Tập trung phun phòng, trừ sâu bệnh trong tháng 4
Theo Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật), tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2020-2021 trên 727.000ha, trong đó, trà xuân sớm 79.500ha đang ở giai đoạn phát triển đòng thấp thó trỗ, trà chính vụ xấp xỉ 202.000ha đang ở giai đoạn đứng cái phân hóa đòng, trà xuân muộn gần 446.000ha đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ.
Tính đến nay, cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi. Các đối tượng sinh vật hại chính trên lúa như đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, ốc bươu vàng, chuột… có diện phân bố hẹp, với mức độ hại thấp hơn so với vụ đông xuân 2019-2020.
Bệnh đạo ôn phát sinh gây hại từ trung tuần tháng 2 trên các giống nhiễm như: BC15, X21, LT2… và phát sinh nhanh từ cuối tháng 3 đến nay. Gây hại chủ yếu trên giống nhiễm tỷ lệ phổ biến 0,5-2%, cao 5-8%, cục bộ 20-40% ở một số tỉnh. Cá biệt, tại Điện Biên, Bắc Ninh tỷ lệ mật độ cao, lớn hơn 50-90% số lá, gây lụi chòm ổ. Diện tích nhiễm trên 5.600ha, nặng 209ha, phòng trừ 10.800ha.
Sâu cuốn lá nhỏ diện tích nhiễm 17ha. Sâu non gây hại diện hẹp trên lúa giai đoạn đẻ nhánh làm đòng, mật độ phổ biến rải rác đến 0,5 con/m2, nơi cao 2-4 con/m2 ở một số tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Quảng Ninh, Lai Châu Hải Phòng, Hà Nam. Tại Yên Bái, Nam Định mật độ nơi cao 10-20 con/m2, các tỉnh khác mật độ thấp.
Lứa 2 trưởng thành vũ hóa rải rác từ đầu tháng 4. Đến nay, mật độ rải rác đến 0,1 con/m2, cao 0,3-0,5 con/m2 ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam. Tại Quảng Ninh mật độ nơi cao 3-5 con/m2.
Đối với rầy nâu rầy lưng trắng, diện tích nhiễm 99ha, phòng trừ được 54ha, diện phân bố hẹp. Lứa 1 rầy cám rộ từ giữa đến cuối tháng 3, gây hại diện hẹp trên lúa sớm và chính vụ, giống nhiễm mật độ phổ biến từ 100-300 con/m2, cao 750-1.000 con/m2 tại Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Các tỉnh khác mật độ rải rác đến 10 con/m2, cao 30-80 con/m2, cục bộ 150-300 con/m2 như Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng.
Các loại bệnh khác trên lúa, diện tích nhiễm bệnh cũng đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Như sâu đục thân diện tích nhiễm 7ha, khô vằn 5.667ha, diện tích bị nặng 16ha, phòng trừ được 3.969ha. Bệnh đốm sọc vi khuẩn diện tích nhiễm 179ha, phòng trừ 105ha, bệnh vàng lụi diện tích nhiễm 3ha, phòng trừ 2ha… Riêng bệnh bạc lá diện tích nhiễm 306 ha, phòng trừ 606ha, cao hơn so với với cùng kỳ năm trước.
Chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh trọng điểm lúa phía Bắc như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ… đều có chung đánh giá, dù tình hình các bệnh gây hại trên lúa không căng thẳng như vụ đông xuân 2019-2020, song sâu cuốn lá nhỏ thời gian kéo dài hơn, tập trung ra vào giai đoạn 27/4-8/5, rầy lứa hai có thể xuất hiện sớm hơn sâu cuốn lá nhỏ, nên các tỉnh tập trung phun phòng trừ vào cuối tháng 4, không để sang đầu tháng 5.
Không chủ quan bệnh đạo ôn, rầy nâu, cuốn lá nhỏ lứa 2, lứa 3
Theo nhận định tình hình thời tiết của Trung tâm BVTV phía Bắc, nửa cuối tháng 4, nhiều khả năng có 1-2 đợt không khí lạnh có thể gây ra một đợt mưa dông cường độ mạnh. Thời tiết không có nhiều đợt nắng nóng kéo dài do không khí lạnh hoạt động liên tục, gây nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù vào đêm và sáng sớm. Đầu tháng 5, không khí lạnh hoạt động yếu. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu của những đợt nắng nóng kéo dài và nóng mạnh mẽ như vụ đông xuân 2019-2020.
Trong điều kiện thời tiết như vậy, bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại từ cuối tháng 4 trên giống nhiễm, diện tích lúa bị đạo ôn lá nặng, nhất là diện tích lúa trỗ, phơi màu trong điều kiện thuận lợi cho đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại.
Sâu cuốn lá nhỏ, trưởng thành lứa 2 rộ tập trung từ giữa đến cuối tháng 4 và có thể kéo dài sang đầu tháng 5. Đây là lứa gây hại chính trong vụ đông xuân trên các trà lúa xuân chính vụ, muộn ở giai đoạn đòng trước trỗ.
Sâu gây hại nặng tại các tỉnh đồng bằng ven biển và Trung du Bắc Bộ. Các tỉnh vùng đồng bằng và trung du mật độ phổ biến 10-30 con/m2, cao 40-50con/m2, các tỉnh ven biển mật độ phổ biến 30-50 con/m2, nơi cao 50-100 con/m2. Sâu cuốn lá nhỏ ở giai đoạn trưởng thành lứa 3 vũ hóa tập trung vào trung tuần tháng 5, sâu non hại chủ yếu trên lúa xuân muộn diện xanh tốt.
Rầy nâu rầy lưng trắng lứa 2 phát sinh gây hại từ giữa đến cuối tháng 4 trên lúa xuân sớm, chính vụ ở giai đoạn trỗ, ngậm sữa và trên trà xuân muộn giai đoạn đòng, trước trỗ. Diện phân bố rộng, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cao 2.000-5.000 con/m2, ổ lớn hơn 7.000 con/m2, khả năng cháy ổ nhỏ vào đầu tháng 5 đặc biệt trên những giống nhiễm.
Lứa 3 phát sinh gây hại từ giữa đến cuối tháng 5 chủ yếu trên trà xuân muộn giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi nhất là các tỉnh đồng bằng ven biển, mật độ phổ biến 500-1.000 con/m2, cao lên tới hàng vạn con/m2. Khả năng cháy nhiều ổ vào giai đoạn giữa đến cuối tháng 5 nếu không tổ chức phòng trừ tốt.
Đối với sâu đục thân 2 chấm, trưởng thành từ lứa 2 phát triển rộ từ cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 5. Sâu non gây bông bạc tập trung chủ yếu trên diện tích lúa trỗ sớm cuối tháng 4, đầu tháng 5 và diện tích lúa trỗ muộn từ trung tuần tháng 5, tỷ lệ hại phổ biến 1-3%, nơi cao 10-15% số bông. Bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chuột… tiếp tục gây hại, mật độ tăng từ nay đến cuối vụ.
Cục BVTV yêu cầu các tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và thời gian trỗ của các trà lúa để chủ động chỉ đạo phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Đặc biệt quan tâm đến những diện tích lúa trỗ sớm trong tháng 4, nhất là trên những giống nhiễm.
Đối với sâu cuốn lá nhỏ, năm nay các lứa sâu kéo dài và có khả năng hình thành nhiều cao điểm trong lứa. Đòi hỏi từng tỉnh phải tổ chức điều tra, bám sát diễn biến của bệnh để chọn cao điểm và thời gian thích hợp tổ chức chỉ đạo phòng trừ cho phù hợp và đem lại hiệu quả.
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng cần bám sát đồng ruộng, tổ chức phòng trừ tốt rầy lứa 2 để giảm áp lực rầy lứa 3. Với lùn sọc đen, tiếp tục giám sát chặt chẽ virus lùn sọc đen trên rầy và trên lúa đông xuân để chủ động quản lý bệnh ngay từ đầu vụ.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, cho biết: Theo dự báo, năm nay các trà lúa sẽ kết thúc trỗ sớm hơn 5 ngày so với 2020 (kết thức ngày 20/5). Cùng với đó, nhận định của Trung tâm KTTV Quốc gia, cuối tháng 4 đầu tháng 5 còn 1 đến 2 đợt rét yếu. Rất dễ sẽ kéo theo thời tiết âm u, ẩm độ cao nên đạo ôn, cuốn lá nhỏ, rầy nâu lứa 2, lứa 3 có nguy cơ phát triển mạnh. Do vậy, các địa phương không được chủ quan, tiếp tục bám sát đồng ruộng, đặc biệt lưu ý đến những vùng đã xuất hiện đạo ôn lá, các diện tích hàng năm đã có bệnh.
Cũng theo ông Dương, với thời tiết như năm nay, các địa phương hết sức chú ý đến bệnh khô vằn, bệnh bạc lá đặc biệt giai đoạn lúa trỗ ở các trà chính vụ và trà muộn. Bởi vì, một vài năm trước diện tích nhiễm bệnh bạc lá vụ đông xuân cao hơn cả vụ mùa. Hiện nay, trên 300ha đã bị nhiễm. Vì vậy, các đơn vị phải thường xuyên cắt cử cán bộ chuyên môn cắm chốt, bám địa bàn ở những vùng xung yếu nắm tình hình để kịp thời đưa ra phương án xử lý. Bảo vệ thắng lợi vụ đông xuân 2020-2021, góp phần vào thành công chung của cả nước.
Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV cho biết: Chuột hiện nay đang nổi lên thành đối tượng phá hoại rất lớn. Các loài thiên địch của chuột gần như không còn, vì vậy, các địa phương cần sớm đưa ra các phương án đánh chuột hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại trên các trà lúa.