kinh phí hỗ trợ còn thấp, trong khi các hộ dân đa số là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh rất khó khăn.

Do đó, việc di dân khỏi nơi nguy hiểm tại Cao Bằng đang bị khó khăn từ 2 phía, bao gồm cả nguồn kinh phí hỗ trợ thấp, người dân thường là hộ nghèo, cùng với đó là quỹ đất ở và đất sản xuất cho di dân lại khan hiếm, nên việc di dân đến nơi sống an toàn vẫn phải theo lối ưu tiên cho những hộ dân trong diện nguy cơ cao.  

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.